📞

TS. Cù Văn Trung: Để 'thổi làn gió mới' cho chất lượng giáo dục, yếu tố dân chủ là then chốt

Nguyệt Anh 13:40 | 04/10/2022
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đào tạo giáo dục cho rằng, mục tiêu cuối cho sự thành công của việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà là hình thành được nguồn nhân lực có chất lượng, có bản sắc, hấp dẫn và thu hút các đối tượng sử dụng.
TS. Cù Văn Trung nêu quan điểm, để có thể thúc đẩy, tiếp lửa và thổi một làn gió mới cho chất lượng giáo dục thì yếu tố dân chủ là then chốt. (Ảnh: NVCC)

Người thầy dẫn dắt người học đến các nền tảng tri thức cao hơn

Có ý kiến cho rằng, để chấn hưng nền giáo dục và đào tạo, nên bắt đầu từ người thầy. Ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ, nếu giao trọng trách gọi là chấn hưng nền giáo dục và đào tạo cho người thầy, e rằng hơi quá lớn với họ. Bởi đấy là việc “quốc gia đại sự” không chỉ của một ngành giáo dục mà còn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Những người thầy là lực lượng trực tiếp nhất, gần gũi nhất trong việc khai triển các chính sách, chương trình trong tổng thể nhiều mục tiêu, định hướng và đường lối phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Trên thực tế, họ có vị trí và vai trò quan trọng trong việc giảng dạy, truyền bá tri thức, kinh nghiệm cho các thế hệ học trò.

Chính họ là những người hằng ngày, hằng giờ gần gũi, tiếp xúc, hướng dẫn, dạy dỗ học sinh, sinh viên. Vì vậy, người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, thói quen và hành động của người học. Họ cũng được xem là hình mẫu, tiêu chuẩn của phần đông các thế hệ học trò.

Nếu chấn hưng nền giáo dục và đào tạo ở công đoạn người thầy thì chúng ta có quyền kỳ vọng sẽ giải quyết được tương đối về phần vỏ của vấn đề (hành động, tấm gương) và dần dần chuyển hóa thêm phần lõi (chương trình, nội dung, kiến thức học phần).

Người thầy có tác động lớn và là điểm giao thoa, dẫn dắt người học đến các nền tảng tri thức cao hơn. Để có một thế hệ tương lai tốt thì người thầy phải nắm được tinh thần trong việc truyền thụ chân lý. Đó là phải làm sao cho người học vượt qua được cái bóng của mình.

Vì chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo ra một thế hệ có tư duy phủ định lại cái cũ, cái lạc hậu, không lệ thuộc và định kiến về bất kỳ cái gì mình đã tiếp thu. Điều này có nghĩa đưa người học đến trạng thái liên tục tìm kiếm cái đúng, khát khao tri thức.

Mục tiêu cuối cho sự thành công trong việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà là hình thành được nguồn nhân lực có chất lượng, có bản sắc, hấp dẫn và thu hút các đối tượng sử dụng lao động.

Tôi cho rằng, hiện nay, những người thầy, nếu xét về kinh nghiệm, trình độ và năng lực truyền tải kiến thức, phải khẳng định họ rất giỏi. Ngoài việc tiếp tục nâng cấp mình hơn nữa lên thì người thầy cần cố gắng như một sứ giả truyền cảm hứng, khích lệ người học đam mê, ngẫm nghĩ, khai mở những khả năng suy tưởng, óc suy nghĩ tự do, năng lực sáng tạo của học trò.

Vì vậy, vai trò của người thầy trong giai đoạn hiện nay là phải khích lệ mỗi cá nhân tạo ra một cuộc “cách mạng nhỏ” trong chính bản thân của họ.

Để "thổi một làn gió mới" cho chất lượng giáo dục

Yếu tố nào đóng vai trò then chốt quyết định chất lượng giáo dục, theo ông?

Chúng ta không thể bắt cái này, cái kia phải có ngay chất lượng, có ngay bản sắc. Đấy là một quá trình chọn lọc các yếu tố phù hợp, được tôi rèn và kiểm chứng trong thực tiễn.

Muốn giáo dục có chất lượng, chúng ta phải đầu tư trên tất cả các mặt, từ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đến trường lớp, đến cải tiến, sửa đổi nội dung chương trình và hình thức, phương pháp giảng dạy… Tất cả những cái đó phải được hoàn thiện dần dần và cần có thời gian.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục từ đường lối, cơ chế, chính sách đến tác động của toàn cầu hóa, của quá trình chuyển đổi nền kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước cũng như tư duy, nhận thức, mong chờ của người dân.

Trong một bối cảnh đa chiều như thế, chất lượng giáo dục sẽ được đo đếm, cân đong bằng những hệ tiêu chí mới, đòi hỏi mới cao hơn, đẳng cấp hơn. Tuy nhiên, chủ thể quan trọng nhất vẫn là con người, từ người đứng đầu của ngành đến những giáo viên, nhân viên công tác trong ngành giáo dục.

Để có thể thúc đẩy, tiếp lửa và thổi một làn gió mới cho chất lượng giáo dục, yếu tố dân chủ là then chốt. Dân chủ trong giáo dục ở mọi cấp là chìa khóa đem lại nhiều năng lượng, nguồn cảm hứng và nhiệt huyết cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, Nhật Bản, họ có chính sách ưu tiên gì cho giáo dục và chúng ta có thể học được gì?

Nếu tham khảo các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, chúng ta sẽ có nhiều bài học hữu ích. Bởi các nước này có quá trình thể nghiệm nhiều mô hình giáo dục qua các thời kỳ phát triển.

Ở Phần Lan, họ ưu tiên cho giáo viên như lương và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo rất bài bản. Ngay từ cấp phổ thông, nhà trường đã có rất nhiều tiến sĩ chất lượng được biên chế giảng dạy.

Tại quốc gia Bắc Âu này, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, mỗi người cũng là các nhà giáo dục học. Do đó, tư tưởng giáo dục, hành vi và các phương pháp giáo dục của họ dựa trên các cơ sở khoa học của tâm lý học, xã hội học, triết học…

Với những tri thức tổng hợp, liên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như vậy, giáo viên như một nhà tư tưởng nhỏ và học sinh cũng là các nhà tư tưởng của chính mình. Học sinh ở phương Tây nói chung và ở Phần Lan nói riêng có óc phê phán, năng lực suy tưởng và xử lý vấn đề bằng nhiều cách.

Trong khi đó, Nhật Bản ưu tiên việc giáo dục hình thành nhân cách và phẩm chất con người ngay từ khi học sinh còn rất nhỏ. Đó là một trật tự, có tôn ti và tính kỷ luật cao.

Với một đất nước chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, Nhật Bản đã tạo lập cho mình một nền giáo dục đề cao việc “tu thân” theo phương pháp của Nho giáo kết hợp với tư tưởng giáo dục tiến bộ phương Tây là coi trọng giá trị cá nhân.

Do vậy, họ đào tạo được con người có trình độ, năng lực, phong cách của hai nền văn hóa Á-Âu. Đây là lý do mà lực lượng lao động của nước này có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Từ những dữ liệu có tính chất lược khảo trên đây, chúng ta tự tin hơn trong việc tiếp tục ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục dựa trên phương châm đào tạo ra những con người vừa hồng, vừa chuyên.

Một mặt, đề cao tính dân tộc, bản sắc văn hóa của con người Việt Nam, củng cố mạnh mẽ nền tảng nhân cách, tính cách trước khi lĩnh hội các tri thức tân tiến của nhân loại. Mặt khác, tiếp tục tiếp thu các phương pháp giáo dục thiên về đào tạo kỹ năng, khai phóng và thực hành nhiều hơn nữa cho học sinh, sinh viên.

Nếu kết hợp hài hòa các yếu tố “con người cá nhân” mang màu sắc phương Tây và “con người cộng đồng” mang màu sắc phương Đông, tôi tin chắc trong tương lai, Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động có khả năng thích ứng cao, năng động, sáng tạo, có tính kỷ luật, đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.

Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là một loại hàng hóa có giá trị và được săn đón trong nền kinh tế chuyển đổi. (Nguồn: VGP)

Giải phóng tâm tư của giáo viên

Theo ông, làm sao để ngành giáo dục và đào tạo phát triển theo quỹ đạo đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra?

Việc đổi mới giáo dục và đào tạo đã được Đảng và Nhà nước ta đề ra từ lâu, nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới, cải cách trong lĩnh vực này nên nhiều chủ trương, chính sách được ban hành trong thực tế.

Lĩnh vực giáo dục cùng với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và chính trị tiếp tục được đổi mới trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa hiện nay. Dù muốn hay không, ngành giáo dục cũng không nằm ngoài xu thế phải thay đổi theo hướng tiến bộ và tích cực. Do đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, lĩnh vực này sẽ đi theo quỹ đạo của sự đổi mới và sáng tạo.

Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là một loại hàng hóa có giá trị và được săn đón trong nền kinh tế chuyển đổi. Các nhà trường, các lực lượng của ngành giáo dục đang cải tiến một cách âm thầm, vận động tịnh tiến theo chiều đi lên. Chúng ta chỉ cần tiếp tục kiên trì, có niềm tin và sự lạc quan cùng sự đồng thuận xã hội, mục tiêu trên sẽ đạt được.

Tựu chung lại, đây là vấn đề mà tất cả các lực lượng trong xã hội, Nhà nước phải bắt tay vào làm trên tinh thần và sự đoàn kết vì mục tiêu làm sao những thế hệ tương lai có chất lượng, có trình độ. Tôi cho rằng, ngành giáo dục phải kêu gọi sự đồng thuận hơn nữa, tạo sự đoàn kết và dân chủ hơn nữa trong lĩnh vực này.

Đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ con người, do đó, phải tạo điều kiện tốt nhất về môi trường làm việc và thu nhập để người thầy toàn tâm toàn ý cho giáo dục cũng như phát huy tính sáng tạo? Ông có khuyến nghị gì?

Đúng là điều kiện làm việc và thu nhập cho đội ngũ nhà giáo ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, chính sách về lương, thưởng là mối quan tâm hàng đầu của các thầy cô. Nhiệm vụ của việc cải cách chế độ tiền lương, điều kiện làm việc của viên chức, công chức đang nằm trong lộ trình mà Đảng và Nhà nước ta sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Với thực tế như thế, hằng ngày, chúng ta vẫn được chứng kiến những cống hiến, hy sinh và đam mê của nhiều nhà giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Do đó, chúng ta vẫn có niềm tin, niềm tự hào và niềm vui đối với sự nghiệp trồng người mà các nhà giáo đang đảm đương. Trong khi chờ đợi những cải thiện về mặt kinh tế thì chúng ta cố gắng làm cho đời sống tinh thần, môi trường sư phạm trở lên phong phú.

Như tôi đã đề xuất, cần phải tạo ra một không khí thật sự dân chủ, đề cao giá trị, vai trò và tiếng nói của người thầy. Một môi trường giáo dục lành mạnh, những góp ý tâm huyết đúng đắn được lắng nghe, thi hành sẽ tạo ra được nguồn hứng khởi và năng lượng cống hiến. Điều này các thầy, cô vượt qua những khó khăn, áp lực của công việc và cuộc sống một cách dễ dàng nhất.

Sự cảm thông và chia sẻ trong thời kỳ đất nước đang phát triển với nhiều bộn bề, thiếu thốn, thì không có gì khác ngoài việc phải giải phóng được những tâm tư, tình cảm và những nỗi niềm của không ít nhà giáo trong lúc này.

Xin cảm ơn ông!