📞

Tinh thần 5 ‘tự’ và sứ mệnh của thông tin đối ngoại (Kỳ I): Cần nguồn lực xứng tầm

Vân Hằng 09:25 | 28/09/2024
PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh rằng, trong công tác thông tin đối ngoại, đã đến lúc chúng ta phải phát huy tinh thần như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhắc tới là: “Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc”.
PGS. TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (khi đó là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) và Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chứng kiến đại diện Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Báo Thế giới và Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm tích cực triển khai Kết luận 57-KL/TW tháng 10/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thưa ông, có thể thấy định hướng về công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam rất rõ ràng nhưng đâu là những điều chúng ta còn trăn trở và cần vượt qua để đi đúng hướng?

Có thể khẳng định quan điểm, đường lối về thông tin đối ngoại của ta đã rất rõ, đặc biệt là với Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới có giá trị cao về lý luận cũng như thực tiễn, định hướng tương lai, bảo đảm chúng ta có thể làm tốt công tác thông tin đối ngoại trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang khó ở hai câu chuyện là con người và nguồn lực. Về con người, phải nói rằng chúng ta cần nâng tầm hơn nữa đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại, thông hiểu tình hình trong và ngoài nước, hiểu được đối tượng cần hướng đến, tìm ra phương cách hữu hiệu để truyền tải thông điệp và thuyết phục họ.

Hiện nay, các ban, bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, đã thường xuyên tiến hành các hội nghị tập huấn về công tác thông tin đối ngoại. Đây là hình thức đào tạo rất tốt nhưng vẫn cần những biện pháp căn cơ hơn nữa để giúp đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại mạnh về chuyên môn, vững vàng trong bối cảnh cạnh tranh về thông tin, nhất là trên phạm vi toàn cầu, ngày càng gay gắt.

Đối với câu chuyện nguồn lực, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng Việt Nam đang có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế chưa từng có, tuy nhiên nguồn lực cho công tác thông tin đối ngoại vẫn chưa xứng tầm. Có lý thuyết về truyền thông cho rằng, nếu ví quốc gia là một thực thể doanh nghiệp, thì nguồn lực dành cho công tác quảng bá quốc gia cũng giống như nguồn lực để doanh nghiệp đó làm marketing và quảng cáo, thông thường phải chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng thể ngân sách.

Mặc dù giá trị mà thông tin đối ngoại mang lại rất lớn nhưng chúng ta hiện nay vẫn chưa dành nhiều nguồn lực thích đáng cho công tác này. Đó là những giá trị không thể nhìn thấy ngay, không thể định lượng, đong đếm cụ thể. Chúng ta sẽ không định lượng được rằng trong số hàng triệu khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, hay trong hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, số lượng những người yêu mến Việt Nam ngày càng tăng… bao nhiêu là thành quả của công tác thông tin đối ngoại.

Nhưng nếu chúng ta không làm và thúc đẩy thông tin đối ngoại thì sẽ không bao giờ có được thành quả như mong muốn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, công ty địa phương nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của công tác thông tin đối ngoại và sẵn sàng đồng hành cùng với đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại. Ngay chính việc mỗi tập đoàn, công ty, địa phương ra sức làm công tác quảng bá trên thị trường quốc tế cũng có thể được xem là một phần của công tác thông tin đối ngoại.

Ví dụ, các tập đoàn lớn như Vingroup hoặc Sun Group có thể sản xuất các sản phẩm truyền thông đặc sắc, ấn tượng với các nội dung thân thuộc. Nếu như các tập đoàn, doanh nghiệp có thêm sự đồng hành, định hướng của các ban, bộ, ngành liên quan thì hiệu ứng chắc chắn sẽ tốt hơn, nội dung toàn diện hơn, độ lan tỏa cũng sẽ tốt hơn bởi có thể tiếp cận các đối tượng ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện. Về phần mình, nhà nước cũng có các sản phẩm truyền thông chất lượng, có thể quảng bá đất nước một cách rộng rãi mà không phải đầu tư quá nhiều nguồn lực. Sự tương hỗ hai chiều đó cần được thúc đẩy nhiều hơn nữa.

Có lẽ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cần đến thông tin đối ngoại, ông so sánh và đánh giá như thế nào về cách làm của các nước và hướng tiếp cận mang bản sắc riêng của Việt Nam?

Chúng ta đã làm quen với các thuật ngữ như truyền thông đối ngoại, ngoại giao công chúng và thông tin đối ngoại. Qua nghiên cứu, tôi cho rằng thuật ngữ thông tin đối ngoại của Việt Nam là thuật ngữ mang tính toàn diện. Thông tin đối ngoại là công tác tư tưởng chính trị và đối ngoại, ngay từ định nghĩa như vậy đã cho thấy tính toàn diện của khái niệm này.

Không chỉ hướng ra ngoài, nội hàm của công tác thông tin đối ngoại còn là thông tin vào trong nước. Tức là làm sao để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhìn được bức tranh về thế giới một cách chân thực, khách quan, được tiếp cận với các tinh hoa, văn hóa, tri thức nhân loại một cách đúng đắn và phù hợp.

Phải nói rằng, với sự chỉ đạo toàn diện, sâu sát của Đảng, cụ thể là Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, chúng ta có được thuận lợi rất lớn, nằm ngay trong phương châm: Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả. Đây vừa là thuận lợi cũng vừa là mục tiêu để hướng tới.

Chúng ta thường nghe đến khái niệm công nghiệp văn hóa ở một số nước. Công nghiệp văn hóa đòi hỏi tính sáng tạo và phát huy từ khu vực tư nhân rất lớn, ví dụ như Hàn Quốc. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia của Hàn Quốc thông qua công nghiệp văn hóa rất chuyên nghiệp, từ điện ảnh, âm nhạc hay các sự kiện quốc tế. Ngay trong khuôn khổ Olympic Paris 2024, Hàn Quốc có những hình thức quảng bá rất tốt thông qua các vận động viên bắn súng, bắn cung, tạo ra được “trend” thu hút truyền thông quốc tế, từ đó quảng bá cho hình ảnh đất nước Hàn Quốc.

Hay như câu chuyện của Singapore. Trước mỗi xu thế thông tin trên thế giới, trước thực tiễn phát triển của đất nước, đảo quốc sư tử lại có sự thay đổi “slogan” để thu hút khách quốc tế, tạo cảm giác mời gọi rằng hãy đến với Singapore, một quốc đảo không giống như nơi mà bạn đã đến trước đó. Đây là câu chuyện mà chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi.

Đối với việc quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các sản phẩm, có thể nói rằng chúng ta rất mong muốn có một sản phẩm đậm chất Việt Nam mà bạn bè quốc tế có thể sử dụng hàng ngày. Lâu nay, chúng ta vẫn tự hào về phở, nem và áo dài, tuy vậy thực tế là các sản phẩm này bạn bè quốc tế thấy thích nhưng họ có thể chỉ mặc áo dài một lần một năm hay chỉ thưởng thức phở, nem vài lần. Tôi rất mừng là trong trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế tại Olympic vừa qua, một vận động viên Mỹ khi được hỏi là muốn ăn gì thì đã trở lời ngay là phở. Rõ ràng, đây là câu chuyện mà chúng ta cần phải suy nghĩ thêm nữa. Cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler từng nói rằng: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “nhà bếp của thế giới”.

Điều gì có thể giúp chúng ta “dám nghĩ, dám làm” và tự tin trong cuộc “cạnh tranh” về thông tin đối ngoại, thưa ông?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi làm công tác thông tin đối ngoại, chúng ta không chỉ quan tâm đến chính trị, an ninh, kinh tế hay văn hóa mà còn cần đi vào các lĩnh vực rất nhỏ như ẩm thực, trang phục, âm nhạc. Đã đến lúc chúng ta phải phát huy tinh thần như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhắc tới là: “Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc”. Năm “tự” này nói lên tâm thế Việt Nam hiện nay, có thể ứng dụng trong mọi lĩnh vực nhưng hơn hết cần phải được ứng dụng trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao và cả thông tin đối ngoại.

Chúng ta tự tin về những gì mình có và dựa trên niềm tự hào dân tộc để lan tỏa những giá trị đó tới bạn bè quốc tế, đưa hai từ Việt Nam len lỏi vào tâm thức, đời sống của nhân loại. Khi tổ chức các Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài hay các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta nên nhớ kỹ phương châm rằng “giới thiệu một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Lâu nay, khi “mang chuông đi đánh xứ người”, chúng ta thường nhấn mạnh vế “đậm đà bản sắc dân tộc”. “Tiên tiến” ở đây là gì? Đó là khi dàn nhạc giao hưởng Việt Nam có thể tiến tới những sân chơi đẳng cấp cao như những dàn nhạc giao hưởng của thế giới, hay nghệ sĩ của ta có thể biểu diễn ngang tầm với các nghệ sĩ quốc tế. Đó là những câu chuyện cần phải hướng tới.

Một trong những yêu cầu quan trọng của công tác thông tin đối ngoại là chúng ta phải đặt mình vào phía người tiếp nhận để hiểu họ cần gì cũng như nhu cầu thưởng thức văn hóa của họ để chinh phục họ bằng trình độ nghệ thuật của mình.


Kỳ II: Phục vụ hội nhập