📞

Trung Quốc tiếp tục ý đồ phi pháp tại Biển Đông

Nhật Linh 17:56 | 29/03/2022
Thông qua hoạt động tập trận dài ngày, Trung Quốc có ý định mở rộng thăm dò trên khắp các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tàu đổ bộ Trung Quốc trong một cuộc tập trận gần đây ở Biển Đông.

Chưa từ bỏ tham vọng

Từ ngày 4-15/3, Trung Quốc thực hiện cấm biển, phục vụ cho hoạt động tập trận tại cửa Vịnh Bắc Bộ có phần lấn sang EEZ của Việt Nam (theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí ngày 7/3, một phần khu vực thông báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982). Từ ngày 19/3-9/4, Trung Quốc tiếp tục cấm biển để phục vụ tập trận.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tập trận lấn vào EEZ của Việt Nam và duy trì liên tiếp 2 lần tập trận như vậy, tạo nên một cuộc tập trận dài ngày (hơn 1 tháng) và có phạm vi tương đối rộng. Đáng chú ý, trong hai cuộc tập trận liên tiếp, các tàu khảo sát Thám Tác 1, Thám Tác 2, Hải Dương Địa Chất 6 của Trung Quốc đã có mặt trong khu vực tập trận.

Việc các tàu khảo sát Trung Quốc hiện diện trong khu vực cấm biển là điều hiếm thấy và có thể đang thực hiện hoạt động tìm kiếm, trục vớt xác máy bay Y-8.

Tuy nhiên các hoạt động và kết quả thăm dò của tàu khảo sát Trung Quốc đa số đều được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau, điển hình trong lần này một phần là tìm kiếm xác máy bay Y-8 nhưng phần khác có thể là để thu thập thông tin về tình hình đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vùng biển cấm di chuyển trong cuộc tập trận lần này bám sát tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" (phi pháp) của Trung Quốc, điều này khác với hiện tượng trong thời gian gần đây nước này không tuyên truyền hoặc nhắc đến nhiều khái niệm “đường lưỡi bò”.

Phạm vi tập trận lần này cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ yêu sách phi pháp - "đường lưỡi bò".

Việc Trung Quốc thiết lập vùng cấm biển để huấn luyện quân sự đồng thời đưa tàu thăm dò khảo sát vào sẽ khiến tàu thuyền chấp pháp các nước khó tiếp cận vì vấp phải sự ngăn chặn từ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc. Bởi việc khảo sát của các tàu và giàn khoan tạiBiển Đông sẽ được lực lượng Hải cảnh, dân binh hoặc thậm chí là Hải quân của Trung Quốc yểm trợ.

Với nhu cầu về tài nguyên, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thăm dò khảo sát tại khu vực Biển Đông, và thậm chí nước này sẽ thực hiện những cuộc khảo sát bí mật hơn trong những vùng biển cấm, bất chấp sự phát triển của hệ thống vệ tinh theo dõi và AIS được sử dụng phổ biến hiện nay.

Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang và sẽ thông qua các cuộc tập trận để mở rộng khảo sát trên khắp các vùng EEZ của những nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Kể cả khi việc Y-8 bị rơi là một sự cố phát sinh thì Trung Quốc cũng sẽ tận dụng sự cố đó để tạo ra những tiền lệ tại Biển Đông như cấm biển tập trận trong vùng EEZ của nước khác; điều tàu thăm dò hoạt động trong vùng cấm biển.

Vi phạm UNCLOS 1982

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các hoạt động thăm dò tại EEZ của nước khác cần phải có sự chấp thuận của nước đó, tuy nhiên những hoạt động trong EEZ các nước khác của Trung Quốc hầu như không xin phép và đều bị các nước lên tiếng phản đối, chỉ trích và yêu cầu giải trình.

Điển hình như vụ các tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm EEZ Việt Nam (HD08 năm 2019, HD04 năm 2020), Malaysia (HD08 năm 2020) và Indonesia (Hướng Dương Hồng, HD10 năm 2021).

Không chỉ vậy, tàu khảo sát Trung Quốc còn thường xuyên vi phạm EEZ của các nước tại Nam Thái Bình Dương như đảo Guam (Mỹ), New Guinea, phía Bắc biển Australia… Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang coi thường và không tôn trọng các quy định trong UNCLOS 1982 nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung.

Đối với vụ việc tập trận tại EEZ của Việt Nam đầu tháng 3, trả lời báo chí ngày 7/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông".

Các nước khác trong khu vực cũng lên tiếng trước những lần Trung Quốc hoạt động khảo sát trong vùng EEZ của họ.

Các học giả quốc tế cho rằng Trung Quốc tận dụng số liệu khảo sát để lập bản đồ các nguồn tài nguyên phi sinh học trong EEZ các nước; vẽ bản đồ đáy biển tại khu vực Biển Đông để các tàu ngầm của nước này có thể dễ dàng di chuyển và hoạt động mà không phải lo ngại về va chạm với các địa hình đáy biển như vụ tàu ngầm USS Connecticut của Mỹ.


* Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.