📞

Tiếp đà thành công, vượt qua thách thức

20:32 | 05/01/2017
Trưa 5/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành thời gian gặp gỡ, thông tin cho báo chí về tình hình khu vực, thế giới, thành tựu đối ngoại năm 2016 và phương hướng công tác đối ngoại năm 2017.

Đánh giá về tình hình thế giới năm 2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, nếu có thể nói ngắn gọn, thì năm 2016 là" bất ổn, khó lường”. Tình hình an ninh truyền thống (như chiến tranh Trung Đông, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng), phi truyền thống (như biến đổi khí hậu) đều phức tạp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, xu hướng chung của thế giới vẫn là hòa bình, với những thỏa thuận mà "trước đây không hình dung được", như sự bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran, thỏa thuận hòa bình Colombia. Theo Phó Thủ tướng, những sự kiện như Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu), hay xu hướng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, xu hướng chống toàn cầu hóa nổi lên… đều là sự tích tụ từ nhiều năm qua nhưng được bộc lộ ra trong trong năm 2016.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp gỡ báo chí đầu năm 2017. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Thành tựu quan trọng

Đánh giá khái quát về những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại trong năm 2016, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là sự tiếp nối từ thành công của các năm trước, và cũng là nhờ sự triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII.

Trên bình diện song phương, các khuôn khổ Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện đi vào cụ thể. Các hoạt động ngoại giao đa phương cũng được triển khai rất tích cực. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tham dự hầu hết các hội nghị khu vực và thế giới quan trọng như: Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7)... Bên cạnh đó, Việt Nam còn là chủ nhà của nhiều hội nghị như: Hội nghị Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS 7), Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV 8). Tại các hội nghị này, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng thông qua các sáng kiến, đề xuất cụ thể.

Việc tham gia các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế – xã hội của nước ta… đã đạt được những bước tiến đáng kể. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia đóng góp xây dựng các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về quyền trẻ em và biến đổi khí hậu...

Phó Thủ tướng cho rằng, đối ngoại quốc phòng trong năm 2016 đạt được nhiều thành quả, đóng góp tích cực vào hoạt động đối ngoại chung. Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và các nước góp phần tăng cường lòng tin, xây dựng môi trường an ninh ổn định. Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM)…

Năm 2016 cũng đánh dấu nhiều thành công trong công tác ngoại giao văn hóa. Ngoài việc tổ chức các sự kiện như Tuần Việt Nam hoặc Ngày Việt Nam ở các nước, chúng ta đã vận động UNESCO công nhận thêm nhiều di sản văn hóa của Việt Nam như Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang... Hiện Việt Nam đang vận động tranh cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO.

Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trong năm qua. Bộ Ngoại giao đã theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế khu vực và thế giới giúp Chính phủ hoạch định chính sách kinh tế phù hợp hơn. Bộ Ngoại giao cũng góp phần tích cực vận động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển như ODA; vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường ra bên ngoài…

Công tác bảo hộ công dân trong năm 2016 được triển khai mạnh mẽ trên nhiều phương diện; tiếp tục thực hiện và triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Số lượng kiều bào về đầu tư ở trong nước tăng lên đáng kể. Các dự án đầu tư của kiều bào có mặt ở 52 trong số 63 tỉnh thành của cả nước.

Theo thông lệ hàng năm, sau cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh cùng các phóng viên. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Hoàn thành các mục tiêu Cộng đồng ASEAN

Năm 2016, về cơ bản, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN, ở mức độ khác nhau, hoàn thành các mục tiêu của Cộng đồng. Các nước thành viên tạo dựng được cơ sở đồng nhất về thị trường với các hàng rào thuế quan được bãi bỏ, tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, ASEAN cũng đang tính đến việc xây dựng Cộng đồng sau 2025. Ngoài sự tin cậy về mặt chính trị, Việt Nam cũng đã góp phần tăng cường sự đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN.

Tuy nhiên, trong năm đầu tiên hình thành Cộng đồng ASEAN, vẫn có những vấn đề chưa được như những người xây dựng, hoạch định Cộng đồng kỳ vọng. Chẳng hạn, ở Việt Nam, theo Tổng cục thống kê, trên 80% các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, chế tạo đã cảm nhận được sự hiện hữu của Cộng đồng ASEAN nhưng tăng trưởng thương mại lại thụt lùi. So với năm 2015, năm 2016, thương mại của Việt Nam với ASEAN giảm 8%. Điều đó phần nào cho thấy sức cạnh tranh, cảm nhận của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường ASEAN “chưa đủ lớn”. Bên cạnh đó, cũng có thể do doanh nghiệp Việt Nam chú trọng hơn đến các thị trường ngoài ASEAN, hoặc do hàng hóa của các nước trong khu vực không có tính bổ trợ khiến chúng ta không cạnh tranh được, Phó Thủ tướng nhận định.

Tự tin bước vào Năm APEC

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, chủ đề của Năm APEC Việt Nam 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” rất phù hợp với tiến trình phát triển hiện nay của APEC. So với năm 2006, Việt Nam bước vào năm 2017 với một tâm thế khác; kỳ vọng của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn đối với Việt Nam cũng khác, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy nổi lên đặt ra thách thức rất lớn đối với quá trình liên kết kinh tế khu vực.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là Chủ nhà của APEC trong giai đoạn quyết định, tiến tới hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020. Bốn ưu tiên được Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017: tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực, và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu được các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ và nhất trí cao. Điều quan trọng là các ưu tiên này rất phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

“Việt Nam đã thể hiện vai trò Chủ nhà khi đáp ứng đúng yêu cầu và quan tâm của các nền kinh tế, đồng thời gắn được những yêu cầu, mục đích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với các ưu tiên đó”, Phó Thủ tướng nhận định.

Về công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017, từ giữa năm 2015, Ủy ban Quốc gia về APEC 2017 đã được thành lập. Việt Nam cũng hết sức tích cực chuẩn bị từ nội dung đến cơ sở vật chất, hạ tầng bảo đảm đáp ứng được tốt nhất việc tổ chức các hội nghị trong Năm APEC 2017.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng trong Năm APEC là quảng bá hình ảnh và giới thiệu với bạn bè quốc tế các thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam từ 2006 đến nay.

Xử lý linh hoạt thách thức

Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo là phức tạp và khó lường hơn trước, điều mà Phó Thủ tướng trăn trở là năm 2017, có rất nhiều sự thay đổi, bởi đây là năm có nhiều cuộc bầu cử quan trọng ở các nước, và sẽ có những tình huống “mà chúng ta chưa dự báo được hết”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam vẫn kiên trì phương châm là bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ trên cơ sở độc lập tự chủ và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

“Mục đích của Việt Nam là tạo được lợi ích chung với các các nước – đó là duy trì hòa bình ổn định. Với phương châm đó, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ dựa trên các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện hết sức quan trọng mà chúng ta đã dày công gây dựng được; tiếp tục phát huy đà quan hệ có được trong những năm qua với các nước, đặc biệt với các nước láng giềng, các nước có vai trò quan trọng trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, Việt Nam bắt đầu triển khai Nghị quyết 06/TW IV về hội nhập quốc tế. Chúng ta đã tham gia chủ động hơn vào các cơ chế đa phương, ký kết nhiều hiệp định thương mại trong năm 2016. “Tôi nghĩ rằng, trong năm 2017 sẽ có nhiều thách thức về đối ngoại cần phải xử lý rất linh hoạt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua thương lượng về các vấn đề phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thềm lục địa và ngoài thềm lục địa… Phó Thủ tướng khẳng định, Biển Đông là tuyến đường biển hết sức quan trọng, bất cứ động thái nào làm ảnh hưởng đến môi trường ổn định ở đây sẽ gây ra phản ứng của tất cả các nước, không chỉ là các nước có tuyên bố chủ quyền.

Về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Phó Thủ tướng cho rằng 6 năm thảo luận, đàm phán và xây dựng là một quá trình lâu dài, nghiêm túc, quyết liệt. Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định này trong năm 2016 là thành quả chung, thể hiện lợi ích của 12 nước thành viên. Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump từng nói Mỹ có thể rút khỏi TPP, nhưng  vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Hiện tại, các nước thành viên đang triển khai quyết liệt việc phê chuẩn TPP.

Cuộc gặp gỡ của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có sự tham dự của đông đảo phóng viên báo chí, đến từ gần 40 cơ quan báo đài trung ương và Hà Nội.