Ấn Độ vẫn hoài nghi về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ tìm cách thay đổi tình hình này. (Nguồn: Indian Express) |
Ấn Độ hoài nghi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được phía Mỹ liên tục tuyên truyền, sẽ khiến lợi ích quốc gia bị tổn hại nếu cuốn vào cuộc đối đầu Trung – Mỹ. Nhưng phía Mỹ lại đang tìm cách lôi kéo Ấn Độ tham gia chiến lược này.
Ấn Độ - "đồng minh tự nhiên" của Mỹ
Từ khi đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến nay, hiệu quả thực tế của việc Mỹ liên tục tuyên truyền với Ấn Độ về cái gọi là “tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” không cao. Lý do là một mặt Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại, ít đầu tư chiến lược, mặt khác Ấn Độ vẫn hoài nghi về chiến lược này, lo ngại lợi ích quốc gia bị tổn hại nếu cuốn vào cuộc đối đầu Trung-Mỹ. Hiện nay, Mỹ đang tìm cách thay đổi tình hình này.
Ngày 1/6/2019, trước thềm Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên, xác định hơn nữa phương hướng mục tiêu và con đường thúc đẩy của chiến lược này, cùng với việc tăng cường đầu tư nguồn lực.
Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang có cơ hội phát triển chưa từng có, nhưng cũng gặp phải rất nhiều thách thức an ninh, vì vậy Mỹ sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đứng đầu là Ấn Độ.
Chính quyền Donald Trump coi New Delhi là “đồng minh tự nhiên” của Mỹ và là điểm tựa quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ xác định Ấn Độ là một trong những quốc gia cùng chung chí hướng với Mỹ, xác định rõ vai trò và địa vị của nước này trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Báo cáo cũng cho rằng trên cơ sở lợi ích chiến lược chung, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Mỹ-Ấn được tăng cường rõ rệt trong 20 năm qua. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, chiến lược này có điểm chung với chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Việc hai bên tiếp tục hợp tác sẽ bảo đảm cho việc xây dựng một tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Lấy Ấn Độ làm trụ cột
Tiêu đề phụ của Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tên “Chuẩn bị, hợp tác và thúc đẩy mạng lưới hóa khu vực” đã nói rõ điểm mấu chốt trong ý đồ chiến lược của Mỹ là: xây dựng một hệ thống an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có các yếu tố quan trọng như quân sự, an ninh, kinh tế, giá trị dân chủ…, lấy các đồng minh, đối tác làm điểm tựa sức mạnh, lấy Nam Á, Đông Nam Á, eo biển Đài Loan và Châu Đại Dương làm phương hướng trọng điểm, lấy kiềm chế sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc làm mục đích chính, nhiều tầng nấc và mạng lưới hóa, hình thành ưu thế chiến lược vượt trội, bền vững và không đối xứng trước bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ chủ yếu dựa vào sự thúc đẩy của cơ chế đàm phán 4 bên, nhấn mạnh cơ chế này là diễn đàn chủ yếu để các bên thảo luận tầm nhìn của khu vực và phương hướng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong ý tưởng “hệ thống an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia là 4 trụ cột và Mỹ đứng đầu. Dù là về mặt địa lý hay sức mạnh tổng hợp, Ấn Độ đều có vị trí đặc biệt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ có thái độ không rõ ràng về hệ thống này, về khách quan đã trở thành mắt xích tương đối yếu kém.
Ngay từ tháng 6/2016, Mỹ đã xác định Ấn Độ là đối tác quốc phòng chủ chốt, đồng thời nhấn mạnh đây là vị thế mà chỉ Ấn Độ mới có, nhằm nâng cấp quan hệ quốc phòng giữa hai nước lên mức độ tương đương với đồng minh và đối tác thân thiết nhất của Mỹ.
Hiện nay, Mỹ đã trao cho chiến lược này nhiều nội dung thực chất hơn, phương hướng cũng rõ ràng hơn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ “hệ thống an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Do đó, chắc chắn sẽ cần Ấn Độ hỗ trợ nhiều hơn, tránh để Ấn Độ trở thành điểm yếu trong khuôn khổ toàn bộ hệ thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Getty Images) |
Công cụ chiến lược hiệu quả
Ngày 12/6/2019, trong bài phát biểu ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố “Mỹ và Ấn Độ đang có cơ hội có một không hai để thúc đẩy quan hệ song phương, hai bên có cơ sở giá trị chung, lợi ích song trùng trên các lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng và hàng không vũ trụ”. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển quan hệ Mỹ-Ấn và thực hiện tầm nhìn chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 26/6/2019, khi đến thăm Ấn Độ và gặp gỡ Thủ tướng Narendra Modi, ông Mike Pompeo tuyên bố Ấn Độ là đối tác quan trọng của Mỹ, quan hệ hai nước đã vươn lên tầm cao mới và đề nghị phát triển hơn nữa quan hệ đối tác “lành mạnh, kiên định và đáng tin cậy”, tăng cường hợp tác quốc phòng, củng cố tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Tối cùng ngày, trong bài phát biểu với tiêu đề “Mang hoài bão lớn” tại Trung tâm quốc tế của Ấn Độ, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “hoài bão trong thời đại mới chính là hoài bão lớn của Mỹ và Ấn Độ”, hai nước đang trở thành đối tác chiến lược tin cậy của nhau. Ông nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh Ấn Độ xuất hiện nhiều hơn ở các diễn đàn quốc tế và luôn ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Vì vậy, Ngoại trưởng Mike Pompeo đề nghị thiết lập cơ chế điện đàm thường xuyên với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như chống khủng bố, kinh tế thương mại, 5G, năng lượng sạch và giao lưu nhân dân, cùng đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Nam Hải (Biển Đông).
Ngày 28/6/2019, lãnh đạo của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức cuộc gặp ba bên và song phương trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka để thảo luận về các vấn đề như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, 5G, quốc phòng… Trong đó, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh với Thủ tướng Narendra Modi rằng, quan hệ Mỹ-Ấn chưa từng xích lại gần nhau như vậy, hy vọng hai bên có thể duy trì sự trao đổi.
Việc Mỹ nhiệt tình và thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ như vậy có liên quan chặt chẽ với xu hướng chính sách an ninh và khó khăn chiến lược của Mỹ hiện nay. Tổng thống Trump xác định chiến lược an ninh quốc gia nằm ở cạnh tranh nước lớn, coi Trung Quốc và Nga là mối đe dọa chiến lược dài hạn, đặc biệt xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu và nước lớn theo chủ nghĩa xét lại, khiến mối quan hệ giữa các nước lớn trở nên căng thẳng.
Mỹ chủ động phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, trong một loạt vấn đề nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc không những chưa thể giành chiến thắng nhanh chóng trước Trung Quốc, mà còn bị Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Chính vì vậy, Mỹ rất cần dựa vào Ấn Độ để tái cân bằng chiến lược, nhằm kiềm chế và gây trở ngại cho Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang là công cụ chiến lược hiệu quả để thu hút Ấn Độ, khiến Mỹ có khả năng rất lớn thiết lập cục diện có lợi cho nước này.
Sự lựa chọn tất yếu
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Narendra Modi đề xuất phải “xây dựng một Ấn Độ hùng mạnh, tự lập và tự tin”, tuyên bố xác định lại vai trò của Ấn Độ trong cục diện thế giới, nhưng lại có thái độ không rõ ràng đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 30/5/2019, Thủ tướng Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2, nhiều lần đưa ra khái niệm và mục tiêu cầm quyền trong nhiệm kỳ mới, nhấn mạnh “sẽ xây dựng một Ấn Độ mới hùng mạnh và bao dung, Ấn Độ mới sẽ phát triển với tốc độ nhanh nhất”.
Về khách quan, nhu cầu địa chiến lược của Ấn Độ có nhiều điểm chung với chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau hơn.
Thủ tướng Modi tuyên bố đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế có GDP đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2024. (Nguồn: Spillednews) |
Thủ tướng Modi nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại, cơ bản thiết lập mục tiêu cầm quyền – xây dựng Ấn Độ mới như nhiều lần tuyên bố sẽ đưa quy mô kinh tế Ấn Độ tăng gấp đôi trong 5 năm tới, đến năm 2024 trở thành nền kinh tế có GDP đạt 5.000 tỷ USD. Ông Modi cũng cam kết trong 5 năm tới sẽ xác định vai trò mà Ấn Độ cần phải có trong trật tự thế giới, cụ thể, thúc đẩy vị thế quốc tế của Ấn Độ, trở thành một nước lớn có quyền phát ngôn và vai trò trên thế giới.
Ấn Độ mới mà Thủ tướng Modi muốn xây dựng, ít nhất bao gồm 3 mục tiêu cần phải thực hiện ở trong và ngoài nước là cường quốc kinh tế, nước lớn quân sự và nước lớn trên thế giới, trong đó kinh tế là mục tiêu chính. Hiện nay, Ấn Độ vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, có tiềm năng để trở thành nước lớn hàng đầu thế giới, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ rõ ràng là đang có dấu hiệu chậm lại và có rủi ro suy thoái.
Chính phủ mới đã giảm mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 7,2% trước kia xuống 7%. Đồng thời, những năm gần đây, tuy Ấn Độ rất nỗ lực để trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng vẫn chưa thành hiện thực.
Để thực hiện tham vọng này, chỉ dựa vào sự nỗ lực của Ấn Độ là điều không thể, nhưng dựa vào nguồn vốn, thị trường, hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ, sức lan tỏa và ảnh hưởng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là lựa chọn tất yếu của Thủ tướng Narendra Modi.