TIN LIÊN QUAN | |
Tìm đồng thuận để cứu Trung Đông | |
Israel và Mỹ sẽ thảo luận về hòa bình Trung Đông |
Thông qua dự luật gây tranh cãi
Ngày 5/12, trong một cuộc bỏ phiếu sơ bộ, Quốc hội Israel đã thông qua một dự luật có thể dẫn đến việc hợp pháp hóa gần 4.000 nhà định cư tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng thông qua việc tịch thu đất tư nhân của người Palestine.
Dự luật được thông qua với 60 phiếu thuận và 49 phiếu chống. Theo đó, Chính phủ Israel được phép tước quyền sử dụng đất của người Palestine và sẽ bồi thường tài chính cho các chủ đất.
Việc thông qua dự luật trên là kết quả thỏa hiệp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Giáo dục Naftali Bennett - người ủng hộ chính đối với dự luật, sau khi loại bỏ điều khoản cho phép hợp pháp hóa khu định cư Amona, khu định cư trái phép lớn nhất ở Bờ Tây, được xây dựng trên phần đất phía Đông thành phố Ramallah thuộc sở hữu tư nhân của người Palestine. Với việc bãi bỏ điều khoản này, Chính phủ Israel có thể dỡ bỏ khu định cư Amona và người định cư tại đây phải di dời tới ba khu đất của người Palestine ở gần đó mà Israel coi là đất hoang, qua đó hợp pháp hóa 3.881 nhà định cư.
Khu định cư Amona - khu định cư trái phép lớn nhất ở Bờ Tây. (Nguồn: Haaretz) |
Tuy nhiên, dự luật này vẫn phải được bỏ phiếu tại ba phiên họp nữa trước khi chính thức trở thành luật. Dự kiến, lần bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 7/12.
Bộ trưởng Bennett hoan nghênh động thái trên, cho đây là bước khởi đầu cho việc sáp nhập khu Bờ Tây. Trong khi đó, thủ lĩnh đảng Lao động đối lập Isaac Herzog đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc thông qua dự luật này là "một hành động tự sát quốc gia". Những người Israel và Palestine phản đối dự luật này cho rằng việc tịch thu đất của người Palestine sẽ càng khiến triển vọng giải pháp hai nhà nước trở nên mờ mịt hơn.
Đồng quan điểm này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi dự luật về nhà định cư ở Bờ Tây của Israel là "mối quan ngại thực sự".
Căn nguyên bất đồng
Trong nhiều thập kỷ qua, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động. Những bất đồng giữa hai bên chủ yếu trong các vấn đề mấu chốt bao gồm: đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây trong đó có Đông Jerusalem, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, quy chế đối với thành phố Jerusalem, vấn đề trao trả tù nhân…
Các cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine đã gần như sụp đổ kể từ tháng 9/2010, khi Israel coi các khu định cư của người Palestine được xây dựng mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Israel là phạm pháp và thường triển khai nhân viên an ninh tới phá dỡ những khu định cư này đồng thời từ chối ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của người Palestine.
Sau 3 năm bế tắc, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã được nối lại kể từ tháng 7/2013, nhờ những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Kể từ khi ông Kerry lên nắm giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 2/2013, ông đã thực hiện tổng cộng hơn 10 chuyến thăm Trung Đông nhằm khôi phục lại tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine. Thông qua những chuyến thăm ngoại giao con thoi liên tục này, đến nay Israel và Palestine đã tiến hành được khoảng 20 vòng đàm phán.
Trong các vòng đàm phán, Israel và Palestine thống nhất sẽ nỗ lực để tiến tới việc đạt được hiệp định hòa bình cuối cùng giữa hai nước. Đây cũng chính là mục tiêu hàng đầu trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị đổ vỡ từ tháng 4/2014, sau khi Palestine thông báo việc thành lập một chính phủ đoàn kết với phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza.
Giữa Israel và Palestine còn tồn tại nhiều bất đồng. (Nguồn: Muaz kadi) |
Các nhà phân tích cho rằng, những bất đồng vốn đã tồn tại từ lâu giữa Israel và Palestine rất khó để hóa giải. Tuy các bên đều tuyên bố mong muốn đạt một thỏa thuận hòa bình song trên thực tế vẫn chưa thực sự có một bước đột phá nào trong các vòng đàm phán mà mới chỉ dừng lại ở thu hẹp các bất đồng.
Palestine đã nhiều lần cáo buộc Israel có những động thái khiến quan hệ giữa hai bên xấu đi và làm lộ trình hòa bình đình trệ. Palestine cũng chỉ trích việc Tel Aviv tiếp tục xây các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem - khu vực vốn dự kiến là một phần của Nhà nước Palestine trong tương lai. Vấn đề khu định cư là một trong những vấn đề gai góc nhất cản trở việc nối lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine vốn bị đình trệ từ tháng 4/2014.
Ngoài vấn đề Israel vẫn tiến hành xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng, tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine còn bế tắc bởi những vấn đề liên quan đến việc lực lượng an ninh của Israel sẽ tiếp tục đồn trú tại thung lũng chiến lược Jordan ở khu Bờ Tây thêm 10 năm nữa, sau khi một nhà nước Palestine độc lập đã được thiết lập. Thời hạn 10 năm trên là do Mỹ đề xuất nhưng đã bị cả hai phía phản đối. Israel cho rằng thời hạn duy trì 10 năm là quá ngắn trong khi Palestine thì khẳng định sự có mặt tiếp tục của lực lượng an ninh Israel tại khu vực này không được kéo dài quá 3 năm.
Từ tháng 10/2015, làn sóng bạo lực giữa người Palestine và Israel bùng phát và tiếp tục diễn ra trong thời gian gần đây, nhất là tại khu vực thánh địa Jerusalem và Bờ Tây. Theo thống kê, ít nhất 214 người Palestine, 34 người Israel, 2 người Mỹ, 1 người Eritrean và 1 người Sudan tị nạn đã thiệt mạng trong đợt bạo lực này.
Trước tình hình đó, Mỹ đã kêu gọi các lãnh đạo hai bên áp dụng "các bước đi cụ thể" nhằm xây dựng lại lòng tin giữa hai cộng đồng. Giới chức Mỹ cũng chỉ trích các hoạt động xây nhà định cư của Israel trên các vùng đất chiếm đóng của Palestine, cho rằng việc này hủy hoại các cơ hội đạt một thỏa thuận hòa bình.
Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa người Palestine và người Do Thái chưa tìm được lối thoát, việc Quốc hội Israel sơ bộ thông qua dự luật về nhà định cư ở Bờ Tây đang khiến hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Trung Đông giữa Palestine và Israel ngày một xa vời.
Israel -Thổ Nhĩ Kỳ: Hòa giải “đang ở rất gần” Đó là tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong buổi tiếp các nghị sĩ Mỹ đang ở thăm Tel Aviv ngày 31/5. |
Sứ mệnh khó thành của Mỹ ở Trung Đông TG&VN giới thiệu bài viết của nhà báo Thomas Friedman, đăng trên tờ New York Times ngày 6/4. |
Hòa bình Trung Đông: Người xây, kẻ phá Những phản ứng gay gắt của Israel có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng hòa bình ở Trung Đông. |