📞

Tổng thống Joe Biden thăm Angola: Chuyến thăm tạo nền tảng

Mai Lan 07:00 | 05/12/2024
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du đầu tiên đến châu Phi trong hai ngày 3-4/12 và trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Angola trước khi rời nhiệm sở vào tháng Một tới.
Tổng thống Angola Joao Lourenco (trái) gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden ngày 3/12 tại thủ đô Luanda. (Nguồn: AFP)

Chuyến thăm lịch sử

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Angola đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ - châu Phi. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm thăm Angola, là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới khu vực châu Phi cận Sahara kể từ năm 2015 và cũng là chuyến thăm duy nhất của ông Biden tới châu lục này trong nhiệm kỳ tổng thống nhằm thực hiện lời hứa của ông tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2022.

Chuyến thăm hai ngày lần này tập trung vào hai điểm đến chính là thủ đô Luanda và thành phố cảng Lobito. Lịch trình chuyến thăm được cấu trúc để tối đa hóa cả giá trị chiến lược và biểu tượng. Chính phủ Angola công bố ngày 3-4/12 là ngày nghỉ lễ và triển khai các biện pháp an ninh nghiêm ngặt tại thủ đô Luanda.

Ngày đầu tiên tại thủ đô Luanda, Tổng thống Biden đã hội đàm với người đồng cấp Angola João Lourenço tại dinh Tổng thống. Trong trao đổi, ông Biden nhấn mạnh cam kết gắn bó lâu dài của Mỹ với châu Phi và tuyên bố “tương lai thế giới nằm ở châu Phi”, “Mỹ hoàn toàn ủng hộ châu Phi”. Về phần mình, Tổng thống Lourenço kêu gọi tăng cường hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh và quan hệ đối tác công tư để tăng sản lượng năng lượng. Ông Lourenço coi chuyến thăm là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ-Angola kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Cũng trong ngày đầu ở Angola, Tổng thống Biden đã đi thăm Bảo tàng Nô lệ quốc gia Angola, điểm dừng chân có ý nghĩa biểu tượng ghi nhận lịch sử chung giữa hai quốc gia. Trong thế kỷ 17, nơi này từng là trụ sở của Capela da Casa Grande, nơi những người nô lệ bị ép rửa tội và đổi tên trước khi bị đưa tới châu Mỹ. Trong phát biểu tại đây, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ tài trợ 229.000 USD để trùng tu bảo tàng này.

Ngày thứ hai, ông Biden bay đến thành phố Lobito, cách thủ đô Luanda 300 dặm, để chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về Hành lang xuyên châu Phi Lobito và có chuyến thị sát cửa ngõ Đại Tây Dương của hành lang này tại Lobito với sự tham dự của lãnh đạo nước chủ nhà Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia. Trọng tâm của hội nghị là thảo luận về dự án Hành lang Lobito trị giá 3 tỷ USD. Dự án là khoản đầu tư đường sắt lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Dự án đường sắt dài 1.300km này sẽ kết nối cảng Lobito của Angola với các khu vực khai thách khoáng sản ở Congo và Zambia.

Một chuyến đi, nhiều mục đích

Chuyến thăm Angola của ông chủ Nhà Trắng, dù diễn ra vào cuối nhiệm kỳ, phản ánh tính toán chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng tại châu Phi. Giới quan sát nhận định chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Biden trước khi chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 1/2025 này mang nhiều mục đích, gồm:

Một là, đối với quan hệ Mỹ-Angola, chuyến thăm đánh dấu bước chuyển biến lịch sử trong quan hệ của hai nước từng ở hai phía đối lập thời Chiến tranh Lạnh. Dưới thời Tổng thống João Lourenço, Angola đã có những bước đi táo bạo trong đa dạng hóa quan hệ đối ngoại như chấp nhận các chương trình huấn luyện quân sự và có kế hoạch mua thiết bị quân sự từ Mỹ. Chuyến thăm lần này một mặt cho thấy cam kết và kì vọng của Mỹ và Angola trong thúc đẩy quan hệ song phương; đồng thời, tạo cơ hội để hai nước mở rộng hợp tác song phương từ lĩnh vực dầu khí truyền thống sang các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ số.

Hai là, đặt trong bối cảnh lớn hơn, chuyến thăm phản ánh tính toán chiến lược của Nhà Trắng trong phát triển một mạng lưới đối tác đa dạng hơn tại châu Phi cận Sahara, nơi Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức địa chính trị ngày càng phức tạp. cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby từng mô tả Hành lang Lobito là "nhân tố làm thay đổi cuộc chơi" trong sự tham gia của Mỹ tại châu Phi.

Mỹ kì vọng dự án Hành lang Lobito không chỉ thể hiện cam kết của Mỹ trong việc cung cấp các giải pháp đầu tư "đáng tin cậy, bền vững và có thể kiểm chứng" cho các quốc gia châu Phi, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc của khu vực vào các khoản đầu tư từ Trung Quốc, vốn bị phương Tây coi là tạo ra gánh nặng nợ nần kéo dài nhiều thế hệ cho các nước tiếp nhận.

Thành công của sáng kiến Hành lang Lobito có thể củng cố vị thế của Washington và tạo ra một khuôn mẫu cho các dự án hợp tác giữa Mỹ và các nước châu Phi trong tương lai. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại châu Phi ngày càng gay gắt.

Ba là, chuyến thăm có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, đặc biệt khi ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Angola và là người đầu tiên thăm châu Phi từ sau chuyến thăm của ông Obama năm 2015. Việc ông Biden đến thăm Bảo tàng Nô lệ Quốc gia Angola cũng cho thấy nỗ lực của ông trong đối mặt với quá khứ và xây dựng quan hệ mới với châu Phi trên nền tảng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Mặc dù, chính quyền kế nhiệm của vị tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ có tiếng nói quyết định trong việc Mỹ duy trì cam kết với Angola nói riêng và châu Phi nói chung đến đâu, chuyến thăm lần này của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đã tạo nền tảng cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi với tiềm năng định hình lại địa chính trị khu vực trong những thập kỷ tới.