Trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của người lớn trong việc quản lý học sinh. (Nguồn: VNE) |
Câu chuyện nhà trường bỏ quên trẻ mầm non trên ô tô vừa xảy ra ngày 29/5 tại Thái Bình khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện buồn hơn 4 năm trước. Đó là học sinh lớp 1 tử vong bì bị bỏ quên trên ô tô ngay trong ngày tựu trường tại Hà Nội.
Cũng là người chăm sóc và giáo dục trẻ, tôi cảm thấy rất buồn và bất lực trước hiện trạng không đảm bảo an toàn cho trẻ hiện nay. Nhìn một cách rộng hơn, đây chỉ là một trong những sự việc cho thấy sự thiếu trách nhiệm của người lớn để ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Nhiều vụ trẻ bị tai nạn, đuối nước cũng đều xuất phát từ sự vô trách nhiệm của người lớn.
Tưởng rằng, vụ học sinh lớp 1 tử vong vì bị quên trên xe tại Hà Nội năm 2019 đã là bài học nhãn tiền. Thế nhưng, thời gian qua vẫn tồn tại chuyện quên học sinh ở Bắc Ninh, Hà Nội... Rất may sự việc được phát hiện sớm và đứa trẻ được cứu. Và rồi, câu chuyện lại bị “chìm xuồng”… Cho đến khi sự việc cháu bé ở Thái Bình lại bị bỏ quên trên xe đến trường và qua đời, phải chăng cần phải xem lại ý thức, trách nhiệm của những người có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ?
Nhiều câu hỏi được đặt ra như trách nhiệm này thuộc về ai? Trước hết, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em là của cha mẹ và nhà trường. Ở đây, nhà trường và cha mẹ đã phối hợp với nhau như thế nào để cuối cùng việc quên trẻ trên xe vẫn xảy ra? Cũng phải nhìn nhận rõ khâu chăm sóc, bảo vệ trẻ của không ít nhà trường hiện nay có nhiều vấn đề.
Rõ ràng, những cơ sơ chăm sóc, giáo dục trẻ em cần phải xem lại vấn đề này. Nếu như không đảm bảo an toàn cho các con khi di chuyển bằng xe ô tô thì có nên để phương thức này tồn tại? Quy trình đưa đón trẻ bị “nghẽn” và người chịu thiệt là một đứa trẻ. Rõ ràng, để "lọt" hẳn một đứa trẻ như thế thì trách nhiệm của người đưa đón trẻ trên chính chiếc xe đó ở đâu? Đây mới chỉ là câu chuyện đưa trẻ lên, đón trẻ xuống.
Vậy trong quá trình các con di chuyển, các con có đeo dây an toàn hay không? Các con có được đảm bảo an toàn trong quá trình đó hay không? Hay các con gặp một vấn đề sức khỏe thì ai sẽ là người xử lý?
Bởi vì, nếu người lớn quan tâm đến từng vấn đề nhỏ trên xe sẽ không bao giờ quên bất cứ một đứa trẻ nào. Trẻ em không phải hàng hóa để có thể “ném lên" xe và "ném xuống" như những… thùng hàng. Việc xuống xe không được quản lý chặt chẽ, không đếm trẻ, không bàn giao một cách nghiêm túc dẫn đến tình trạng thiếu trẻ mà không ai biết.
Giá như người lái xe có một thao tác đó là kiểm soát toàn bộ ghế ngồi trước khi đóng cửa xe.
Giá như người đưa đón trẻ điểm danh trước khi lên xe, trước khi xuống xe, đếm số chữ kí của phụ huynh khi bàn giao trẻ, đếm số trẻ thì đã không để ra tình trạng thiếu trẻ xuống xe như thế.
Giá như người đón trẻ làm một động tác lên xe kiểm tra một vòng trước khi rời đi.
Giá như giáo viên khi phát hiện ra học sinh vắng mặt sẽ liên lạc với gia đình. Chỉ một cuộc gọi, một tin nhắn thôi cũng có thể cứu sống một đứa trẻ. Bởi thực tế, nếu quên trẻ mà phát hiện sớm, kịp thời thì hậu quả không lớn đến vậy. Nhưng quên thời gian quá dài, quên nguyên một ngày thì hậu quả chắc chắn rất khủng khiếp.
Giá như trong những chuyến xe, chuyến dã ngoại của trẻ, những người có liên quan đều có trách nhiệm đếm trẻ 5-10 phút/một lần thì không bao giờ xảy ra chuyện đáng tiếc. Một tiếng, hai tiếng, càng về sau thì khoảng cách càng xa, lúc đó hậu quả sẽ càng lớn.
Giá như quy trình đưa đón trẻ được quan tâm, kiểm soát để tránh các vấn đề lơi lỏng.
Giá như luôn có các đợt thanh kiểm tra đột xuất từ cơ quan chức năng đến các quy trình đưa đón trẻ.
Hàng bao nhiêu chữ “giá như” không thể đem tính mạng của đứa trẻ quay trở lại khi mọi động tác đảm bảo an toàn cho trẻ từ những người chăm sóc các con bị bỏ qua. Một động tác quay ngược trở lại trên xe kiểm tra một lần cuối cùng của bất kể người lớn nào trước khi rời xe cũng không được thực hiện.
Thế mới nói, đứa trẻ cần ở người lớn nhận thức và bằng tình yêu thương. Có vẻ như, có quá nhiều khâu cồng kềnh trong vấn đề quản lý trẻ. Bởi quá cồng kềnh nên giống như “cha chung không ai khóc” và hậu quả để lại rất nghiêm trọng.
Việc truy cứu trách nhiệm những người liên quan chắc chắn sẽ khiến cho các nhà trường nâng cao ý thức, trách nhiệm trong các khâu đưa đón, bàn giao và quản lý học sinh, việc kiểm tra chéo cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Nhưng điều quan trọng là việc bảo vệ trẻ em phải là một nhiệm vụ hàng đầu. Không thể khi sự việc đau lòng xảy ra thì lại nhận trách nhiệm, nhưng rồi lại đâu vào đó. Bởi vì, chỉ cần không để ý một chút, lơ là một chút cũng sẽ có rủi ro với các con. Bên cạnh đó, cũng cần có những hình thức xử phạt nghiêm túc, mang tính răn đe với những ngôi trường để lại những hậu quả lớn.
Khi giáo dục được "thương mại hóa" thì những câu chuyện như thế này sẽ xảy ra. Nếu như quan tâm những vấn đề thương mại hơn những vấn đề giáo dục giá trị, chắc chắn người phải chịu thiệt thòi chính là những đứa trẻ.
Có một thực tế, hiện nay, vì đáp ứng nhu cầu, nhiều ngôi trường mọc lên, tuy nhiên giá trị giáo dục dành cho trẻ chưa được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Khi vẫn thả nổi việc giáo dục trong những vấn đề quảng cáo, truyền thông giá trị của nhà trường đến phụ huynh, giáo dục được coi như ngành nghề kinh doanh thì những vấn đề vô cảm chắc chắn sẽ diễn ra.
Giáo dục, y tế là những ngành nghề rất đặc thù. Chính vì vậy, ở các nước đều tìm cách hạn chế sự tác động của đồng tiền vào những đơn vị giáo dục để tránh các trường hợp tiền thao túng chất lượng; từ đó, không kiểm soát được những vấn đề như sự tâm huyết của giáo viên dành cho trẻ em.
Lúc này, nâng cao nhận thức của người lớn trong việc bảo vệ trẻ mới là quan trọng chứ không phải xử lý sự việc mang tính tình thế, đối phó. Đừng vì sự thiếu trách nhiệm, tắc trách, sai sót của người lớn đe dọa sự an toàn và hạnh phúc của đứa trẻ.
Nguyệt Hà (ghi)
Theo báo cáo ban đầu của cơ quan điều tra, vào lúc 6h20 ngày 29/5, lái xe N.V.L và cô giáo P.Q.A có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, địa chỉ tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình. Bé T.G.H (SN 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được đón lên xe đi cùng các bạn. Đến 17h cùng ngày, người thân của bé H. đến đón, không thấy bé nên đã báo cho nhà trường. Mọi người tổ chức tìm kiếm, phát hiện H. vẫn ở trên xe đưa đón học sinh, đỗ ngoài cổng trường. Ngay sau đó, bé được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu nhưng đã tử vong. Ngay trong đêm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người”. Tỉnh Thái Bình cũng đã yêu cầu đơn vị chuyên môn sớm ban hành văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động đưa, đón, quản lý trẻ của các trường mầm non trên địa bàn. |
| Thiếu giáo viên nhưng vẫn giảm biên chế 'theo lộ trình' dẫn đến nhiều bất cập Tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình. |
| Việt Nam luôn coi công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển giáo dục Công nghệ không chỉ mở ra những cánh cửa mới, mang lại cơ hội to lớn để nâng cao chất lượng giảng dạy và học ... |
| Hướng nghiệp trong giáo dục: Những việc cần làm ngay Dù năm nào ngành giáo dục cũng có nhiều văn bản, chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng khuyên học sinh yếu kém ... |
| Lùm xùm học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan: Bộ GD&ĐT xác minh thông tin Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đang xác minh thông tin “học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ” ... |
| Sở GD&ĐT Hải Dương lên tiếng vụ 'học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan' Sở GD&ĐT Hải Dương nhìn nhận, một học sinh lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan là sự việc đáng tiếc xảy ... |