TIN LIÊN QUAN | |
Xóa bỏ lao động trẻ em: Phụ huynh cần thức tỉnh | |
Dễ cấm, khó áp đặt tuân thủ |
Ông Nguyễn Quang Thạch. (Ảnh: NVCC) |
Là người có điều kiện tiếp xúc nhiều với trẻ em vùng nông thôn, anh nhận định thế nào về việc dạy và học cho trẻ em tại khu vực này?
Để có nhận định chính xác, chúng ta cần có khảo sát nghiêm túc để đo từng loại kỹ năng của trẻ. Tuy nhiên, qua quan sát và đối thoại, tôi thấy các em nhỏ ở nông thôn vẫn còn thiếu tự tin. Cũng có thể do lối giáo dục của ta không khuyến khích trẻ em tương tác, trao đổi tri thức. Các em không có cơ hội tiếp cận nhiều với sách, học không đi đôi với hành. Đơn cử như nhiều trẻ nông thôn không tự tin khi nói tiếng Anh vì các em không có cơ hội được thực hành nhiều.
Ngay ở trường học, các em cũng không có tiết sinh hoạt đọc sách để thảo luận rộng và sâu về các vấn đề trong sách vở và liên hệ với đời sống thực tại. Thiếu sách và việc rèn luyện qua thực hành thì rất khó hình thành các loại kỹ năng sống cho các em.
Hiện nay, hầu như vắng bóng các cuộc thi hay và bổ ích dành cho lứa tuổi tiểu học khu vực nông thôn. Đây phải chăng cũng là một nguyên nhân?
Các cuộc thi chỉ là mặt cắt điển hình của nền giáo dục chứ không thể mang tính đại diện cho giáo dục. Từ kinh nghiệm cá nhân cũng như tìm hiểu các trường phái giáo dục, ở tuổi mầm non và tiểu học - tuổi của “tấm bảng trống”, trẻ rất cần được lĩnh hội tri thức từ sách vở, qua quá trình vừa học, vừa chơi. Tiến trình tự học trong sách vở, học qua chơi và qua thực hành sẽ tạo nên kỹ năng và giá trị sống cho trẻ.
Các hoạt động sáng tạo cũng như các cuộc thi về khoa học kỹ thuật sẽ giúp ích ra sao cho các em về phát triển kỹ năng cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai, thưa anh?
Trong quá trình học, nếu trẻ được tham gia chế tạo các loại mô hình như tàu hỏa, thuyền, ô tô, máy bay và các vật dụng khác, lòng đam mê sáng tạo, chế tạo sẽ được nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nên xem các cuộc thi là nơi "đo đầu ra" kết quả thực hành của các em chứ không nên xem là thành tích của giáo dục.
Hơn nữa, mọi năng lực đều cần một thời gian dài tích lũy qua các hình thức học, đặc biệt là học đi đôi với hành để mỗi cá nhân có thể tự rèn luyện đức tính kiên trì và chịu đựng áp lực khi sáng tạo.
Ông Nguyễn Quang Thạch trò chuyện với trẻ em nông thôn về sách. (Ảnh: NVCC) |
Anh đã dành khá nhiều tâm huyết cho sự phát triển tri thức cộng đồng, theo anh, làm sao để các bạn trẻ ở nông thôn có thể tiếp cận được với khoa học kỹ thuật thời đại mới?
Thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em nông thôn, chúng tôi đã phối hợp với Liên minh STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đưa STEM về nông thôn để trẻ em được học qua làm các mô hình ô tô, máy bay, tên lửa, tàu thủy… Hiện Liên minh STEM đã mở tập huấn cho hơn 1.500 giáo viên và lập hơn 200 câu lạc bộ khoa học ở các trường học nông thôn. Rộng hơn, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản về việc nhân rộng tủ sách đến các lớp học và lập câu lạc bộ khoa học trong nhà trường.
Bộ cũng đưa ra các tiêu chí đánh giá thư viện dựa vào số lượng sách học sinh đọc tối thiểu hàng năm nhằm tạo ra hệ thống thư viện đến từng lớp học. Việc đọc nhiều sách về các nhà phát minh, về các truyện khoa học hư cấu và các bộ sách hướng dẫn chế tạo kích thích các em hướng tới khoa học kỹ thuật. Theo tôi, Bộ cũng cần phải đưa giáo dục STEM thành môn học chính khóa để trẻ được học qua làm.
Ngoài ra, các em cũng cần học qua thực tế thông qua các học cụ như máy tính, các mô hình động cơ…
Ở các quốc gia khác, việc phổ cập các kỹ năng cho trẻ em thường thông qua những con đường nào, thưa anh?
Qua tìm hiểu và thăm một số trường học ở Ba Lan, Đức, tôi thấy nhà trường là nơi tạo các kỹ năng và giá trị sống cho trẻ qua nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, ở Thụy Điển, Pháp, người ta còn bố trí cả thời gian “học qua chơi” cho trẻ em sau giờ chính khóa.
Học tiểu học ở Đức, con trai tôi có những đêm ở lại trường để học tính tự lập, được đi dã ngoại cả tuần. Thư viện cung cấp sách, đồ chơi và phim ảnh để các em tự học qua sách, qua phim ảnh, đồ chơi. Với môi trường giáo dục như vậy, kỹ năng sống và giá trị sống sẽ hình thành tự nhiên trong mỗi người.
Trường học Việt Nam thiếu rất nhiều thứ cốt lõi. Việc đọc sách của trẻ em nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, liên tục trong nhiều thập niên qua. Việc học vẫn thiên về “trò chép thầy đọc”, nặng lý thuyết, thiếu thực hành. Học cụ và hoạt động khoa học nuôi dưỡng đam mê khoa học, nghệ thuật còn quá nghèo nàn so với tiềm năng của trẻ.
Toàn xã hội cần hỗ trợ trẻ em tiếp cận tri thức từ sách bằng thiết lập hệ thống thư viện đến từng lớp học, tiết sinh hoạt cùng sách cần được đưa ngay vào thời khóa biểu. Thường xuyên khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động khoa học, nghệ thuật, thể thao…
Ngoài ra, cha mẹ trẻ cần phối hợp với nhà trường trong việc dạy và hỗ trợ các em trong quá trình học. Nếu cha mẹ là nông dân, có thể đến vườn trường cùng trồng lúa để trẻ tự nhận biết các bước làm ra hạt gạo. Từ đó, giúp trẻ có được tư duy hệ thống ngay trên ghế nhà trường.
Xin cảm ơn anh!
Dễ cấm, khó áp đặt tuân thủ Từ ngày 1/6/2017, Luật trẻ em chính thức có hiệu lực. Có tổng cộng 15 nhóm hành vi bị đạo luật này nghiêm cấm. Trong đó, ... |
Dạy CNTT cho trẻ em nghèo vùng biển Dự án “Con thuyền mơ ước” tại Hạ Long đã đào tạo CNTT cho 200 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn và tiếp ... |
ILO: Hơn 80 triệu trẻ em phải làm những công việc nguy hiểm Chấm dứt sử dụng lao động trẻ em tại các khu vực xung đột và thiên tai là chủ đề chính của Ngày Thế giới ... |