Ông Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp đã trao album ảnh “Kỹ thuật của người An Nam” về các ngành nghề ở Việt Nam đầu thế kỷ XX cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. (Ảnh: Hoàng Nam) |
Tham dự buổi lễ có ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp; ông Hoàng Vĩnh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia; bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; bà Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức Thế giới UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương; bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp đã trao album ảnh “Kỹ thuật của người An Nam” do bà Vũ Thị Xuân Phương, nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp gốc Việt, trao tặng cho Nhà nước ta thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Thiệp cũng trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III một số tài liệu dạng âm thanh về Hội nghị Định ước Hiệp định Paris 1973 do Bộ Ngoại giao Pháp cung cấp.
Ông Nguyễn Thiệp trao danh sách các tài liệu dạng âm thanh về Hội nghị Định ước Hiệp định Paris 1973 do Bộ Ngoại giao Pháp cung cấp. (Ảnh: Hoàng Nam) |
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Thiệp chia sẻ, tập album “Kỹ thuật của người An Nam” tập hợp đầy đủ hình ảnh công việc của tất cả các ngành nghề ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, được in vào khoảng năm 1910, bằng kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống trên giấy dó của người Việt.
Đây là công trình của tác giả Henri Oger, một nhà nghiên cứu chuyên về văn hóa Á Đông, học trò của Louis Finot, nguyên Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội.
Cuốn album là kết quả của các chuyến đi tìm hiểu và sưu tầm của Henri Oger cùng một họa sĩ Việt Nam trên tất cả các phố phường Hà Nội và vùng lân cận trong thời gian phục vụ quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương (1908-1909).
Hiện nay trên thế giới chỉ còn lại 4 bản lưu trong các thư viện tại Việt Nam và Pháp, nhưng rất hạn chế tra cứu vì tình trạng xuống cấp của tài liệu.
Tập album “Kỹ thuật của người An Nam” được trao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Hiện trên thế giới chỉ còn lại 4 bản lưu trong các thư viện tại Việt Nam và Pháp. (Ảnh: Hoàng Nam) |
Cũng tại buổi lễ, qua phát biểu của các đại biểu đều nhấn mạnh ý nghĩa của việc bà Vũ Thị Xuân Phương trao tặng cuốn album cho Nhà nước ta, thể hiện tấm lòng gắn bó với quê hương, đất nước, mong muốn gìn giữ văn hóa dân tộc của người Việt sống xa Tổ quốc.
Cùng với tập sách, những hình ảnh, tài liệu về Hội nghị Định ước Hiệp định Paris năm 1973 được gửi tặng vào cơ quan lưu trữ cũng là những tài liệu hết sức ý nghĩa trước thềm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III chia sẻ, lưu giữ ký ức và khơi nguồn văn hóa là sứ mệnh của Trung tâm nhằm bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ - Di sản văn hóa của dân tộc.
Trung tâm tự hào đã luôn lưu giữ ký ức sinh động về đời sống của người Việt Nam, tự hào về truyền thống dân tộc, góp phần phục vụ nghiên cứu và tuyên truyền về lịch sử đất nước, con người Việt Nam.
Bà Trần Việt Hoa khẳng định, với điều kiện kho tàng, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật, những khối tài liệu này sẽ được bảo quản an toàn và sử dụng, phát huy giá trị một cách hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Sự kiện này là sự khởi động cho Chương trình sưu tầm tài liệu từ các cơ quan ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước.
Ông Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp và bà bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III ký biên bản trao nhận. (Ảnh: Hoàng Nam) |
Trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và được sưu tầm, tiếp nhận tài liệu của Việt Nam và về Việt Nam từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân, gia đình ở trong và ngoài nước gửi gắm tài liệu, hình ảnh về ký ức lao động, học tập và hành trình sáng tạo của mình bảo quản tại Lưu trữ quốc gia, góp phần gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc cho muôn đời.