Ngày 9/10, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Nhà hát Lớn Hà Nội khai mạc triển lãm tài liệu lưu trữ quốc gia với chủ đề “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10. Ông Đặng Hoàng Giang, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao dẫn đầu đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tham dự khai mạc Triển lãm.
Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
70 phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật của 6 công trình gồm Nhà hát Thành phố; Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam); Sở Bưu điện Hà Nội; Trường Đại học Đông Dương ; Nha Tài chính Đông Dương (Trụ sở Bộ Ngoại giao) và cầu Doumer (Cầu Long Biên). Đây là những công trình được thiết kế và xây dựng bởi các kiến trúc sư người Pháp vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, những công trình do người Pháp xây dựng ở Hà Nội phần lớn vẫn đang được sử dụng và là những điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô. Những di sản này không chỉ có giá trị trong sử dụng mà còn có giá trị về lưu trữ với tính lịch sử và thẩm mỹ cao, tạo nên một diện mạo đô thị vừa cổ kính vừa hiện đại. Đồng thời, những công trình kiến trúc này cũng thể hiện cho dấu ấn giao thoa của hai nền văn hóa Pháp - Việt.
Phát biểu tại triển lãm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, trong gần một thế kỷ ở Việt Nam, với giấc mơ về một “thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương”, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công tình, nổi bật lên là những công sở và công trình văn hóa mang phong cách phương Tây cùng một số công trình có sự kết hợp với kiến trúc bản địa và nhiều biệt thự mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp. Kiến trúc Pháp đã trở thành di sản có giá trị về văn hóa, kiến trúc và công năng ở Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác ở Việt Nam.
Thông qua tài liệu tại triển lãm, công chúng có thể tiếp cận hình ảnh và thông tin chi tiết về các công trình lịch sử mang kiến trúc Pháp đã tồn tại hàng trăm năm tại Việt Nam. Đồng thời, việc tiếp cận các công trình thông qua bản gốc sẽ góp phần đưa ra những định hướng, bảo tồn giữ gìn các di sản ấy, nhất là trong giai đoạn thủ đô Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ và năng động, cũng như tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 9 - 27/10, tại Sảnh tầng 1, Nhà hát Lớn. Triển lãm nằm trong Chương trình tham quan lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Lớn Hà Nội.
Theo Ban Tổ chức, triển lãm sẽ tiếp tục được trưng bày tại Phố sách Hà Nội để phục vụ đông đảo công chúng có điều kiện tìm hiểu về kiến trúc Pháp và tiếp cận với nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị về các công trình này.
Tại triển lãm, các tài liệu hành chính, tài liệu thiết kế và thi công công trình trụ sở Bộ Ngoại giao đã được trưng bày. Theo đó, vào cuối năm 1924, dự án xây dựng Nha Tài chính Đông Dương được phê duyệt theo thiết kế của kiến trúc sư Ernest Hébrard với kiến trúc gần với văn hóa Á Đông, phù hợp với đặc điểm khí hậu Việt Nam. Hãng Verneuil & Gravereaud trúng thầu và thi công công trình năm 1925. Công trình được nghiệm thu chính thức năm 1928. Đây là một trong những công trình đầu tiên thể nghiệm phong cách kiến trúc Đông Dương. Ernest Hébrard cũng là kiến trúc sư tiên phong mở đầu trào lưu kiến trúc kết hợp Đông Tây với hàng loạt các công trình xây dựng Hà Nội giai đoạn 1923 - 1936. Hiện nay, công trình được dùng làm Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, số 1 Tôn Thất Đàm
|