📞

Tổng thống Joe Biden và bài toán ưu tiên: Kiềm chế Trung Quốc hay tái thiết nước Mỹ?

Phương Hà 13:45 | 19/07/2021
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã cho thấy rõ một chiến lược tham vọng khi vừa muốn "chữa lành" những vết thương trong lòng nước Mỹ lại vừa muốn "thắng" Trung Quốc trên mặt trận đối ngoại. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng với ông Biden và phải rất khéo léo để thực hiện một mục tiêu "kép".
Tổng thống Joe Biden có một chiến lược đầy tham vọng, lớn hơn mọi chính quyền tiền nhiệm. (Nguồn: AP)

Một chiến lược trọn vẹn

Có thể thấy, trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã đề ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng và đòi hỏi khắt khe hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong nhiều thập kỷ. Ở trong nước, ông căn bản muốn tái thiết nước Mỹ sau những tổn thương trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và đại dịch Covid-19, để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhất, vốn làm suy yếu nước này trong nhiều thập kỷ.

Điều đó có nghĩa là ông Biden sẽ tiến hành những cải cách lớn về giáo dục, hệ thống phúc lợi, chăm sóc sức khỏe và chế độ nhập cư, cũng như những dự án đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng, công nghệ và sản xuất chế tạo. Và trên hết, ông sẽ quyết tâm đương đầu với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã tác động đến xã hội Mỹ, cũng như vấn đề đảng phái đã làm mất uy tín của nền chính trị nước Mỹ. Đây thực sự là một chương trình nghị sự lớn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa, vì những tham vọng của ông Biden ở nước ngoài cũng lớn như những gì ông muốn thay đổi ở trong nước, đặc biệt là về mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc.

Ông đã tuyên bố sẽ đối đầu với Trung Quốc trên diện rộng, nhằm duy trì ưu thế kinh tế và công nghệ của Mỹ, cũng như khôi phục sự vượt trội về chính trị và chiến lược của Mỹ trên toàn cầu.

Vì vậy, ngoài chương trình nghị sự lớn của mình ở trong nước, Tổng thống Biden cũng đã chấp nhận thách thức quốc tế nghiêm trọng nhất mà Mỹ từng đối mặt kể từ thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Quả thực, cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc rõ ràng chứa đựng nhiều thử thách hơn so với trước đây.

"Nghệ thuật" lồng ghép

Tuy nhiên, chắc chắn nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra rằng: Tổng thống Biden có thể làm được tất cả những việc này hay không? Liệu ông có thể vừa giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhất của Mỹ ở trong nước, vừa "đo găng" với Trung Quốc ở bên ngoài?

Và điều gì sẽ xảy ra nếu ông không thể làm được hai việc này cùng một lúc? Ông sẽ ưu tiên việc nào nếu/hoặc khi phải lựa chọn giữa phục hồi trong nước và khôi phục vị thế ở nước ngoài?

Ông Biden dường như đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng cho câu trả lời của mình trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2020 và lặp lại tín hiệu đó trong tuần đầu tiên nhậm chức khi kêu gọi thực hiện một chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu. Đây là phiên bản “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Biden đã cam kết rằng bất cứ điều gì ông làm bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ đều nhằm mục đích trước tiên là đem lại lợi ích hàng ngày cho tất cả các cử tri Mỹ. Hàm ý của ông đã rõ ràng rằng, nếu phải lựa chọn thì chương trình nghị sự trong nước sẽ luôn được ưu tiên.

Thế nhưng, chương trình tổng thể của Mỹ được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng, sự thành công của chương trình nghị sự trong nước là chìa khóa để thực hiện thành công chương trình nghị sự quốc tế.

Tổng thống Joe Biden đã làm rõ điều này trong bài phát biểu then chốt của mình trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4, khi ông tuyên bố, Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác để giành chiến thắng trong thế kỷ 21. Ông Biden cũng lập luận rằng, một loạt cải cách trong nước mà ông đã đề xuất là yếu tố thiết yếu giúp Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh đó.

Ông Biden khẳng định, một khi nước Mỹ có thể tự mình tái thiết mọi thứ ở trong nước, thì việc đối phó với thách thức Trung Quốc sẽ là việc dễ dàng.

Hướng tới các đồng minh

Giải pháp của Washington cho mục tiêu "kép" của mình có thể được gói gọn trong một từ: Liên minh.

Tổng thống Joe Biden đã nói rất nhiều về việc khôi phục các liên minh và các mối quan hệ bạn bè của Mỹ để có thể sẵn sàng giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng. Ông Biden sẽ phải làm nhiều hơn thế để thuyết phục các nước khác. Điều còn khó khăn hơn là ông Biden và đội ngũ của ông sẽ nhận thấy, trong ngắn hạn việc theo đuổi chương trình nghị sự trong nước của họ thực sự sẽ làm cho việc khôi phục các liên minh và thu hút người ủng hộ trở nên khó khăn hơn.

Trong lĩnh vực kinh tế, họ sẽ nhận thấy, việc gia tăng các chính sách bảo hộ có ý nghĩa sống còn đối với chương trình nghị sự trong nước, nhưng lại cản trở Mỹ trong việc chống lại sức hút kinh tế của Trung Quốc đối với các quốc gia khác.

Và trên mặt trận quân sự, việc kiềm chế thành công Trung Quốc sẽ đòi hỏi Mỹ phải gia tăng ngân sách quốc phòng để đối trọng, do đó phải cân nhắc khoản tiền khổng lồ cần cho các chương trình đối nội của Mỹ.

Cuối cùng, các liên minh của Mỹ lại phụ thuộc vào độ tin cậy của các cam kết quân sự từ Washington - vốn đang giảm đi nhanh chóng.

Vì vậy, rõ ràng, Tổng thống Biden sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa tái thiết nước Mỹ và kiềm chế Trung Quốc. Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy, ông Biden sẽ lựa chọn mục tiêu nào. Tất nhiên, những cải cách trong nước của ông phải được ưu tiên.

Cách duy nhất có thể giúp Tổng thống Biden thành công là chứng tỏ, những cải cách trong nước có ý nghĩa thiết yếu trong việc đối phó với một mối đe dọa nước ngoài.

Chương trình nghị sự quốc tế của ông có lẽ đơn giản chỉ là cách thức để xây dựng sự ủng hộ cho chương trình đối nội, bằng việc thuyết phục người của đảng Cộng hòa rằng, việc thông qua chương trình đối nội triệt để của ông là cách duy nhất để kiềm chế Trung Quốc.

(theo The Straits Times)