Mỹ có chiến lược giảm dần can dự tại khu vực Trung Đông. (Nguồn: CNBC) |
Mỹ vẫn duy trì "lời hứa" ở lại?
Tại Đối thoại Manama 2021 do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức tại Bahrain ngày 20/11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cố gắng thuyết phục các đồng minh Trung Đông rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết đối với an ninh khu vực.
Ông Lloyd Austin tuyên bố: “Cam kết của Mỹ đối với an ninh ở Trung Đông được đảm bảo mạnh mẽ và chắc chắn”.
Trong bối cảnh cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan, việc cắt giảm quân số của quân đội Mỹ trong khu vực cũng như chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Washington đã làm dấy lên nhiều lo ngại.
Farhad Alaaldin, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Iraq, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Baghdad, bày tỏ: “Hiện có rất nhiều lo lắng. Các đối tác trong khu vực đang quan ngại và một vài trong số họ đang bắt đầu tìm kiếm giải pháp an toàn hơn”.
Nhiều quốc gia Trung Đông hoài nghi về cam kết của Mỹ rằng họ sẽ không rút khỏi các mối quan hệ an ninh bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh, trong lúc Washington đang tập trung vào các ưu tiên mới của thế kỷ XXI.
Tổng thống Joe Biden nhiều lần nhắc tới các ưu tiên đối ngoại hàng đầu của mình là đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Đông Á và quản lý mâu thuẫn với Nga trong vấn đề Ukraine.
Cụ thể, Lầu Năm Góc đã thực hiện các bước đi nhằm giảm bớt dấu chân quân sự của Mỹ ở Vịnh Persia và Trung Đông nhằm chuyển sự chú ý và nguồn lực sang châu Á.
Tuy nhiên, điều ngày càng trở nên rõ ràng là Mỹ, sau hai thập niên can thiệp vũ trang vào khu vực, đã để lại một loạt vấn đề dai dẳng, dẫn đến một tổn thất lớn về mặt địa chính trị, một khoảng trống để lại cho các đối thủ của Mỹ tìm cách lấp đầy.
Megan A. Stewart, Giáo sư tại Đại học American bình luận: “Nga đã có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Trung Đông và Trung Quốc đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng kinh tế thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cuối cùng, khoảng trống lòng tin do Mỹ để lại có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn cho các cường quốc toàn cầu này”.
Đặc biệt, giải quyết các vấn đề vũ khí hạt nhân với Iran là một trong những mục tiêu lớn chưa hoàn thành của Mỹ.
Một cuộc họp đa quốc gia với Iran, bao gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/11 tại Geneva. Sự kiện này nhằm hướng tới khôi phục một thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Tổng thống Biden đang có chiến lược rằng nếu đạt được một thỏa thuận mới, Mỹ sẽ giữ nguyên cam kết của mình.
Tuy nhiên, ông sẽ đảm bảo điều đó trên thực tiễn như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Thỏa thuận năm 2015 chỉ đơn giản được ký bởi cựu Tổng thống Barack Obama và sau đó, người kế nhiệm-cựu Tổng thống Trump đã dễ dàng hủy bỏ.
Trừ phi Tổng thống Biden có thể khiến Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận mới như một hiệp ước, nếu không, "số phận" của thỏa thuận cũng sẽ phụ thuộc vào hành động của tổng thống tiếp theo.
Một tên lửa do Iran công bố được phóng ở một địa điểm không xác định ở Iran tháng 8/2020. (Nguồn: Reuters) |
Những tranh chấp bỏ lại
Theo Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, chưa đầy ba tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, các nhóm khủng bố đang hồi sinh. Vào cuối tháng 10, ông nói với một ủy ban của Thượng viện Mỹ rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một mạng lưới khủng bố mà Mỹ đã cố gắng đánh bại không chỉ ở Afghanistan mà còn ở Syria và Iraq, có thể chuẩn bị tấn công Mỹ trong vòng 6 tháng.
Đối với Iraq, các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo rằng quân đội Iraq, giống như quân đội Afghanistan, vốn nhận được sự huấn luyện của Mỹ trong nhiều năm cũng không thể đối đầu với IS.
Tháng trước, Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng của Lầu Năm Góc Sean O’Donnell đã viết rằng quân đội Iraq đang cho thấy tình trạng bảo mật hoạt động kém, thiếu thông tin đáng tin cậy về các hoạt động chống lại IS, yếu kém trong kiểm soát chiến thuật và điều phối các vũ khí.
Cảnh báo được đưa ra ngay trước thông báo rằng các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq sẽ kết thúc vào năm mới.
Về vấn đề Syria, tại hội nghị ở Manama, một người tham dự đã đặt câu hỏi về sự việc hồi tháng 10 vừa qua, các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào quân đội Mỹ ở nước này, nhưng Mỹ đã không đáp trả.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin chỉ trả lời đơn giản rằng: “Mỹ vẫn duy trì quyền tự vệ vào thời điểm và địa điểm chúng tôi lựa chọn”.
Thêm nữa, chính sách xoay trục sang châu Á của Washington đã bỏ lại phía sau cuộc tranh chấp mới chớm nở giữa chính quyền Tổng thống Biden và Israel, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Tại Manama, bất đồng giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Eval Hulata và cố vấn hàng đầu của Tổng thống Biden về Trung Đông Brett McGurk nổ ra xung quanh yêu cầu tối thiểu cần thiết để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Israel muốn buộc Iran từ bỏ hoàn toàn năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Hulata đã nhấn mạnh quyết tâm cao độ của Israel để ngăn chặn điều này. Ông nói: “Israel sẽ tự vệ chống lại Iran nếu cần và chúng tôi đang chuẩn bị cho việc này”.
Trong khi đó, ông McGurk tập trung vào giải pháp ngoại giao, lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt mà không đi kèm đàm phán đã không ngăn được Iran gia tăng khả năng hạt nhân.
Tựu chung lại, có vẻ như việc bỏ lại Trung Đông đầy rắc rối phía sau sẽ là điều “nói dễ hơn làm” đối với chính quyền ông Biden.