Trung Quốc toan tính mở rộng tầm ảnh hưởng, không ngại tiến vào ‘sân sau’ của Mỹ, Washington phải lo lắng? (Nguồn: asiapowerwatch) |
Phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội, hồi đầu tháng Ba, Tướng Laura Richardson - người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Nam nước Mỹ đã đưa cảnh báo rằng, các hành động của Trung Quốc ở Nam Mỹ đang gây ra mối đe dọa đối với sự an toàn của nước này.
Theo Tướng Richardson, Bắc Kinh đang tiến bước không ngừng để thay thế Mỹ trở thành quốc gia lãnh đạo trong khu vực Mỹ Latinh và Caribbean.
Thách thức ngay "sau lưng" Mỹ
Trên thực tế, dù sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực đã tăng lên đáng kể trong thập niên qua, nhưng chưa có khả năng Bắc Kinh sẽ thay thế Mỹ trở thành cường quốc chính trị, kinh tế và quân sự thống trị ở Mỹ Latinh trong tương lai gần.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã thâm nhập vào Nam Mỹ và Caribbean - khu vực mà sức mạnh của Mỹ từng không có nguy cơ bị thách thức.
Từ cuối những năm 1990, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Nam Mỹ và Caribbean bắt đầu gia tăng, thậm chí bùng nổ theo từng năm. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng có, Bắc Kinh tìm kiếm dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác trên toàn cầu. Năm 2000, thương mại của quốc gia châu Á với khu vực này mới chỉ đạt tổng cộng 12 tỷ USD, nhưng con số này đã lên tới 314,8 tỷ USD vào năm 2021.
Năm 2023, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 9 quốc gia trong khu vực là Argentina, Brazil, Bolivia, Cuba, Chile, Peru, Paraguay, Uruguay và Venezuela.
Lâu nay, Mỹ Latinh và Caribbean vẫn được coi như “sân sau của Mỹ”, nên dù tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và khu vực rất ấn tượng, Washington vẫn là đối tác thương mại lớn nhất tại đây. Năm 2020, thương mại của Mỹ với khu vực này là 758,2 tỷ USD, lớn hơn gấp đôi Trung Quốc, tuy nhiên, 71% giao dịch này là với Mexico.
Năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và Caribe đạt tổng cộng 130 tỷ USD. Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc là bên cho vay lớn nhất trong khu vực. Các ngân hàng phát triển của nước này đã phát hành khoản vay trị giá 66,5 tỷ USD - chủ yếu dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, giúp các công ty của Trung Quốc tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Một phần nhỏ của các khoản vay này được cung cấp theo Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI).
Washington đã phải lo ngại?
Dù dấu ấn kinh tế của Trung Quốc trong khu vực đã tăng lên đáng kể, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn là những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm lần lượt 36% và 34% tổng vốn đầu tư.
Dường như chưa được thời gian ủng hộ, khi Trung Quốc phải đối mặt với suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, cũng là lúc các khoản cho vay của nước này tại khu vực trở nên hạn chế. Và khi các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh rơi vào khủng hoảng tài chính, các tổ chức phương Tây như Quỹ Tiền tệ quốc tế mới chính là nơi cung cấp phần lớn các khoản vay để khu vực điều chỉnh cơ cấu, chứ không phải Trung Quốc.
Cùng với khả năng mang lại lợi ích kinh tế của Trung Quốc tới khu vực này còn “khiêm tốn”, dẫn đến những ảnh hưởng về chính trị và ngoại giao cũng trở nên không rõ ràng. Chẳng hạn, dù Bắc Kinh đã là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil trong hơn một thập niên, thì đôi khi vẫn tồn tại những tranh cãi nhất định về vai trò của nền kinh tế này trong cả chính phủ cánh tả và cánh hữu của Brasília.
Hay tại Panama, sau áp lực không ngừng của Mỹ, một số hợp đồng cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD ban đầu được trao cho các công ty Trung Quốc đã bị hủy bỏ và chuyển lại cho các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Tướng Richardson cũng cảnh báo về việc Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ cho các chế độ đối lập với Mỹ trong khu vực, bao gồm Venezuela, Cuba và Nicaragua. Nhưng trên thực tế, ngoại trừ Venezuela, đầu tư và thương mại của Trung Quốc với các quốc gia này đều rất nhỏ, so với sự hiện diện của họ ở hầu hết các quốc gia khác trong khu vực.
Trong trường hợp của Cuba và Nicaragua, đối với Trung Quốc, tình hình kinh tế và lệnh trừng phạt của Mỹ khiến các nền kinh tế này kém hấp dẫn hơn so với các đối tác khác trong khu vực.
Tất nhiên, nếu so về quốc phòng và an ninh, Mỹ vẫn đang "chắc chân" với hàng chục căn cứ và các cơ sở khác, đồng thời chắc chắn là người bảo đảm an ninh cuối cùng cho khu vực. Tuy nhiên, những thách thức trên mặt trận kinh tế đều đang gia tăng.
Hiện tại, tại khu vực này, vẫn không có cường quốc nào khác - kể cả Liên bang Nga - có thể thách thức sự thống trị về kinh tế của Mỹ. Ngoài Cuba, thương mại và viện trợ của Nga cho khu vực là không đáng kể và ảnh hưởng ngoại giao còn bị hạn chế.
Vấn đề là, trong khi hầu hết các quốc gia trong khu vực muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, họ cũng mong muốn được hưởng lợi từ các dòng đầu tư và thương mại khổng lồ của Trung Quốc.
Trước đại dịch, tổng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã đạt 314,8 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của quốc gia Đông Bắc Á vào khu vực này khoảng 130 tỷ USD và khoản cho vay phát triển ròng của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc là khoảng 66,5 tỷ USD.
Lấy năm 2000 làm cơ sở, các số liệu trong cả ba loại đầu tư trên đã tăng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, khi dòng vốn FDI và thương mại giảm nhẹ trong đại dịch, hoạt động cho vay phát triển của Trung Quốc dành cho khu vực này đã giảm xuống 0% vào năm 2020. Với hai năm hoạt động ở Mỹ Latinh và Caribe, BRI chỉ chiếm vài triệu USD trong số 43,5 tỷ USD được các ngân hàng chính sách Trung Quốc giải ngân từ năm 2015 đến 2019.
Giới phân tích nhận định rằng, dù sự hiện diện của Trung Quốc và tầm quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng tăng ở phía Nam bán cầu, nhưng để Bắc Kinh có thể nhanh chóng xây dựng hình ảnh và sự hiện diện mạnh mẽ như vậy ở Mỹ Latinh và Caribe phần lớn là do Mỹ đã bỏ bê khu vực này.
Vì vậy, giờ đây, Mỹ không còn có thể coi khu vực này hiển nhiên là “sân sau" vững vàng của mình. Có lẽ đã đến lúc, Washington nên bắt đầu coi Mỹ Latinh là "sân trước".