Hạ viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu ByteDance phải bán ứng dụng TikTok trong vòng 180 ngày (Nguồn: Financial Times) |
Đây là lần thứ hai trong bốn năm qua, ứng dụng video ngắn nổi tiếng của Trung Quốc - TikTok - nằm trong "tầm ngắm" của các nhà lập pháp Mỹ. Đạo luật này có nguy cơ trở thành bước lùi lớn đối với TikTok, nền tảng chia sẻ video phổ biến toàn thế giới.
Dự luật được thông qua tại Hạ viện Mỹ với tỷ lệ 352 phiếu thuận, 65 phiếu chống. Tổng thống Joe Biden sẽ ký ban hành dự luật, nếu Quốc hội Mỹ gửi dự luật tới bàn của ông.
Dự luật, có tên là "Luật Bảo vệ người dân Mỹ khỏi ứng dụng do quốc gia đối thủ kiểm soát", sẽ yêu cầu công ty mẹ ByteDance của TikTok phải bán ứng dụng này trong vòng 180 ngày; nếu không nó sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng Apple và Google ở Mỹ.
Luật cũng trao cho Tổng thống Mỹ quyền chỉ định các ứng dụng khác là mối đe dọa an ninh quốc gia nếu chúng nằm dưới sự kiểm soát của một nước được coi là đối thủ của Mỹ.
Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh buộc chủ sở hữu ByteDance phải bán ứng dụng này trong vòng 90 ngày, nhưng nó đã thất bại sau những thách thức pháp lý.
Các nhà lập pháp một lần nữa đang tìm cách khiến buộc Bắc Kinh phải bán TikTok - nếu không thì đe dọa sẽ cấm ứng dụng này trên toàn quốc.
Tại sao Mỹ muốn cấm TikTok?
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, TikTok đã phát triển thành một ứng dụng cực kỳ phổ biến, với khoảng 170 triệu người dùng ở Mỹ. Người dùng tại nền kinh tế lớn nhât thế giới dành trung bình khoảng 60-80 phút mỗi ngày TikTok, nhiều hơn mức 30-40 phút trên Instagram.
Thời gian qua, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa tỏ ra quyết liệt trong việc đề xuất cấm TikTok. Hạ nghị sĩ Mike Gallagher và Raja Krishnamoorthi giải thích ứng dụng thuộc quyền sở hữu của một công ty Trung Quốc nên có thể bị lợi dụng để "gây ảnh hưởng đến dư luận, khai thác dữ liệu người dùng, từ đó theo dõi người Mỹ".
Cả hai cũng mô tả TikTok là "phần mềm độc hại do Trung Quốc kiểm soát". Tuy nhiên, thay vì cấm hoàn toàn, họ muốn loại bỏ sự kiểm soát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với ứng dụng.
TikTok đã nhiều lần khẳng định chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính quyền Bắc Kinh và sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu trong tương lai.
Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng.
Thoái vốn có thể có nghĩa bán ứng dụng cho một công ty Mỹ, dù định nghĩa cụ thể sẽ do Tổng thống Mỹ quyết định.
Dự luật cũng tạo ra một quy trình để Tổng thống chỉ định các ứng dụng, mạng xã hội nhất định trong danh mục "nằm dưới sự kiểm soát của kẻ thù nước ngoài", tức những ứng dụng khác không phải của Mỹ cũng có thể chịu "số phận" như TikTok.
"Số phận" của TikTok tại Mỹ vẫn chưa chắc chắn
Gene Munster, một đối tác quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm Deepwater Asset Management cho rằng, lệnh cấm TikTok là một trong những chủ đề hiếm hoi nhận được sự hỗ trợ của lưỡng đảng. "Về cơ bản, đó là chính sách cứng rắn với Trung Quốc", ông nói.
Nhưng "số phận" của ứng dụng này tại Thượng viện vẫn chưa chắc chắn bởi một số nhà lập pháp không muốn cấm một ứng dụng cực kỳ phổ biến như vậy trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, mục tiêu là quyền sở hữu chấm dứt của Trung Quốc - chứ không phải cấm ứng dụng này.
Theo Washington Post, những ngày qua, các văn phòng thuộc Quốc hội Mỹ đang tràn ngập cuộc gọi từ người dùng nhằm phản đối dự luật.
Phát ngôn viên của TikTok cho biết dự luật, nếu được phê duyệt sẽ "tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ, gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, làm mất đi khán giả của các nghệ sĩ và phá hủy sinh kế của người sáng tạo trên khắp đất nước này".
Kể từ khi xuất hiện tại Mỹ, nhiều cá nhân đã tận dụng nền tảng này để tiếp thị và tương tác, biến TikToker trở thành một nghề được ưa chuộng tại đây.
Trong lĩnh vực quảng cáo, TikTok đã trở thành một công cụ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhờ tỷ lệ tương tác cao, với mức chi tiêu của người tiêu dùng cho ứng dụng này tăng 77% vào năm 2021.
Theo báo cáo của Oxford Economics được TikTok tài trợ đưa ra mới đây, nền tảng này đóng góp gần 15 tỷ USD doanh thu của các SMEs Mỹ, đồng thời góp vào GDP toàn quốc tới 24 tỷ USD.
Nếu ByteDance không đồng ý bán lại, hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp sẽ mất đi một nguồn thu lớn, hoặc ít nhất cho tới khi họ tìm được các giải pháp thay thế. Điều này có thể dẫn đến chi phí cao hơn hoặc tỷ lệ tương tác thấp hơn khi rất nhiều người trong số đó phải làm lại từ đầu.
Cựu Tổng thống Donald Trump cũng không ủng hộ dự luật. Ông cho rằng, việc loại bỏ TikTok sẽ chỉ có lợi cho Meta.
Người phản đối dự luật biểu tình trước Điện Capitol. (Nguồn: Reuters) |
Ai sẽ mua TikTok?
Ai sẽ mua TikTok hay ứng dụng này sẽ đồng ý "gả" cho ai là một câu hỏi được đặt ra trong nhiều ngày qua.
Hãng tin Bloomberg cho hay, các mạng xã hội lớn của Mỹ không phải là doanh nghiệp tiềm năng trong việc mua lại TikTok.
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Biden đã kiện Meta, Google và Amazon vì vi phạm luật chống độc quyền. Trên thực tế, các cơ quan chống độc quyền Mỹ cũng đang điều tra mối quan hệ của Microsoft với OpenAI.
GS. Erik Gordon của Đại học Michigan nhận định: "Các gã khổng lồ công nghệ có nguồn tài chính dồi dào có thể không muốn mua lại TikTok vì lo ngại cáo buộc độc quyền, trong khi những công ty nhỏ hơn lại thiếu nguồn lực".
Walmart và Oracle từng cân nhắc sáp nhập TikTok dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump nhưng không đi đến thỏa thuận cuối cùng. Năm 2020, Microsoft cũng có ý định mua TikTok nhưng thất bại.
Brian Wieser, nhà sáng lập công ty tư vấn Madison & Wall cho hay, Microsoft "có thể thử lại" nhưng sẽ phải tìm cách đối phó với sự phản đối từ Trung Quốc.
Còn GS. David King của Đại học bang Florida thì nhận thấy tiềm năng của Amazon vì hãng đang tìm cách tạo dấu ấn trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số.
động thái này "chắc chắn sẽ khiến Mỹ bị gậy ông đập lưng ông".