Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ sẽ phá thỏa thuận với Nga ở Syria?
Mỹ đang có kế hoạch phá bỏ tất cả thỏa thuận hiện có với Nga về phối hợp và chia sẻ thông tin tại Syria. Washington sẽ sử dụng máy bay chiến đấu và máy bay không người lái để bay khắp lãnh thổ Syria nhằm phục vụ toan tính riêng.
Trước tình hình trên, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho biết: “Ở Syria, chúng tôi thực sự có một số loại hình tương tác giữa các cơ quan đầu não nhằm tiến hành những hoạt động để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Sự tương tác được thiết lập để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu không xảy ra xung đột trên vùng trời. Đường dây nóng này đã hoạt động hoàn hảo trong một thời gian dài.
Những cáo buộc về một số hành vi vi phạm từ phía Nga cho thấy rằng người Mỹ sẽ sớm kích hoạt việc hủy đường dây, gây ra thêm một nguồn căng thẳng nữa”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Mỹ: Nhóm G7 tái khẳng định cam kết chấm dứt xung đột ở Syria bằng giải pháp chính trị |
Mỹ khẳng định sát cánh chặt chẽ với Ukraine
Ngày 6/5, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với Kiev trong bối cảnh căng thẳng Ukraine-Nga đang gia tăng.
Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp với ông Zelensky, ông Blinken nói: “Ukraine đang phải đối mặt hai thách thức: sự gây hấn từ bên ngoài, đến từ Nga, và thực tế là sự gây hấn từ bên trong, đến từ nạn tham nhũng, khi giới đầu sỏ và những cá nhân khác đang đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của người dân Ukraine”.
Việc người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện chuyến thăm Ukraine sớm trong nhiệm kỳ, trước khi thăm Nga, đã báo hiệu rằng Ukraine là một ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Triển vọng Ukraine gia nhập khối NATO: Nói dễ, làm khó |
Bộ Tứ không phải là NATO châu Á
Ông Edgard Kagan, quan chức phụ trách khu vực Đông Á và châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 7/5 khẳng định, nhóm Bộ tứ (Quad) - đang phát triển do Washington lãnh đạo - không phải là một liên minh an ninh, cũng không phải là một phiên bản Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) châu Á.
Vị quan chức này cho biết đây là khuôn khổ mở được xây dựng để vượt qua những thách thức cùng nhau. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Từ Bộ tứ đến Bộ tứ + |
Mỹ bác thông tin chiến tranh lạnh với Trung Quốc
Ngày 7/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bác bỏ thông tin nước này đang tham gia một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Ông Blinken cũng cho hay, Washington nhận ra rằng, các nước có những mối quan hệ phức tạp, bao gồm cả với Trung Quốc, và Mỹ không cho rằng, các mối quan hệ kinh tế của các nước khác với Bắc Kinh "cần phải bị cắt đứt hoặc chấm dứt".
Chính quyền Mỹ đang theo đuổi chiến lược đúng đắn khi nhấn mạnh Washington không muốn chiến tranh lạnh và không muốn các nước chọn đứng về bên nào. (Financial Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ: Phải rất cẩn trọng về các khoản đầu tư của Trung Quốc |
Mỹ sẽ không can thiệp vụ tên lửa Trung Quốc rơi tự do
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho hay, tên lửa Trường Chinh 5B được phóng vào tuần trước để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo. Tuy nhiên, một mảnh vỡ lớn của tên lửa này dự kiến sẽ rơi tự do xuống Trái đất ngày 8/5 (giờ Mỹ).
Theo Quân đội Mỹ, chỉ có thể xác định chính xác điểm rơi của mảnh vỡ tên lửa "vài giờ sau khi nó rơi". Các chuyên gia cho rằng, các mảnh vỡ này có thể rơi xuống biển, song không loại trừ khả năng rơi xuống các khu vực đông dân cư.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố, ở thời điểm hiện tại, Mỹ không có kế hoạch bắn hạ bộ phận của tên lửa đẩy Trung Quốc Trường Chinh 5B, đồng thời hy vọng bộ phận này sẽ rơi xuống đại dương. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tên lửa Trung Quốc mất kiểm soát, sẽ rơi thẳng xuống Trái đất |
Nga thông qua nghị định bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở
Mới đây, Cổng thông tin điện tử của chính phủ Nga đã chính thức công bố Nghị quyết của Nga về việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở.
Nghị quyết nêu rõ: "Chính phủ thông qua đề xuất về việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết tại Helsinki vào ngày 24/3/1992, và trình Tổng thống Nga để đệ trình lên Duma quốc gia Nga”.
Người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về đối ngoại Leonid Slutsky, coi việc Nga khởi động thủ tục rút khỏi Hiệp ước là “một phản ứng thỏa đáng” đối với Mỹ, và “việc các đối tác châu Âu không hành động để cung cấp bảo đảm cho Nga về việc không chuyển dữ liệu về các chuyến bay quan sát trên lãnh thổ Nga cho phía Mỹ”.
Việc cả Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước được dự báo là sẽ khoét sâu thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xung đột và những tính toán sai lầm. (TASS/Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Hiểm họa với NATO sau khi Mỹ rời Hiệp ước Bầu trời Mở |
Nga vô cùng tự tin với vaccine Sputnik V
Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi vaccine Covid-19 của Nga là "đáng tin cậy như súng trường tấn công Kalashnikov".
Theo BBC, bình luận trên được ông Putin đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến ngày 7/5 với Phó 5hủ tướng Tatyana Golikova, khi các quan chức y tế của nước này đăng ký phiên bản một liều của vaccine Sputnik V, có tên là Sputnik Light.
Trong một thông cáo báo chí, các nhà sản xuất cho biết Sputnik Light đã chứng minh hiệu quả miễn dịch 79,4% trong đợt triển khai vaccine.
“Phiên bản một liều cho phép tiêm chủng số lượng lớn hơn trong thời gian ngắn hơn, đẩy nhanh cuộc chiến chống lại đại dịch trong giai đoạn cấp bách”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Khả năng gặp gỡ Biden-Putin và 4 chiến lược hóa giải căng thẳng Nga-Mỹ |
Quân đội Nga tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa Kazan
Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/5 cho biết, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa Kazan (Dự án Yasen-M) đã được phiên chế cho Hải quân nước này.
Kazan là tàu ngầm đầu tiên thuộc Dự án 885M (Yasen-M) được hạ thủy ngày 31/3/2017. Ngày 25/9/2018 bước vào chạy thử tại nhà máy.
Vũ khí tấn công chính của tàu ngầm Dự án 885/885M là tên lửa hành trình Onyx, Kalibr, và trong tương lai là tên lửa siêu vượt âm Zircon. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Nga-Ukraine-Mỹ: Lời mời giăng bẫy |
Czech lo lắng về danh sách ‘không thân thiện’ của Nga
Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis mới đây đã kêu gọi giảm căng thẳng với Nga trong bối cảnh nước này vừa chủ động thực hiện hàng loạt động thái leo thang về ngoại giao: trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga với cáo buộc liên quan đến tình báo dính líu vào vụ nổ kho đạn ở khu định cư Vrbetice.
Trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Hạ viện, Thủ tướng Babis đề cập khả năng Czech nằm trong danh sách các quốc gia "không thân thiện" với Nga và thúc đẩy việc giảm leo thang, làm nguội những cái đầu nóng đang gia tăng căng thẳng với Nga.
Ông Babis nói: “Tôi nghĩ chúng ta phải làm dịu bầu không khí căng thẳng, đang bị chi phối bởi cảm xúc này. Quan hệ ngoại giao của chúng tôi đang ở trong tình trạng khủng hoảng." (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Kho đạn Vrbetice và ‘điểm tối’ trong quan hệ Nga-Czech |
Myanmar nêu điều kiện cho phép thực hiện đồng thuận của ASEAN
Ngày 7/5, một quan chức quân đội Myanmar cho biết chính quyền quân sự nước này đang tập trung ổn định tình hình trong nước trước khi đồng ý để một đại diện của các nước Đông Nam Á tới thăm Myanmar theo Đồng thuận 5 điểm mà các nhà lãnh đạo khu vực đã nhất trí hồi tháng trước.
Phát biểu trên truyền hình, quan chức trên cho biết Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mong muốn cử một đặc phái viên tới Myanmar và nước này sẽ “hợp tác với đại diện của ASEAN” khi đạt được an ninh và ổn định trong nước.
Quân đội Myanmar cũng nhấn mạnh việc nước này có làm theo những đề xuất của ASEAN hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình trong nước. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Các nước ASEAN và Mỹ trao đổi về vấn đề Biển Đông và tình hình Myanmar |
Iran kêu gọi thế giới Hồi giáo chống lại Israel
Ngày 7/5, lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã kêu gọi các quốc gia Hồi giáo tiếp tục chiến đấu chống lại Israel, nơi ông cho rằng không phải là một nhà nước mà là một "nhóm khủng bố" chống lại người Palestine.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Đại giáo chủ Khamenei nói: "Cuộc chiến chống chế độ tồi tệ này là cuộc chiến chống lại sự đàn áp và cuộc chiến chống khủng bố. Việc chống lại chế độ này là nghĩa vụ chung". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tướng Iran: Bong bóng an toàn đã vỡ, Israel có thể bị hủy diệt chỉ bằng một chiến dịch |
Cựu Tổng thống Maldives bị thương trong một âm mưu ám sát
Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed - hiện là Chủ tịch Quốc hội nước này, bị thương trong vụ nổ bom được mô tả là âm mưu ám sát ở thủ đô Male ngày 6/5.
Vụ nổ xảy ra khi ông Mohamed Nasheed bước vào ôtô riêng, quan chức từ đảng Dân chủ Maldives nói với AFP.
Cảnh sát xác nhận ông Nasheed đã bị thương nhưng không cho biết cụ thể. Cựu Tổng thống đang được điều trị tại bệnh viện ADK ở Male.
Giới chức trách cho biết nghị viện Maldives đã triệu tập cuộc họp khẩn sau cuộc tấn công dù đang trong kỳ nghỉ. (Reuters)