TS. Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm, mọi giải pháp với giáo dục là làm sao lấy lại lòng tin trong dân chúng. |
Một nền giáo dục được coi là hoàn hảo nếu đồng thời đạt được cả 3 mục tiêu xuyên suốt của hệ thống: Chất lượng + Hiệu quả + Công bằng & Bình đẳng với mọi người.
Xét cho cùng, giáo dục giúp con người ta có khả năng lao động hiệu quả để có việc làm, thu nhập và tồn tại. Đồng thời, gáo dục giúp cho con người có những kỹ năng sống cần thiết để theo đuổi những đam mê của mình, góp phần xây dựng cuộc sống cộng đồng và xã hội ngày một tốt hơn.
Các chủ thể chính tham gia vào quá trình giáo dục đều có nhu cầu và kỳ vọng khác nhau. Gia đình và người học có nhu cầu về học vấn để có việc làm và thu nhập.
Trong khi doanh nghiệp - nơi sử dụng lao động lại cần lao động có chất lượng, năng suất cao, không phải đào tạo lại và thường muốn đầu tư ít.
Nhà nước lại cần một nền giáo dục hiệu quả, nhiều người được học, tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm cao, ổn định chính trị xã hội và bảo đảm an ninh đất nước, đảm bảo sự công bằng xã hội cho người dân tiếp cận các cơ sở giáo dục.
Đã có thời tư duy của chúng ta trong sản xuất phải nhanh, nhiều, tốt và rẻ. Nhưng trong giáo dục rất khó để tăng "năng suất", chất lượng mà lại đầu tư quá thấp.
Muốn chất lượng giáo dục cao phải đầu tư và quản lý nguồn lực cho tốt. Trong khi một bộ phận người dân có nhu cầu như trên nhưng không ít người muốn trả chi phí ít, muốn chất lượng cao, muốn học trường tốt, giữa cái cần và cái muốn luôn xung đột nhau.
Kể cả 3 nhóm: Người dân - doanh nghiệp - Nhà nước cũng rất khó hài hòa được cái cần và cái muốn với nhau và giữa ba nhóm với nhau...
Niềm tin giữa các nhóm có lẽ đặt vào sự công bằng và minh bạch của nền giáo dục. Niềm tin này ngày càng được củng cố bởi trách nhiệm giải trình của nhà trường, của các cơ quan liên quan đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, sự công bằng của người dân là một nhu cầu tạo ra động lực có khi vượt qua cả chi phí. Khi có niềm tin thôi thúc thêm thì người ta sẵn sàng đánh đổi mọi chi phí để có sự công bằng.
Vì sao một số gia đình khá giả và ngay cả chưa khá giả lắm nhưng vẫn có nhu cầu và muốn đưa con em ra nước ngoài học tập? Trong nhiều nguyên nhân có lẽ người ta tin vào chất lượng cũng như sự công bằng trong nền giáo dục xứ người.
Việc ra một chính sách đáp ứng nhiều mục tiêu, nhiều kỳ vọng và mong muốn của các bên là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có sự thương lượng giữa các mục tiêu... của các nhà hoạch định chính sách.
"Đã có thời tư duy của chúng ta trong sản xuất phải nhanh, nhiều tốt và rẻ. Nhưng trong giáo dục rất khó để tăng năng suất, chất lượng mà lại đầu tư quá thấp. Muốn chất lượng giáo dục cao phải đầu tư và quản lý nguồn lực cho tốt". |
Một chính sách khi ban hành cố gắng tối đa đáp ứng nhu cầu chung của các bên liên quan. Vì thế, cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro và những tác động của một chính sách.
Có thể chính sách mang lại lợi ích cho nhóm này nhưng ảnh hưởng đến lợi ích hoặc nhu cầu của nhóm khác, ví dụ về chính sách thi tốt nghiệp THPT chẳng hạn...
Việc truyền thông phản ánh chi phí tốn kém do tổ chức thi cử nhiều đợt khiến các nhà làm chính sách chưa kịp nghiên cứu thấu đáo đã vội đổi mới.
Trong sự thương lượng giữa chi phí cao (nếu có) để đạt được sự công bằng có lẽ người dân sẽ ủng hộ chính sách để có công bằng hơn… Chính phủ hoặc chính quyền địa phương nếu có thể thì hỗ trợ cho học sinh nghèo phải "khăn gói quả mướp" đi thi.
Vì thế, mọi giải pháp với giáo dục là làm sao lấy lại lòng tin trong dân chúng, khi đó người dân sẵn sàng chi trả cho một nền giáo dục có chất lượng và công bằng.
Người dân cần và muốn ở nền giáo dục đó, con em họ được đối xử công bằng trong tiếp cận vào giáo dục đại học mà không có sự phân biệt giữa các giai tầng, giữa kẻ giàu có hay người nghèo khó.
Chia sẻ chi phí trong giáo dục là cần thiết ở khá nhiều nền kinh tế và Nhà nước cần có chính sách nâng cao mức tín dụng hợp lý cho những học sinh, sinh viên nghèo như nhiều quốc gia khác. Đặc biệt ứng xử hết sức bình đẳng giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập trong quá trình hình thành chính sách và thể chế.
* TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.