📞

Trẻ em Việt Nam trong đại dịch Covid-19: Những tác động tiêu cực và giải pháp

An Chu 16:53 | 10/09/2021
Đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua không những cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới, lấy đi hàng nghìn tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu, mà nghiêm trọng hơn, những tiến bộ liên quan quyền con người, trong đó có quyền trẻ em đang đứng bên bờ vực.
Các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi trong đại dịch Covid-19 được triển khai nhanh chóng, kịp thời. (Ảnh minh họa. Nguồn: NLDO)

Tại Việt Nam, với những chỉ đạo sát sao, đúng và trúng của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã vững vàng trải qua 3 đợt dịch Covid-19 được quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, với sự lây lan chóng mặt và mức độ nguy hiểm của biến thể Delta, Việt Nam không thể tránh được 'cơn bão' chung của toàn cầu.

Trong đợt thứ 4 (từ ngày 27/4) này, Việt Nam ghi nhận gần 560.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 14.000 ca tử vong, trong đó có nhiều trẻ em.

Tác động tiêu cực tới trẻ em

Tại một Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến với đại diện của hơn 20 tỉnh, thành phố cùng các bộ, ngành, đoàn thể và tổ chức quốc tế vào ngày 8/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố báo cáo cho thấy, tính đến ngày 31/8, Việt Nam ghi nhận có 11.822 trẻ em là F0, F1 là 27.334 trẻ em.

Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng.

Nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm Covid-19.

Thậm chí, trong đợt dịch lần 4 này tại TP. Hồ Chí Minh, có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha, mẹ. Một số cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương bắt đầu bị dịch bệnh xâm nhập, có nguy cơ lây lan sang nhiều em khác.

Lợi ích tốt nhất, quyền và sự bảo vệ tốt nhất của trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19, lấy trẻ em làm trung tâm.

Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng.

Cần làm gì cho trẻ?

Với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, bên cạnh nhiều biện pháp quyết liệt nhằm truy tìm và cắt nguồn lây, nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ kịp thời cho người dân đang phải chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho hay, các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Trên 108 nghìn người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, trong bối cảnh Covid-19, khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là khi phong tỏa. Cho dù cố gắng đến đâu cũng không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu toàn diện cho trẻ em được mà chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản.

Với những số liệu đáng báo động liên quan trẻ em trong đại dịch, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) Đặng Hoa Nam đề xuất UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ em F0, F1; ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ em của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung; sớm nghiên cứu, sản xuất vaccine cho trẻ em.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nơi dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Trần Ngọc Sơn cho biết, thời gian qua, toàn thành phố đã ưu tiên mọi nguồn lực để thực hiện hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19 cũng như cung cấp dịch vụ bảo vệ - chăm sóc trẻ em, đưa những hộ có phụ nữ mang thai về quê sinh con.

TS. Annie Chu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng: “Điều quan trọng vẫn phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay...”.

Theo Bộ LĐTBXH, cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục cần triển khai việc lồng ghép, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn, phòng chống xâm hại, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trong đại dịch Covid-19 vào các tiết học trực tuyến.

Bên cạnh đó, từng hộ gia đình cần được cập nhật các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; phòng ngừa, xử trí các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, tai nạn, thương tích trẻ em.

Theo Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Lesley Miller, lợi ích, quyền và sự bảo vệ tốt nhất của trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19, lấy trẻ em làm trung tâm.