Cả Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã có tiềm năng trở thành những đối tác chiến lược của Iran. (Nguồn: Iran Daily) |
Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), và theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Iran, Tehran đang bắt đầu quay sang Trung Quốc và Ấn Độ để tìm cách “lách” những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Đáp lại, Mỹ đang cố gắng ngăn Iran tiếp cận các nguồn lực của Trung Quốc và Ấn Độ để gây áp lực buộc Iran quay lại bàn đàm phán.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã có tiềm năng trở thành những đối tác chiến lược của Iran, nhưng những nỗ lực thiết thực để thiết lập mối quan hệ đối tác như vậy vẫn bị Mỹ phá hoại. Tuy nhiên, ý tưởng đối tác chiến lược vẫn tồn tại do những yếu tố địa chính trị và địa kinh tế liên kết Trung Quốc và Ấn Độ với Vịnh Ba Tư, Afghanistan và Trung Á.
Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng
Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Tehran. Trung Quốc vẫn nhập khẩu dầu của Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời, có tin tức rò rỉ tiết lộ về các cuộc đàm phán liên quan đến khoản đầu tư tiềm năng trị giá 280 tỷ USD của Trung Quốc vào ngành công nghiệp dầu khí Iran.
Việc thay thế đồng USD bằng đồng nhân dân tệ như một loại tiền giao dịch đã tạo điều kiện cho sự hợp tác thương mại và tài chính Trung Quốc-Iran. Để đối phó với chính sách ngăn chặn của Mỹ, Trung Quốc dựa vào Iran để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Phần lớn hoạt động nhập khẩu dầu của Trung Quốc hiện đang đi qua Eo biển Malacca do các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á kiểm soát. Trung Quốc có thể khắc phục tình trạng này nếu dầu khí Iran được kết nối với đường ống cảng Gwadar ở Pakistan.
Điều này cũng lý giải việc Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào sự phát triển của cảng Chabahar ở phía Đông Nam Iran mà từ đó, Bắc Kinh có thể tiếp cận Afghanistan, Trung Á và Nga.
Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào sự phát triển của cảng Chabahar ở phía Đông Nam Iran để có thể tiếp cận Afghanistan, Trung Á và Nga. (Nguồn: Iran Daily) |
Iran cũng muốn Ấn Độ hỗ trợ để chống lại áp lực của Mỹ. Ấn Độ đi trước Trung Quốc trong việc thiết lập quan hệ chiến lược mang tính xây dựng với Iran. Trong những năm 2000, quan hệ Iran-Ấn Độ đã trải qua những tiến bộ chưa từng có, dẫn đến việc Ấn Độ cam kết đầu tư vào Iran. Trước đó, Iran đã cố gắng đối trọng với Mỹ sau khi nước này liệt Iran, Iraq và Triều Tiên vào danh sách “trục ác quỷ” (ám chỉ các quốc gia tài trợ cho khủng bố và sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt).
Việc Mỹ xâm lược Iraq sau khi “can thiệp quân sự” vào Afghanistan đã báo động hơn nữa cho Iran và thúc đẩy nước này tăng cường quan hệ với những cường quốc hạng hai, bao gồm Ấn Độ. Ấn Độ nhận thấy việc phát triển quan hệ với Iran là có lợi. Hành lang giao thông Bắc-Nam quốc tế có thể kết nối Ấn Độ với Trung Á và Nga, và Iran có thể giúp ảnh hưởng của Ấn Độ ở Biển Arab gia tăng. Những lý do chiến lược và kinh tế để Iran và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác vẫn luôn hiện hữu. Ấn Độ có những lợi ích chiến lược trong việc phát triển quan hệ với Iran và là nhà đầu tư lớn nhất cho sự phát triển của Chabahar.
New Delhi miễn cưỡng hơn
Về lý thuyết, hợp tác Ấn Độ-Iran có thể dễ dàng hơn hợp tác Trung Quốc-Iran. Washington ngày càng khoan dung hơn đối với mối quan hệ sâu sắc của Ấn Độ với Iran bởi lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương, Biển Arab và Vịnh Ba Tư sẽ trở nên tốt nhất nếu Ấn Độ và Iran hợp tác.
Trong bối cảnh quân đội Mỹ đang rút khỏi Afghanistan, Ấn Độ có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ bằng cách chống khủng bố và củng cố chính quyền trung ương ở Kabul. Điều này sẽ khó đạt được nếu Ấn Độ không thể tiếp cận Afghanistan một cách dễ dàng. Nhắc đến sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Pakistan, Iran vẫn là con đường tốt nhất kết nối Ấn Độ với Afghanistan. Điều này giải thích cho việc Mỹ quyết định từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động đầu tư của Ấn Độ ở Chabahar.
Ấn Độ sẽ không gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Mỹ vì mục đích giữ gìn tình hữu nghị với Iran. (Nguồn: The Statesman) |
Tuy nhiên trên thực tế, Ấn Độ đang thể hiện sự miễn cưỡng khi hợp tác với Iran sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Ấn Độ đã ngừng mua dầu của Iran vào tháng 5/2019 và giảm ngân sách phân bổ cho sự phát triển của Chabahar.
Các thỏa thuận tài chính để tạo thuận lợi cho thương mại giữa Iran và Ấn Độ đang thay đổi, có nghĩa là việc nhập khẩu thuốc, thực phẩm và các mặt hàng khác của Ấn Độ sẽ trở nên khó khăn hơn đối với Iran. Vấn đề chính là các nhà cung cấp thiết bị mà Chabahar cần không sẵn sàng giao hàng vì họ sợ ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ với Mỹ.
Tehran tin chắc rằng Ấn Độ không phải là đối tác họ cần để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ấn Độ có được vị thế quyền lực đang gia tăng, một phần là do mối quan hệ ngày càng gần gũi với Mỹ. Cho dù Iran có giá trị như thế nào đối với Ấn Độ, New Delhi sẽ không gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Washington vì mục đích giữ gìn tình hữu nghị với Tehran.
***
Mặc dù Iran nhận thức rõ rằng Bắc Kinh cũng sẽ không hy sinh mối quan hệ với Mỹ vì mối quan hệ đối tác với Iran, nhưng họ vẫn tin Trung Quốc sẽ hỗ trợ Iran mạnh mẽ hơn Ấn Độ. Việc Trung Quốc vẫn giao thương với Iran và mua dầu Iran là bằng chứng cho điều đó. Từ góc nhìn của Iran, sự trỗi dậy của Trung Quốc khá khác biệt so với sự trỗi dậy của Ấn Độ. Sự phát triển kinh tế và quân sự của Ấn Độ đóng góp nhiều hơn vào việc giữ gìn hiện trạng quốc tế thân Mỹ, trong khi trỗi dậy của Trung Quốc được cho là để giành lấy vị thế toàn cầu của Mỹ và hướng tới sự phân phối quyền lực cân bằng toàn cầu.
Tuy nhiên, dư luận Iran không ủng hộ một mối quan hệ đối tác khăng khít với Trung Quốc. Nếu mối quan hệ Trung Quốc-Iran phát triển căn bản và nhanh chóng, Chính phủ Iran có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân của mình rằng sự độc lập với phương Tây mà họ rất khó khăn mới làm được sẽ không biến thành sự phụ thuộc vào Trung Quốc.