TreesTIN LIÊN QUAN | |
Đắk Lắk tổ chức Lễ hội quảng bá cà phê Buôn Ma Thuột | |
Tết Đinh Dậu: Ngành du lịch đón tín hiệu vui |
Chúng ta hay nói về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Văn hóa giữ vai trò như thế nào trong hội nhập và phát triển? Trong thế giới phẳng, văn hóa có phẳng không?
Cơ hội ở mọi nơi
Trong chương trình tại các trường đại học bên Canada, các học giả, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, doanh nhân… thường được mời đến lớp nói chuyện với học viên. Tiến sỹ I-an Cavanagh, Giám đốc công ty ICT Ambir kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin đa quốc gia (trụ sở tại Canada, Mỹ và Ấn Độ) là người được mời đến lớp tôi nói về vấn đề hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (bìa phải) và tác giả (giữa) tại gian trưng bày thông tin đối ngoại ở Hội Báo Xuân Đất Tổ, tháng 2/2017. |
Anh cho biết cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ "Thế giới phẳng" (The world is flat) của Thomas Friedman có ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của mình. Là giám đốc một công ty kinh doanh đa quốc gia, I-an muốn lấy ý tưởng “thế giới phẳng” (flatworld) làm thương hiệu cho công ty. Nhưng khi tìm trên Google, tên miền flatworld.com đã có một người đăng ký (mặc dù nó chưa hề được sử dụng để kinh doanh).
I-an quyết định mua lại tên miền này. Lần thứ nhất thương lượng không được, vài lần sau cũng vậy. Cuối cùng, I-an phải trả mấy ngàn USD cho một người không hề biết mặt tại Hàn Quốc để mua được tên miền flatworld.com. Một người Canada và một người Hàn Quốc bên kia bờ Thái Bình Dương, cách nhau hơn nửa vòng trái đất và không hề biết mặt nhau, đã giao dịch thành công thông qua mạng toàn cầu.
Tiến sỹ I-an Cavanagh mở đầu buổi nói chuyện với học viên như trên để khẳng định: với sự bùng nổ của Internet ngày nay, các cá nhân ở mọi ngõ ngách của thế giới đều có cơ hội ngang nhau để làm ăn, thi thố khả năng của mình trong một sân chơi chung, đó là "thế giới phẳng".
Muốn thành công phải hiểu văn hóa
Là doanh nhân nói về văn hoá, cách tiếp cận vấn đề của I-an khiến học viên rất chú ý. Anh cho rằng, muốn thành đạt trong hội nhập, kinh doanh, phải hiểu văn hóa. Nhiều năm làm việc tại các nước, I-an nhận ra rằng, người phương Tây hài hước và hay nói thẳng, thực tế và quả quyết, còn người châu Á lại thân thiện, nồng nhiệt, dễ thích ứng, dễ đàm phán. Ví dụ một buổi hội thảo, với người phương Tây, nếu lịch khai mạc là 8 giờ, họ sẽ bắt đầu từ 8 giờ dù cho có một số người đến muộn. Trong vòng 1 tiếng, họ sẽ thảo luận theo đúng chương trình đã lên lịch. Còn ở một nước châu Á, hội thảo từ 8 giờ nhưng chỉ ít người có mặt. 15 phút sau lác đác có người đến. 20 phút sau có người đến nữa và có người không đến. Chương trình có thể linh hoạt, thay vì bắt đầu từ 8 giờ, sẽ có thể từ 8 giờ rưỡi hoặc 9 giờ, thay vì họp một tiếng có thể kéo dài đến ba tiếng (không theo kế hoạch đã lập trước).
Người phương Tây thích bày tỏ quan điểm thẳng thừng. Nhưng một số nước châu Á không cho như vậy là tế nhị. Nếu bạn nói sai ở New York, người ta sẽ bảo ngay “ông sai rồi”. Nhưng ở Ấn Độ, có thể người ta không nói ngay bạn không đúng. “Người Ấn Độ khác người Việt Nam. Việt Nam khác với tôi và tôi khác với các bạn”, I-an nói. Văn hóa là tài sản quý giá vì văn hóa chính là sự khác biệt. I-an bảo anh đánh giá cao sự khác biệt, nét độc đáo. Anh thấy người Việt Nam tử tế, hoà nhã, dễ hợp tác. Đó là nét riêng. 90 triệu người Việt Nam rất thông minh, nhưng để biến cái thông minh đó thành sự thành đạt trong kinh doanh mới là điều cần quan tâm. I-an cho rằng các bạn Việt Nam nên sử dụng vốn văn hóa của mình để tiến gần hơn với người phương Tây, đồng thời người phương Tây các anh cũng phải cố gắng tiến gần hơn để hiểu Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu. I-an nhận định Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam... sẽ là các trung tâm hội nhập kinh tế thế giới.
Hội nhập không có nghĩa san phẳng cái riêng
Thế giới phẳng trong kinh doanh không có nghĩa là san phẳng nét văn hóa độc đáo của riêng các dân tộc. Tiếng Anh bây giờ được coi là phương tiện giao tiếp thương mại toàn cầu. Nhưng tại sao bạn lại phải đánh mất văn hóa của mình khi sử dụng tiếng Anh? Ngôn ngữ là một phần của văn hóa, nhưng cũng không hẳn là văn hóa. I-an bảo người Canada đã có kinh nghiệm ở Quebec. Trước đây họ cứ nghĩ nếu người Quebec không nói tiếng Pháp thì không còn bản sắc Quebec. Nhưng thực ra không phải vậy. Hiện nay, tiếng Anh và tiếng Pháp song song tồn tại ở Quebec, vừa thuận tiện trong kinh doanh, mà không hề làm mai một bản sắc văn hóa độc đáo nơi đây. Tỉnh bang New Foundland (cực Đông Canada) không có tiếng nói riêng nhưng họ đã giữ được một di sản văn hóa rất riêng, không thể lẫn.
I-an hỏi tôi: “Tên bạn là gì”? “Tôi là Quảng”. “Bạn là Quảng, không phải là Jones, cũng không là phải là Tom. Khi nói tiếng Anh, tên bạn vẫn vang lên là Quảng. Không ai gọi bạn là Jones, là Tom. Quảng là tên của riêng bạn, do cha mẹ bạn đặt. Đó là điều thiêng liêng. Nhiều người nhập cư châu Á thích gọi tên mình theo cách gọi châu Âu, như thế đúng là tiện dụng trong giao tiếp, nhưng theo cá nhân tôi, chưa phải là hay nhất. Có thể họ đã làm mất đi cái gì rất riêng của họ”.
I-an bảo anh đã sống và làm việc ở nhiều nước, nhưng anh luôn tự hào mình là người Canada. Sau thời gian dài làm việc ở Ấn Độ, khi trở lại Canada, anh đã khóc. Trong trái tim anh có cái gì đó như reo lên: "Đây là nước tôi, đây là nhà tôi". Văn hóa đã thấm đẫm vào tầng sâu thẳm nhất trong lòng mỗi cá nhân. I-an cho biết anh kiếm được kha khá tiền từ quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, nhưng anh bảo, bản thân anh sẽ không bao giờ để hòa tan bản sắc của mình trong quá trình hội nhập và phát triển.
Chủ tịch nước tham gia vòng xòe đại đoàn kết tại Đồng Mô Sáng 4/2, nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến chúc Tết đồng bào các dân tộc tại ... |
Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức Tết cổ truyền Tết cho cộng đồng là hoạt động giúp giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp, làm vợi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đất ... |
Chọn trang phục APEC 2017 Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành (ảnh trên), cho biết ... |