Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam Kendra Rinas. (Ảnh: Thu Trang) |
Bên lề Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) tại Hà Nội ngày 18/12 vừa qua, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam Kendra Rinas đã chia sẻ cảm nhận của bà về nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn của Việt Nam cũng như cam kết đồng hành của IOM trong quá trình này.
Xin bà chia sẻ cảm nhận về nỗ lực triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM của Việt Nam?
Mặc dù tôi mới nhận nhiệm vụ tại Việt Nam được khoảng 5 tuần nhưng tôi đã vô cùng ấn tượng về những công tác mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện để triển khai Thỏa thuận GCM.
Việt Nam nằm trong số rất ít các nước có kế hoạch toàn quốc để triển khai Thỏa thuận GCM. Đây là một thỏa thuận mang tính đa dạng và cần sự tham gia của rất nhiều các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương để chung tay thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người.
Một trong số những điểm nổi bật ở trong việc triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam có thể kể đến chính là việc thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi (Luật số 69) năm 2020 và mới đây, Quốc hội đã thông qua Thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao vừa qua đã công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023. Đây đều là những chính sách rất quan trọng. Đặc biệt, hồ sơ di cư có thể cung cấp những số liệu giúp các cơ quan lập pháp hình thành chính sách thúc đẩy di cư an toàn.
Ngoài ra, trong sự kiện hôm nay, chúng ta có thể thấy ở cấp tỉnh/thành, địa phương cũng có những kế hoạch riêng để thúc đẩy di cư an toàn và đẩy lùi nạn di cư bất hợp pháp. Tôi đã được nghe các địa phương chia sẻ, trao đổi về các cách truyền thông để giúp người dân hiểu hơn về những nguy cơ của của di cư trái phép, đồng thời tuyên truyền về những chương trình lao động để giúp người dân tìm ra được những chương trình lao động hợp pháp phù hợp với mình.
IOM cam kết sẽ đồng hành cùng với tất cả cơ quan của Chính phủ, cho đến các tỉnh/thành, địa phương để giúp Việt Nam có thể triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023. (Nguồn: IOM) |
Bà có thể cho biết một số hỗ trợ của IOM dành cho Việt Nam trong quá trình triển khai Thỏa thuận GCM?
Như tôi đã chia sẻ, sự phối hợp đồng nhất từ cấp Trung ương cho đến địa phương chính là yếu tố then chốt để triển khai Thỏa thuận GCM.
Chính vì vậy, IOM đã hỗ trợ Việt Nam về công tác tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ Trung ương và địa phương, giúp họ hiểu hơn về di cư và di cư an toàn, đồng thời tìm ra phương thức để quản lý di cư hiệu quả và thúc đẩy di cư an toàn tại địa phương. Ngoài ra, IOM cũng hỗ trợ các địa phương trong công tác truyền thông về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người.
Và một điều quan trọng nữa là IOM đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo ra những diễn đàn, đưa tất cả các cơ quan, bộ, ban, ngành thực hiện công tác về về di cư, cùng ngồi lại để có thể trao đổi, chia sẻ về thuận lợi và khó khăn, để từ đó đưa ra được những phương thức hiệu quả để thúc đẩy di cư an toàn.
Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc đối thoại với các nước về vấn đề di cư, đặc biệt là các nước mà có chung đường biên giới với Việt Nam như Campuchia; kết nối Việt Nam với các đối tác như Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc để trao đổi về lao động di cư có hợp đồng; hay Anh để tìm ra phương án giảm thiểu di cư không an toàn.
Theo bà, Việt Nam cần đẩy mạnh những biện pháp gì trong tương lai để triển khai hiệu quả hơn nữa Thỏa thuận GCM?
Theo tôi, Việt Nam cần lưu ý những thách thức đến từ sự tồn tại trong khu vực của những băng nhóm tội phạm lừa đảo người dân với việc nhẹ, lương cao và bóc lột sức lao động của họ.
Để đẩy lùi những cái thách thức đó thì chúng ta rất cần những chương trình như Hội nghị hôm nay, nơi mà tất cả các cơ quan, bộ, ban, ngành cùng ngồi lại chia sẻ thông tin, bàn bạc tìm ra sáng kiến để đẩy lùi di cư bất hợp pháp, tránh cho người di cư rơi vào những cạm bẫy bị mua bán hay bóc lột sức lao động. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường truyền thông để cho mọi người đều hiểu về di cư và di cư an toàn.
Điều quan trọng nhất để thiết lập ra những chính sách thúc đẩy di cư an toàn chính là việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về di cư, để có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Trên cơ sở những dữ liệu đó, các nhà lập pháp có thể đưa ra những chính sách tốt hơn thúc đẩy di cư an toàn.
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu thông qua Hồ sơ Di cư và tôi cũng khuyến khích các bạn tiếp tục triển khai, duy trì sáng kiến này để giúp thiết lập những chính sách tốt hơn cho người di cư.
Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự ngày 18/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Thu Trang) |
Như bà chia sẻ rằng mình mới nhận công tác ở Việt Nam cách đây không lâu, vậy bà sẽ dành những ưu tiên gì trong thời gian ở đây trên cương vị Trưởng Phái đoàn IOM?
Trước hết phải khẳng định rằng hiện nay chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam nhờ các cán bộ của Phái đoàn IOM. Do đó, mục tiêu của tôi là hỗ trợ các đồng nghiệp của mình để có thể tăng cường, thắt chặt mối quan hệ đã có và tiếp tục hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành Việt Nam để tìm hiểu về những thách thức chúng ta đang phải đối mặt và triển khai công tác thúc đẩy di cư an toàn.
Một trong những ưu tiên của tôi là hỗ trợ Việt Nam tăng cường hơn nữa hợp tác xuyên biên giới, bảo đảm quyền cho người lao động di cư.
Chúng ta đều hiểu rằng, di cư thì mang lại lợi ích rất là lớn vì những người di cư khi ra nước ngoài sẽ gửi kiều hối về cho quê hương của họ và đóng góp cho sự phát triển của nước tiếp nhận cũng như quê hương. Nhưng đồng thời, người di cư cũng phải đối mặt với rất nhiều cái thách thức như bị mua bán người và bị lừa vào những nơi bóc lột sức lao động.
Do đó, mục tiêu chung của tôi với cương vị là Trưởng Phái đoàn của IOM là giúp Việt Nam đẩy lùi vấn nạn này.
Xin cảm ơn bà!
Trưởng Phái đoàn IOM Kendra Rinas (thứ 5 từ phải sang) mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường hơn nữa hợp tác xuyên biên giới, bảo đảm quyền cho người lao động di cư. (Nguồn: IOM) |