TIN LIÊN QUAN | |
ASEAN-Nga mở rộng hợp tác, ứng phó dịch bệnh Covid-19 | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 17/6 |
Indonesia đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất ASEAN. (Nguồn: AP) |
Covid-19 tại ASEAN: Indonesia đứng đầu về số ca mắc, Thái Lan 23 ngày không có ca lây nhiễm trong nước
Tính tới hết ngày 17/6, ASEAN ghi nhận tổng cộng 122.444 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó 3.598 người tử vong. Indonesia đã vượt Singapore về tổng ca mắc bệnh và đứng đầu ASEAN.
Trong ngày 17/6, ASEAN ghi nhận 1.746 ca mắc Covid-19 ở 5 quốc gia và 50 ca tử vong ở hai nước thành viên.
Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 17/6 là Indonesia và Philippines với số ca lần lượt là 45 và 5. Các nước còn lại trong ASEAN không có ca tử vong nào.
Ngày 17/6, Indonesia thông báo trong 24 giờ qua, nước này có 1.031 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 đến nay lên 41.431 ca. Như vậy, Indonesia đã vượt Singapore (41.216 ca) trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Philippinesđã lên tới 27.238 ca sau khi Bộ Y tế ngày 17/6 công bố có 457 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng lên tới 1.108 ca sau khi có thêm 5 ca. Số bệnh nhân phục hồi đến nay là 6.820 người.
Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới ngành du lịch của Philippines, khiến lượng du khách nước ngoài đến nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm 54,01% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1.318.719 lượt du khách. Ngành du lịch là ngành đóng góp lớn thứ hai cho thu nhập của Philippines, chiếm tới 12,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2018.
Ngày 17/6, Thái Lan thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm hay tử vong nào do dịch Covid-19, đánh dấu ngày thứ 23 liên tiếp không phát hiện ca mới nào.
Người phát ngôn Trung tâm Quản lý dịch Covid-19 của Chính phủ Thái Lan, Taweesin Wisanuyothin cho biết hiện có tổng cộng 3.135 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 58 ca tử vong và 2.996 bệnh nhân đã phục hồi.
Một nhóm các nhà khoa học nước này đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Phòng vệ Singapore (DSO) cho biết kể từ tháng 3, các nhà khoa học nước này đã sàng lọc hàng trăm nghìn tế bào B, loại tế bào sản sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ các mẫu máu của các bệnh nhân mắc Covid-19 đã phục hồi.
Với giai đoạn nghiên cứu đã hoàn tất, công trình nghiên cứu này giờ đây đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sẽ được đưa vào sản xuất nếu thử nghiệm trên người thành công.
(TTXVN/TGVN)
Pháp hỗ trợ quản lý phát triển rừng bền vững tại ASEAN
Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông học Pháp (Cirad) đã ký thỏa thuận thúc đẩy đào tạo về quản lý bền vững các khu vực trồng rừng và nông nghiệp ở 4 quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Dự án này đang nhận được đầu tư lên tới 1,2 triệu Euro.
ASEAN là khu vực có diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của các đồn điền nông-lâm nghiệp lớn đã dẫn đến nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học trong nhiều thập kỷ qua.
Do đó, việc phát triển quản lý bền vững các khu vực trồng rừng và nông nghiệp ở Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu cho bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng nó cũng là một vấn đề kinh tế và xã hội đối với các quốc gia trong khu vực.
Để đối phó tình trạng này, Pháp, thông qua Cirad và AFD, tìm cách hỗ trợ phát triển kỹ năng phát triển rừng ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam với mục đích là đào tạo các thế hệ quản lý mới, thông qua các cách tiếp cận sáng tạo thúc đẩy cả năng suất và tính bền vững của các đồn điền.
Nội dung đào tạo sẽ tập trung vào sinh thái nông nghiệp, quản lý môi trường, xã hội và xem xét biến đổi khí hậu cũng như đa dạng sinh học. Ngoài ra, dự án sẽ tổ chức các hội thảo khu vực để nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất.
(New Straits Times)
ASEAN-Nga mở rộng hợp tác, ứng phó dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nga tích cực ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN
Ngày 17/6, tại cuộc họp báo thông báo kết quả cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng ngoại giao giữa các nước ASEAN và Nga về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã trả lời về mối quan hệ Nga-Việt Nam cũng như các nỗ lực nhằm thúc đẩy các mối quan hệ của Nga trong ASEAN.
Đề cập vai trò cầu nối trong việc phát triển quan hệ với ASEAN trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN của Việt Nam, Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao quan hệ với Việt Nam. Theo ông Lavrov, đây là mối quan hệ Đối tác chiến lược với rất nhiều hoạch định chiến lược và dựa trên nền tảng vững chắc của sự đoàn kết giữa hai nước trong rất nhiều thập kỷ.
Về vai trò điều hành ASEAN của Việt Nam, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam hướng tới tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược như đã được công bố trong khuôn khổ quan hệ Nga-ASEAN.
Về việc Việt Nam có thể đóng vai trò là cầu nối giữa Nga và Đông Nam Á, ông Lavrov cho rằng về nguyên tắc, Nga đã xác định mối quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN và Việt Nam đóng vai trò hàng đầu. Nga sẽ dựa vào Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong trong ASEAN để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi.
Ngoài việc chỉ ra một số lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam, ông Lavrov mong muốn sau khi Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, một số quốc gia ASEAN khác cũng sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán này. Với triển vọng tốt từ cả hai phía, ông Lavrov cho biết Nga sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng như Chủ tịch các diễn đàn trong khuôn khổ Diễn đàn Đông Á.
(TTXVN)
Thái Lan tăng xuất khẩu nông sản sang ASEAN
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của Thái Lan cho biết, xuất khẩu nông sản của Thái Lan sang các nước ASEAN trong quý đầu tiên đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng thư ký Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Tatsanee Muangkaew cho biết, tổng thương mại nông sản của Thái Lan với ASEAN đạt 113,5 tỷ Baht (tương đương 3,6 tỷ USD) trong quý đầu tiên.
Thái Lan là nước đứng đầu thế giới trong xuất khẩu gạo, hải sản, cao su và đường. Bà Tatsanee cho biết, Thái Lan đã có thặng dư thương mại 37 tỷ Baht (tương đương 1,18 tỷ USD) trong quý đầu tiên, với Campuchia là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan trong ASEAN với tổng trị giá khoảng 14 tỷ Baht ( tương đương 449,4 triệu USD).
Xuất khẩu nông sản của Thái Lan nói chung phát triển với tốc độ chậm kể từ cuối năm ngoái chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19.
(Tân Hoa xã)
| ASEAN và Ấn Độ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực TGVN. Tại cuộc họp Ủy ban Hợp tác ASEAN-Ấn Độ (AIJCC) lần thứ 20 được tổ chức hôm 11/6 theo hình thức trực tuyến, hai ... |
| Chuyên gia: Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể gây hại cho quan hệ với ASEAN và Mỹ TGVN. Chuyên gia của Đại học Bridgeport (Mỹ) cho rằng, ý định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại Biển Đông ... |
| Việt Nam sẵn sàng và hướng đến các Hội nghị ASEAN quan trọng TGVN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần ... |