Trẻ học trước lớp 1 là thực trạng chung ở nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. (Nguồn: Vietnamnet) |
Ráo riết "chạy đua" vì lo con "đuối"!
Có nên cho trẻ học viết chữ, tập đọc trước khi vào lớp 1 hay không? là thắc mắc chung của rất nhiều bậc cha mẹ.
Một số phụ huynh cho rằng không nên cho con đi học trước 6 tuổi, hãy để con có tuổi thơ đúng nghĩa. Thế nhưng, không ít người tỏ ra lo lắng, liệu sẽ đúng nghĩa thế nào khi trẻ bước vào lớp học toàn những "thần đồng" đã đọc thông, viết thạo?
Phụ huynh Nguyễn T. C. (Nam Định) lo lắng khi nhắc lại chuyện cô con gái thứ nhất đã từng "sợ" đi học lớp 1 vì thường xuyên bị cô giáo phê bình đọc chậm, viết lâu. Lý do là trước khi bước vào tiểu học, cháu không tham gia các lớp học viết và tập đọc như hầu hết các bạn đồng trang lứa.
Năm nay, con trai thứ hai của chị C. vào lớp 1. Rút kinh nghiệm, ngay khi trẻ vừa nghỉ hè, vị phụ huynh này đã ráo riết tìm lớp luyện chữ cho con.
"Chương trình lớp 1 hiện nay rất nặng và căng thẳng. Nếu không cho con đi học trước, tôi sợ con sẽ lạc lõng, không theo kịp chương trình và thua kém bạn bè", người mẹ này nói
Không chỉ đưa trẻ đến các trung tâm luyện chữ, nhiều bậc phụ huynh còn dày công hơn khi xác định giáo viên chủ nhiệm mà con sẽ theo học, sau đó gửi gắm con đến nhà cô dạy chữ.
Từ đầu tháng 6, khi tình hình dịch bệnh tại địa phương đã bớt căng thẳng, chị Đào T.H. (Hải Phòng) đã đăng ký cho cậu con trai đi học chữ ở nhà "cô giáo chủ nhiệm tương lai".
"Trong xóm có mấy cháu cùng tuổi thằng bé nhà tôi được bố mẹ cho đi học chữ. Cũng biết là không nên cho trẻ đi học trước chương trình nhưng bây giờ việc đọc thông - viết thạo thành trào lưu rồi. Nếu không đi học trước, sợ khi vào lớp cháu sẽ không theo kịp bạn bè; mặc dù tôi biết sẽ phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ".
Theo chị H., một tuần cô giáo dạy hai buổi, mỗi buổi 3 tiếng (kéo dài từ 7h-10h) với giá 100.000 đồng. Vị chi mỗi tuần, chị H. phải bỏ ra 200.000 đồng tiền cho con học chữ, đó là chưa kể chị phải thu xếp công việc đồng áng để đưa đón con đi học.
Cũng giống chị H., gần một tháng nay, phụ huynh Đặng Văn Trường (Thái Bình) ngày nào cũng cần mẫn chở con gái sắp vào lớp 1 đến học chữ tại nhà cô giáo. Cả cha, cả con đều vất vả; nhưng theo anh Trường, có học vẫn có hơn.
"Con gái đi học thêm có mấy hôm mà đã biết đọc, biết viết, biết nối từ rồi”, anh hồ hởi khoe.
Thực tế, việc các bậc phụ huynh đua nhau cho con học chữ trước 6 tuổi đã không còn là chuyện mới. Dù chương trình lớp 1 được biên soạn cho trẻ chưa biết gì nhưng cuộc đua này vẫn ngày càng quyết liệt, thậm chí còn trở thành "trào lưu", nhận được sự tham gia của đông đảo phụ huynh, từ nông thôn cho tới thành thị.
Tất cả đều xuất phát từ tâm lý chung: muốn con mình trở nên chủ động, nắm vững kiến thức, "đọc thông, viết thạo" và không bị "tụt hậu" so với bạn bè.
Không "ép chín" con trẻ
Tuy nhiên, không phải tất cả các phụ huynh đều đổ xô cho con đi học trước khi vào lớp 1. Phụ huynh Lê Thị Lý (Hải Phòng) cho rằng, các bậc làm cha, làm mẹ nên tôn trọng quy luật giáo dục, không nên đốt cháy giai đoạn và đặc biệt là không ép trẻ "chín" sớm.
"4-5 tuổi là giai đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, chưa đủ tập trung để ngồi yên một chỗ. Nếu nóng vội cho con đi học trước sẽ gây áp lực, khiến con mệt mỏi, thậm chí chán học".
Cũng theo phụ huynh này, việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào cấp 1 là vô cùng lãng phí. Bởi khi bước vào tiểu học, các con sẽ được thầy cô trang bị lại những kiến thức đã được học ở lớp học thêm.
Là một người từng trải, phụ huynh Nguyễn Bích Luân cho rằng, không cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không có nghĩa là vào tiểu học, con hoàn toàn là một tờ giấy trắng. Con gái của chị Luân năm nay lên lớp 2. Cháu được các cô giáo đánh giá tiếp thu nhanh, viết đẹp và đọc lưu loát. Tuy nhiên, vị phụ huynh này cho rằng, việc học của cháu chỉ thực sự bắt đầu từ khi bước chân vào lớp 1.
"Hồi cháu chuẩn bị vào lớp 1, mặc kệ mọi người đổ xô cho con đi học chữ sớm, tôi vẫn gan lỳ để con ở nhà. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi bỏ mặc chuyện học của con. Tôi vẫn cho con làm quen, nhận diện mặt chữ thông qua các trò chơi như tập tô, tìm thẻ ảnh…".
Theo phụ huynh Nguyễn Bích Luân, việc con học giỏi hay không không phụ thuộc vào việc học trước hay sau, mà phụ thuộc vào năng lực, nhận thức của trẻ và sự kèm cặp của thầy cô, cha mẹ.
Không phải cứ học trước là con sẽ… giỏi
Phụ huynh Đào T.H. chia sẻ, trải qua chưa đầy một tháng đi học chữ, cậu con trai của chị đã tỏ vẻ chán nản.
"Không chỉ học buổi sáng, tối đến, con phải hoàn thành bài tập cô giao về nhà, mỗi tối viết 3 trang. Vẫn còn tâm lý ham chơi, con chỉ ngồi viết được một chút là lại than trời than đất. Chưa dừng lại ở đó, cu cậu đối phó bằng cách viết chữ to gấp đôi, gấp ba cỡ chữ thông thường để cho mau chóng hết 3 trang giấy", chị H. tâm sự.
Là giáo viên tại một trường tiểu học tại Hải Phòng, cô Diệp thừa nhận, việc trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ giúp các thầy cô bớt vất vả hơn trong việc giảng dạy. Mỗi lớp có đến 40-50 học sinh, nếu cháu nào cũng chưa biết chữ, các cô có "vắt chân lên cổ" cũng không dạy kịp.
Tuy nhiên, nhà giáo này cho rằng, đây chỉ là lợi ích trước mắt. Việc ép trẻ học chữ quá sớm không chỉ khiến trẻ có cảm giác chán nản mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy đáng ngại khác.
Theo cô Diệp, sau một thời gian học tập, không phải tất cả những học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết trước đều trở nên xuất sắc.
"Thực tế ở trường cho thấy, nhiều em do được học chữ, đánh vần sớm nên khi đến trường đã không còn hứng thú nghe cô dạy. Điều này khiến lực học của các con giảm sút. Điều nguy hại hơn cả đó là trẻ không được rèn luyện chữ và tư thế ngồi một cách quy chuẩn nên giáo viên điều chỉnh lại sẽ rất khó khăn", cô Diệp nói.
Phản đối phong trào cho trẻ học chữ sớm, nhà giáo Trần Thanh Tâm (giáo viên một trường tiểu học tại Nam Định) khuyên phụ huynh không nên kỳ vọng trẻ phải giỏi từ sớm. Thay vì đua nhau cho trẻ đi học chữ sớm tại các trung tâm, lò luyện, cha mẹ hoàn toàn có thể nâng cao kiến thức cho trẻ thông qua việc vừa học vừa chơi.
Theo cô giáo Thanh Tâm, cha mẹ nên tăng cường vốn từ vựng và khả năng đọc cho trẻ thông qua việc trò chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Nói về những gì con nhìn thấy, con quan tâm. Cha mẹ cùng con đóng kịch, tập kể chuyện. Ngoài ra, để giúp con luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, phụ huynh có thể cho bé tô màu, tô chữ, nặn tượng hay cắt dán…
"Quan trọng hơn, cha mẹ cần dạy con tính tự giác: vào bàn học đúng giờ (mỗi lần tập ngồi học chỉ nên 10-15 phút); tự thay đồ; tự xếp quần áo, sách vở. Vào lớp 1 là một dấu mốc quan trọng. Bên cạnh kiến thức tập đọc, tập viết, những kỹ năng cơ bản này sẽ giúp ích cho con rất nhiều trong cuộc sống sau này", nhà giáo Trần Thanh Tâm nhắn nhủ.