📞

'Trọng nam, khinh nữ': Định kiến lỗi thời!

Công Thành 10:00 | 08/03/2024
Gốc rễ của vấn đề là do sự “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt Nam, từ khi chuẩn bị kết hôn đến khi đã có con.
Dù xã hội đã văn minh hơn nhiều, vẫn còn một bộ phận nặng nề định kiến giới. Ảnh minh họa.

Vợ chồng tôi đón bé trai đầu lòng cuối năm 2022. Lúc đưa bé đến phòng chụp ảnh lưu niệm của bệnh viện, bạn nhân viên ‘buôn chuyện’: “Mấy hôm nay bọn em chụp toàn là bé trai. Hiếm lắm mới có một cô công chúa”.

Tôi có một nhóm bạn thân năm người. Giữa năm 2023, chúng tôi đón em bé thứ bảy của nhóm. Thật bất ngờ, cả bảy nhóc đều là bé trai, dù chúng tôi không hề lựa chọn giới tính thai nhi. Chúng tôi tự gọi mình là “Hội thèm con gái”. Nghe thì vui đấy nhưng tôi cứ dấm dứt lo “tỷ lệ chọi” của con mình khi đến tuổi kết hôn.

Theo công bố của Học viện Phụ nữ Việt Nam vào tháng 6/2023, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (SRB) tại Việt Nam đang ở mức khá nghiêm trọng (115,5 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, có sáu tỉnh có SRB rất cao trên 120/100 bé gái gồm Bắc Giang (126,8/100), Hà Nam (125,3/100), Hưng Yên (123,6/100), Sơn La (121,8/100), Hòa Bình (121,8/100) và Bà Rịa - Vũng Tàu (121,1/100).

Vấn đề nghiêm trọng hơn là Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia hiếm hoi chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên (110/100), tức là các gia đình đã nghĩ đến lựa chọn nam - nữ ngay ở lần sinh đầu. Đặc biệt, tỷ lệ này cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả.

Gốc rễ của vấn đề là do sự “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt Nam, từ khi chuẩn bị kết hôn đến khi đã có con. Thậm chí, đến tận lúc chết, người ta vẫn còn nói với nhau: Có “thằng chống gậy” thì mới yên lòng.

Còn nhớ năm 2020, một nữ sinh giành chiến thắng ở Đường lên đỉnh Olympia bị chỉ trích vì giơ hai tay lên trời ăn mừng. Cô bé bị chê là tự tin thái quá, không tôn trọng đối thủ. Tuy vậy, ở một trận bóng đá nam, khi cầu thủ ghi bàn và ăn mừng tương tự. Hành động đó lại được ca ngợi với các “mỹ từ” như ngạo nghễ, lừng lững, bùng nổ...

Sự việc ấy, một lần nữa cho thấy, dù xã hội đã văn minh hơn nhiều, vẫn còn một bộ phận nặng nề định kiến giới. Sự định kiến đến từ những suy nghĩ nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hằng ngày. Bé trai mặc áo xanh, chơi ô tô; bé gái mặc áo hồng, chơi búp bê. Ngay cả đến chuyện mếu máo của trẻ, nhiều người cũng dạy rằng: “Mình là con trai phải cứng cỏi, sao lại khóc nhè như bọn con gái“.

Như một vòng tuần hoàn, những lời nói và suy nghĩ vô tình của người lớn khiến nhiều trẻ em ngay từ bé đã có cái nhìn phân biệt về giới tính. Khi lớn lên, chúng tiếp tục những định kiến trọng nam khinh nữ từ ngàn đời xưa để lại.

Đừng quên nữ cầu thủ Huỳnh Như đang là ngôi sao của một CLB tại châu Âu - điều mà chưa có nam đồng nghiệp nào làm được. Dạo một vòng mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cô gái làm barber (thợ cắt tóc nam), lái những chiếc motor PKL hay vác những chiếc máy quay đồ sộ.

Mặt khác, Việt Nam có rất nhiều nam đầu bếp, nhà tạo mẫu, chuyên viên trang điểm... nổi tiếng thế giới. Rõ ràng, quan niệm định kiến giới đã không còn phù hợp trong cuộc sống hiện đại.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.

Các gia đình vẫn miệt mài đang tìm kiếm “thằng chống gậy”, các bạn nghĩ sao về những con số này?