Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Liên đoàn Arab tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, tháng 11/2023. (Nguồn: Reuters) |
Khơi dậy niềm lạc quan về các lệnh ngừng bắn
Tờ The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết dẫn đánh giá của giới phân tích cho rằng Iran và Saudi Arabia đã được hưởng "trái ngọt" sau một năm nối lại quan hệ ngoại giao, cho phép hai nước hạn chế những rủi ro an ninh bất chấp những hậu quả nguy hiểm trong khu vực Trung Đông do cuộc xung đột của Israel-Hamas gây ra.
Vào ngày 10/3/2023, sau các cuộc đàm phán do Trung Quốc làm trung gian, Iran và Saudi Arabia - vốn là hai kẻ thù ở khu vực Trung Đông - đã nhất trí tái lập đại sứ quán và trao đổi đại sứ, chấm dứt tình trạng bế tắc ngoại giao kéo dài 7 năm do các cuộc tấn công vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran.
Thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao mang tính bước ngoặt giữa hai nước đã làm gia tăng kỳ vọng về sự ổn định ngày càng được cải thiện ở Trung Đông.
Đại sứ Saudi Arabia tại Iran Abdullah bin Saud Al Anzi đã đến Tehran vào tháng 9/2023 để bắt đầu sứ mệnh mới của mình, trước khi Đại sứ Iran tại Saudi Arabia Alireza Enayati đến trình thư ủy nhiệm tại Riyadh ngay sau đó.
Nhà phân tích Bader Alsaif, Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Kuwait đánh giá, sự hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia đã tỏ ra hữu ích cho cả hai bên. Chuyên gia này nói thêm, thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao cho phép Saudi Arabia tập trung vào các chương trình nghị sự trong nước cấp bách hơn, chẳng hạn như các nhu cầu phát triển của Tầm nhìn Kinh tế 2030, trong khi Iran đã dập tắt được tình trạng bất ổn và xung đột nội bộ ở trong nước.
Hai đối thủ nặng ký trong khu vực Trung Đông này thường ủng hộ hai phía đối lập nhau trong các cuộc xung đột khu vực, đặc biệt là ở Yemen. Sự xích lại gần nhau giữa Iran và Saudi Arabia đã khơi dậy niềm lạc quan về một lệnh ngừng bắn có thể chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ vốn đã tàn phá đất nước Yemen, nơi Saudi Arabia hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận chống lại Phong trào Houthi - lực lượng dân quân được Tehran hậu thuẫn.
Kể từ khi Saudi Arabia và Iran hòa giải và tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 3/2023, các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và lực lượng Houthi đã đạt được tiến triển tích cực, với lực lượng dân quân này cử một phái đoàn tới Riyadh để thảo luận về khả năng ngừng bắn lâu dài. Đây là phái đoàn đầu tiên của Houthi được cử tới Riyadh kể từ khi cuộc xung đột Yemen bắt đầu nổ ra.
Tiến sĩ Alsaif nhận xét, dù Yemen chưa ghi nhận bước đột phá nào liên quan đến một thỏa thuận chính thức với lực lượng Houthi, nhưng quốc gia Trung Đông này cũng không còn chứng kiến tình trạng leo thang quân sự như trước đây.
Trong khi các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột ở Yemen đã đạt được hiệu quả, thì kể từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ.
Họ tuyên bố chiến dịch này là nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. Để trả đũa các cuôc tấn công nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua khu vực Biển Đỏ, Mỹ và Anh đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu của Houthi ở Yemen.
Các nhà phân tích cho rằng sự hòa giải kéo dài một năm giữa Saudi Arabia và Iran đã bảo vệ Riyadh khỏi tình trạng bất ổn đang tiếp diễn trong khu vực.
Chuyên gia Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông-Bắc Phi tại Chatham House (Anh), nhận xét: "Các cuộc tấn công trực tiếp vào Saudi Arabia từ Yemen hoặc từ các nơi khác trong khu vực đã không còn. Điều này cho thấy sự hòa hoãn giữa Tehran và Riyadh đã giúp cải thiện các động lực an ninh nội địa ở Saudi Arabia vào thời điểm hiện tại".
Tuy nhiên, bà Vakil cho rằng vấn đề là sự gây hấn như vậy vẫn có thể tái diễn, do vậy rủi ro lớn hơn chưa được loại bỏ mà chỉ được ngăn chặn.
Tháng 12/2023, có thông tin rằng các bên tham chiến ở Yemen đang xem xét một lệnh ngừng bắn sơ bộ để tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán hòa bình và các bên đã đồng ý với lộ trình được đề xuất. Các nguồn tin nhấn mạnh các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ sẽ không cản trở triển vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen.
Căng thẳng có nổi lên lần nữa?
Trong khi thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giúp hạn chế những rủi ro an ninh cho Saudi Arabia, việc xích lại gần với Saudi Arabia cũng cho phép Iran đảm bảo các mục tiêu ngoại giao khi thỏa thuận này tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Syria Bashar Al Assad, một đồng minh thân cận của Iran, trở lại thế giới Arab vào tháng 5 năm ngoái.
Nhà phân tích Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics có trụ sở tại Washington (Mỹ) nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, việc các nước GCC khôi phục quan hệ ngoại giao với Damascus đã tạo ra lợi ích địa chính trị cho Cộng hòa Hồi giáo Iran". Ông Cafiero nói thêm, việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Riyadh là một động lực lớn cho chiến lược chính sách đối ngoại của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Ngoài các lợi ích chính trị, sự hòa giải giữa hai nền kinh tế lớn trong khu vực Trung Đông cũng dẫn đến các cuộc thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Chuyên gia Farzad Piltan, Giám đốc khu vực Tây Á của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Iran cho biết Tehran đang hướng tới mục tiêu đạt giá trị thương mại 1 tỷ USD hàng năm với Saudi Arabia, đồng thời nhận định con số này có thể tăng lên 2 tỷ USD với trọng tâm là các lĩnh vực thép, nghệ tây, thảm, xi măng và hoa quả sấy khô.
Câu hỏi quan trọng đặt ra hiện nay là liệu sự hòa giải này sẽ dẫn đến sự hiểu biết và thích ứng với nhau tốt hơn trong tương lai hay đó chỉ là khoảng dừng tạm thời để hai bên tập trung vào các vấn đề nội bộ trước khi căng thẳng lại nổi lên một lần nữa?
(theo The National News)