📞

Trung Quốc ho, cả hành tinh lo

16:15 | 27/01/2020
TGVN. Mức độ lây lan của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra đang làm các cơ quan y tế trên khắp thế giới lo ngại. Nhật báo Pháp Libération đã giải mã nguồn gốc và những nguy cơ tiềm ẩn của đợt dịch lần này.    
reu
Bệnh viện Prince of Wales (Hong Kong, Trung Quốc) ghi nhận một ca nghi nhiễm coronavirus, ngày 22/1. (Nguồn: Reuters)

Dưới tiêu đề “Trung Quốc ho, cả hành tinh lo”, nhật báo Libération điểm lại : “Sự xuất hiện một chủng virus lạ đã được báo hiệu từ hôm 30/12/2019, từ nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Trong vòng ba tuần, một chủng mới trong họ coronavius ra đời, tấn công vào bộ máy hô hấp của con người. Hàng trăm người được chẩn đoán đã nhiễm bệnh khác cũng được phát hiện ở Vũ Hán và rất nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Còn hàng nghìn người khác cũng có thể đã bị nhiễm virus ở trong và bên ngoài Trung Quốc”.

Virus gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc lần này được các chuyên gia y tế thế giới định tên là “2019-nCoV”, một chủng mới rất gần với virus gây ra dịch viêm phổi cấp SARS hồi năm 2002 -2003, cũng khởi phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hoàn cảnh xuất hiện virus “2019-nCoV” vẫn còn là bí ẩn. Theo các chuyên gia, có nhiều khả năng, virus có nguồn gốc từ một loài vật sau được truyền qua người rồi đột biến.

Quy mô lây lan của bệnh thế nào ?

Theo các chuyên gia y học được nhật báo Libération trích dẫn, hiện tại chưa thể nói được gì nhiều, chỉ biết rằng việc phát hiện bệnh nhân khá phức tạp khi mà các triệu chứng bệnh cũng giống như các bệnh cúm hay viêm phổi thông thường.

Mức độ nguy hiểm của virus ?

Theo các thông tin có được, nạn nhân của dịch này chủ yếu là người cao tuổi trước khi nhiễm virus đã mắc một số bệnh kinh niên. Nói cách khác, những người có sức đề kháng yếu có nguy cơ nhiễm virus cao. Hiện tại, chưa có cách điều trị hay vaccine phòng bệnh.

Trong trường hợp bị lây nhiễm, chỉ có thể điều trị bằng tăng cường kháng sinh, và trông chờ vào khả năng tự điều chỉnh của cơ thể. Điều nguy hiểm là virus có thể đột biến và lây lan từ người sang người dễ dàng.

Lời hứa của Trung Quốc

Có vẻ như đã rút được kinh nghiệm sau đợt dịch SARS 2002-2003, khi bị cộng đồng quốc tế lên án cố che đậy thông tin làm cho dịch trở nên nghiêm trọng khiến hơn 800 người chết, lần này chính quyền Trung Quốc phản ứng và cung cấp thông tin nhanh hơn.

Tờ Le Figaro nhận xét: “Dịch không kiểm soát được, Bắc Kinh bị áp lực phải minh bạch thông tin và nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt,đợt dịch bùng phát mạnh vào giữa kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hàng trăm triệu người Trung Quốc phải di chuyển, tập trung đông đúc ở các đầu mối giao thông”.

Về phía cộng đồng quốc tế, từ châu Á, qua châu Mỹ, châu Âu đã có những phản ứng nhanh chóng, trước mắt là tăng cường kiểm soát phát hiện bệnh từ cửa khẩu và đặc biệt chú ý đến các hành khách đến từ Trung Quốc.

Hậu quả kinh tế nặng nề

Nhật báo Les Echos chú ý ở khía cạnh thiệt hại kinh tế mà trận dịch này có thể kéo theo. Theo Les Echos, nhiều chuyên gia nhìn vào những hậu quả kinh tế trong trận dịch SARS 2003 để dự tính khả năng thiệt hại của trận dịch lần này.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng nếu như trận dịch này không được kiềm chế nhanh thì chắc chắn nhiều lĩnh vực kinh tế như bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ở Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả trước tiên và sau đó là thị trường thế giới.

Ngay từ giờ, trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, các thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn. Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc, đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán.

(theo Libération)