Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin tại Vladivostok, Nga ngày 19/4/2019. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Điện Kremlin nêu lý do chưa thể tiến hành hòa đàm Nga-Ukraine: Ngày 11/9, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RBC (Nga), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Tới nay, chưa có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để nối lại quá trình đàm phán. Ngay từ đầu, phía Nga và đích thân Tổng thống (Vladimir) Putin vẫn sẵn sàng đàm phán”. Tuy nhiên, theo quan chức này, phía chính quyền Ukraine không thể hiện bất kỳ thiện chí nào để nối lại hòa đàm. Ông Peskov cũng cho hay Moscow chưa ấn định thời điểm chính xác cho cuộc gặp tiếp theo giữa lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song khẳng định cả hai sớm gặp nếu cần.
Tin liên quan |
Bất ngờ thăm Kiev, Ngoại trưởng Đức dành lời ‘có cánh’ cho Ukraine |
Về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đại diện Điện Kremlin tuyên bố Nga duy trì quan điểm có trách nhiệm, đồng thời khẳng định các bên cần phải thực hiện nghĩa vụ đối với Moscow trước khi thỏa thuận có thể được nối lại.
Bên cạnh đó, ông Peskov tuyên bố hiện không có kênh đối thoại trực tiếp giữa Nga và phương Tây, bởi “đối thoại giờ đây là vô ích vì không ai sẵn sàng chấp nhận tranh luận”. Theo quan chức này, hiện họ thiếu “các nhà lãnh đạo sẵn sàng bước ra khỏi hệ thống mệnh lệnh được thiết lập trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ Nga không có vấn đề với Phần Lan hay Thụy Điển, và bày tỏ hy vọng hai quốc gia Bắc Âu này sẽ không triển khai tên lửa nhằm đe dọa Nga. Theo ông, Moscow không bao giờ ảo tưởng về NATO và hiểu đây là liên minh quân sự dẫn tới đối đầu và căng thẳng ở châu Âu. (Sputnik)
* Ukraine đã kiểm soát giàn khoan ngoài khơi Crimea? Ngày 11/9, viết trên Telegram, đại diện Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) cho hay “trong một chiến dịch đặc biệt”, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã chiếm giàn khoan “Tháp Boiko” thuộc công ty dầu khí Chornomornaftohaz (Nga) từ năm 2015.
GUR nêu rõ: “Kết quả giành lại quyền kiểm soát Tháp Boiko đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược. Nga đã mất khả năng lợi dụng chúng cho mục đích quân sự... Nga cũng bị tước đi quyền kiểm soát hoàn toàn vùng biển thuộc Biển Đen, tạo điều kiện để Ukraine tiến gần hơn tới mục tiêu giành lại Bán đảo Crimea”.
Theo GUR, lực lượng đặc nhiệm Ukraine ở trên xuồng đã đụng độ và khiến một máy bay tiêm kích của Nga hư hại và phải rút lui. GUR cho biết cơ quan này cũng tịch thu một số “chiến lợi phẩm có giá trị” khác như đạn dành cho trực thăng và một hệ thống radar có thể theo dõi hoạt động tàu thuyền ở Biển Đen. (Reuters)
* Tướng Mỹ: Ukraine chỉ còn 1 tháng để phản công: Trả lời phỏng vấn ngày 10/9, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng điều kiện thời tiết lạnh hơn sẽ khiến Ukraine khó xoay sở hơn. Thừa nhận cuộc tấn công đã diễn ra chậm hơn dự kiến, song ông nêu rõ: “Giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra. Ukraine vẫn đang tiến lên đều đều”. Tướng Milley cho biết, hiện còn quá sớm để nói liệu cuộc phản công có thất bại hay không. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Ukraine đang tiến lên với tốc độ rất ổn định. Vẫn còn một khoảng thời gian hợp lý, có lẽ còn khoảng 30-45 ngày nữa thời tiết còn thích hợp”.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Đô đốc, Huân tước Tony Radakin nhận định “Ukraine đang thắng và Nga đang thua”. Ông cho rằng VSU đang đạt tiến bộ khi đã giành lại 50% diện tích đất mà Nga đã kiểm soát. Ông cho biết sự tiến bộ của Ukraine cũng là nhờ vào việc cộng đồng quốc tế “gây áp lực kinh tế và ngoại giao, và Nga đang phải gánh chịu hậu quả vì điều đó”. (BBC)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: VSU tiến bước ở Rabotino, UAV tiếp tục nhắm đến Crimea? |
Đông Nam Á
* Thủ tướng Campuchia sắp thăm Trung Quốc: Ngày 11/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo: “Nhận lời mời của Thủ tướng Lý Cường... Thủ tướng Campuchia Hun Manet sẽ thăm chính thức Trung Quốc ngày 14-16/9”. Dự kiến, ông Hun Manet sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. (Reuters/Tân hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại giao nhộn nhịp của tân Thủ tướng Campuchia |
Nam Á
* Pháp muốn “củng cố” chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 11/9, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà Sheikh Hasina, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Dựa trên các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền… chúng tôi muốn đề xuất con đường thứ ba - không có ý định bắt nạt các đối tác hoặc dẫn họ đến một kế hoạch không bền vững... Tôi cho rằng Bangladesh đang dần lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế”. Nhà lãnh đạo Pháp ca ngợi “thành công to lớn” của quốc gia Nam Á - nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và là nước đông dân thứ 8 trên thế giới với hơn 170 triệu người.
Trong hội đàm, lãnh đạo hai nước còn thảo luận về “cam kết” từ hãng hàng không Biman của Bangladesh mua 10 chiếc A350 từ nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus, theo hợp đồng tiềm năng trị giá tới 3,2 tỷ USD. Tổng thống Macron đánh giá hãng hàng không Biman trước đây luôn mua máy bay từ nhà sản xuất Boeing của Mỹ. Do đó, kế hoạch mua máy bay từ Airbus là “một dấu mốc quan trọng”.
Về phần mình, Thủ tướng Hasina khẳng định: “Cả hai nước đều hy vọng động thái chiến lược mới này giữa Bangladesh và Pháp sẽ đóng vai trò hiệu quả trong mục tiêu thiết lập hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu”.
Trước đó, hồi tháng 7, Tổng thống Macron đã thực hiện chuyến công du Thái Bình Dương và dừng chân tại Sri Lanka, nơi ông công bố “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” nhằm mục đích “tái gắn kết” Paris với khu vực. Cũng trong tháng này, nhà lãnh đạo này đã tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Paris. Điện Élysée tuyên bố chỉ trong 6 tháng, Tổng thống Emmanuel Macron “đã thực hiện công việc liên quan đến Nam Á còn nhiều hơn một thập kỷ”. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị thượng đỉnh G20 thông qua tuyên bố chung, Nga nói gì? |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc “kiên quyết phản đối” cáo buộc gián điệp của Anh: Ngày 11/9, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định: “Cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang hoạt động gián điệp chống lại Anh hoàn toàn là bịa đặt. Chúng tôi kiên quyết phản đối cáo buộc này”. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu Anh chấm dứt hành vi truyền bá thông tin sai lệch và ngừng thao túng chính trị chống Trung Quốc, cũng như vu khống ác ý”.
Trước đó, hồi cuối tuần qua, lực lượng cảnh sát Anh xác nhận đã bắt giữ một người đàn ông ở độ tuổi 20 tại nhà riêng ở Edinburgh hồi tháng 3 vì hành vi làm gián điệp. Tờ Sunday Times (Anh) đưa tin đối tượng này là một nhà nghiên cứu tại Quốc hội Anh, có liên hệ với một số nghị sĩ. Sở cảnh sát thủ đô London cũng bắt giữ một người đàn ông khác ở độ tuổi 30, vì nghi ngờ phạm tội chiểu theo Đạo luật Bí mật chính thức và cả hai đều được tại ngoại cho đến tháng 10. (AFP)
* Điện Kremlin xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên công du Nga: Ngày 11/9, Điện Kremlin thông báo ông Kim Jong Un thăm Nga trong những ngày tới theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
Cùng ngày, các biện pháp an ninh rõ ràng đã được tăng cường tại nhà ga xe lửa ở thành phố Vladivostok (Nga) giữa lúc xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng ông Kim Jong Un đang trên đường tới Nga để hội đàm với Tổng thống Putin. Theo Yonhap (Hàn Quốc), đến 17h40 ngày 11/9 (giờ địa phương), số lượng lớn cảnh sát được nhìn thấy bên trong nhà ga Vladivostok, không giống như ngày hôm trước. Một quan chức chính phủ Hàn Quốc trước đó tiết lộ một chuyến tàu đặc biệt được cho là chở ông Kim đang trên đường đến ga Vladivostok.
Các bức ảnh chụp được cho thấy cảnh sát cùng chó nghiệp vụ, những người mặc vest đen được nhìn thấy bên trong khu vực nhà ga. Một chiếc ô tô màu đen được các nhân viên cảnh sát bao quanh tiến vào sân ga. Tuy nhiên, không rõ liệu chiếc xe này có liên quan đến chuyến thăm có thể của ông Kim Jong Un hay không.
Trước đó cùng ngày, Interfax (Nga) đưa tin ông Kim Jong Un có thể sẽ đến thăm vùng Viễn Đông của Nga “trong những ngày tới”. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, dường như nhà lãnh đạo Triều Tiên đã khởi hành đến Nga bằng tàu hỏa.
Trong những ngày qua, truyền thông Hàn Quốc đưa nhiều thông tin cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Putin có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok. (Reuters/Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Vương Nghị tin tưởng quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc không ngừng phát triển |
Châu Âu
* Điện Kremlin: Ông Putin không có đối thủ nếu ra tranh cử tổng thống: Ngày 11/9, RBC (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Tổng thống (Vladimir Putin) vẫn chưa quyết định ra tranh cử. Nhưng nếu chúng ta dự đoán Tổng thống ra tranh cử (năm 2024), rõ ràng không thể có đối thủ thực sự nào cạnh tranh được (với ông Putin) vào thời điểm này”. Theo ông Peskov, Tổng thống Putin “nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ dân chúng”.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng bày tỏ tin tưởng người dân sẽ ủng hộ ông chủ Điện Kremlin trong bầu cử tổng thống năm sau. Tới nay, kết quả thăm dò dư luận cho thấy Tổng thống Putin vẫn là chính trị gia được yêu mến nhất ở xứ sở bạch dương. Hồi tháng 8, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đạt 80%, cao hơn cả trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm ngoái. (Reuters)
* NATO sắp tổ chức tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh: Ngày 11/9, Financial Times (Anh) đưa tin các thành viên NATO có thể tổ chức tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh năm tới. Dự kiến, ít nhất khoảng 41.000 binh sĩ và hơn 50 tàu chiến sẽ tham gia cuộc tập trận “Steadfast Defender” - tạm dịch là “Người bảo vệ trung thành”. Cuộc tập trận sẽ đưa ra 500 đến 700 kịch bản giả định, nhằm tạo ra kinh nghiệm chiến đấu giúp quân đội các quốc gia thành viên NATO dễ tiếp cận với những tình huống thực tế. Theo Financial Times, cuộc tập trận sẽ diễn ra ở Đức, Ba Lan và các nước Baltic vào tháng 2 và tháng 3 năm sau.
Ngoài 31 quốc gia thành viên NATO, cũng sẽ có sự hiện diện của Thụy Điển - quốc gia đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chấp thuận gia nhập vào liên minh.
Mục đích tập trận là “nỗ lực đẩy lùi hành động gây hấn của Nga nhằm vào một trong các quốc gia thành viên của liên minh”. NATO cho rằng, sự kiện này là một phần quan trọng để chứng tỏ cho Moscow thấy tinh thần sẵn sàng phản công.
Tháng 6/2023, NATO đã tổ chức cuộc tập trận phòng không lớn nhất trong lịch sử mang tên “Air Defender 2023” tại Đức. Tham gia tập trận này có tổng cộng 10.000 binh sĩ và 250 máy bay từ 25 quốc gia; Mỹ đóng góp 100 máy bay và Đức điều động 70 máy bay. Cuộc tập trận phòng không này nhằm phô trương năng lực phòng thủ của NATO, chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. (Sputnik)
* Italy xoa dịu Trung Quốc trước tin rút khỏi BRI: Ngày 10/9, phát biểu họp báo vào cuối thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Delhi (Ấn Độ), Thủ tướng Giorgia Meloni bày tỏ: “Có những nước châu Âu trong những năm gần đây chưa từng tham gia Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI), nhưng đã tạo ra quan hệ thuận lợi (với Trung Quốc) hơn Italy. Vấn đề là làm thế nào để bảo đảm mối quan hệ hợp tác có lợi cho cả hai bên, gạt sang một bên quyết định của Italy về việc có tiếp tục tham gia BRI hay không”.
Đồng thời, Thủ tướng Meloni cũng cho biết Trung Quốc đã nhắc lại lời mời bà tới thăm Bắc Kinh nhưng chưa ấn định được thời điểm. Chính phủ Italy cũng được Trung Quốc mời tham dự Diễn đàn BRI, dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới.
Trước đó, Rome đã nhiều lần nhấn mạnh quyết định rút khỏi BRI không có nghĩa là mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ giảm sút. Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani, người vừa thăm Trung Quốc, đánh giá mối quan hệ đối tác chiến lược song phương sẽ có giá trị hơn BRI. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công khai thúc ép Italy ở lại BRI, song tập trung vào quan hệ song phương. (TTXVN)
Châu Mỹ
* Trực thăng của lực lượng an ninh Panama mất tích: Ngày 10/9, Cơ quan Hàng không Quốc gia Panama (SENAN) cho biết cùng ngày, một máy bay trực thăng AW-139 đã biến mất khi thực hiện nhiệm vụ ở miền Tây quốc gia này.
Tuyên bố từ SENAN (chi nhánh của Lực lượng Công cộng Panama chịu trách nhiệm về an ninh hàng hải và hải quân quốc gia) cho hay nỗ lực tìm kiếm đang được tiến hành để xác định vị trí chiếc AW-139 và phi hành đoàn gồm 3 người. Theo đó, chiếc AW-139 đã biến mất giữa Punta Rincon, trên bờ biển Caribe và thành phố Santiago de Veraguas, nằm sâu trong đất liền và cách Panama City 250 km. Cơ quan chức năng đã điều 4 máy bay để tìm kiếm chiếc trực thăng mất tích. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Rơi máy bay trực thăng tại Nga, 3 người thiệt mạng |
Trung Đông-Châu Phi
* Pháp cam kết hỗ trợ 5 triệu Euro cho Morocco: Ngày 11/9, trả lời kênh BFM (Pháp), Ngoại trưởng nước này Catherine Colonna cho hay Paris cam kết sẽ chi 5 triệu Euro (5,4 triệu USD) để hỗ trợ các tổ chức có mặt tại Morocco nhằm khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng ngày 8/9. Số tiền trên sẽ được chuyển đến các tổ chức cứu trợ đang hoạt động trong khu vực thảm họa.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp từ chối trả lời thông tin cho rằng Rabat không gửi lời đề nghị chính thức nhờ Paris viện trợ. Bà Colonna tuyên bố Morocco là quốc gia “có chủ quyền” và “tự xác định được nhu cầu của họ”. Khi được hỏi vì sao Morocco chấp nhận viện trợ chính thức từ Tây Ban Nha và Anh nhưng không phải từ Pháp, bà Colonna đáp “cuộc tranh luận này không hề phù hợp”, bởi “những người dân đang chịu khổ và cần được giúp đỡ”.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố Morocco là đất nước “anh em”, có đủ khả năng tự mình đương đầu với nỗ lực cứu nạn.
Mối quan hệ giữa Paris và Rabat hiện vẫn đang căng thẳng, chủ yếu là vì những nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm củng cố mối quan hệ khăng khít với Algeria, láng giềng của Morocco. Chuyến thăm theo kế hoạch của nhà lãnh đạo này tới Morocco vẫn chưa được xác nhận. Trong khi đó, chức vụ Đại sứ Pháp tại Rabat vẫn đang bị bỏ trống suốt nhiều tháng qua. (AFP/Reuters)
| Hơn 13.000 lệnh trừng phạt Nga đã tác động tiêu cực đối với EU Hãng tin RIA Novosti ngày 9/9 cho biết 45% người tham gia cuộc thăm dò ở Áo gần đây cho rằng, hơn 13.000 lệnh trừng ... |
| Ukraine sắp nhận tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn trên 300km của Mỹ? Kênh truyền hình ABC News dẫn nguồn tin từ quan chức chính phủ cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể ... |
| Khai mạc Diễn đàn Kinh tế quốc tế Phương Đông 2023 tại Vladivostok, Liên bang Nga Hôm nay, ngày 10/9, Diễn đàn Kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 8 (EEF 2023) đã khai mạc tại Đại học tổng hợp ... |
| Hàn Quốc mạnh tay 'mở hầu bao' viện trợ Ukraine tái thiết đất nước Ngày 10/9, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ cung cấp thêm 2,3 tỷ USD cho Ukraine để giúp quốc gia này ... |
| Bất ngờ thăm Kiev, Ngoại trưởng Đức dành lời ‘có cánh’ cho Ukraine Trước Ngoại trưởng Đức, những nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản và Mỹ cũng đã liên tiếp có chuyến thăm tới thủ đô ... |