TIN LIÊN QUAN | |
GS. Trương Nguyện Thành: Loạn trường quốc tế - Nhập nhằng thật giả | |
“Cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ” |
TS. Nguyễn Tùng Lâm. |
Tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương án thi THPT quốc gia từ năm 2021 - 2025 là kết hợp thi trên giấy và máy tính.
Việc áp dụng Công nghệ thông tin (CNTT) vào thi THPT Quốc gia có phù hợp với nước ta lúc này không, thưa ông?
Việc chúng ta áp dụng CNTT để đổi mới tổ chức thi cử là cần thiết, vì đây là xu hướng chung của thế giới. Nhiều người nhận định hình thức thi này sẽ vấp phải không ít khó khăn nhưng tôi nghĩ về mặt công nghệ, chúng ta vẫn khắc phục được. Điều quan trọng là chương trình cần được thí điểm, thử nghiệm ở các khâu bảo mật, kỹ thuật để đảm bảo kỳ thi an toàn và nghiêm túc.
Theo ông, đâu là ưu điểm và hạn chế của cách thi trên máy tính?
Ưu điểm của thi trên máy tính là rất khách quan và có thể biết được điểm ngay, hạn chế sự can thiệp của con người. Ngoài ra, phổ kiến thức rộng nên học sinh không “học tủ”, “học gạo” được. Nếu câu hỏi có chất lượng sẽ phát triển tư duy, khả năng phản biện của học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tinh thần phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không có chuyện các cháu không quen máy bắt thi trên máy, không có chuyện cháu dùng quen máy này bắt thi máy kia. Do vậy, phải có lộ trình nhiều năm”. |
Nhưng hạn chế lớn nhất của hình thức này là không đánh giá được đầy đủ phẩm chất, năng lực của học sinh, dễ hạ thấp yêu cầu xuống. Nếu bộ đề chưa thực sự khoa học, chưa chính xác sẽ không đánh giá được học sinh.
Cách thi này có đảm bảo khách quan, chấm dứt tình trạng "chấm lỏng", "chấm chặt", giảm bớt tiêu cực thi cử như kỳ vọng?
Do máy chấm nhưng bản chất vẫn do con người điều khiển. Bởi vậy, Bộ GD&ĐT phải tính các phương án bảo vệ, bảo mật, kiểm soát chặt chẽ ra sao để kỳ thi an toàn, nghiêm túc nhất.
Tuy nhiên, với hình thức thi trên máy tính có thể lúc đầu các em còn lạ, sau đó sẽ quen dần. Về mặt kỹ thuật đối với học sinh không khó do các em được phổ cập CNTT nên dễ tiếp cận cũng như áp dụng thực tế. Cái khó nhất là làm sao để đề thi kích thích các em học.
Vậy chúng ta phải thay đổi như thế nào để từng bước tiếp cận xu hướng thi, tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới?
Tôi rất tâm đắc với đề án học sinh được thi lại nhiều lần trong năm. Thực tế, các em học lâu nay vẫn vì bảng điểm chứ không phải vì phát triển bản thân. Nếu áp dụng thi nhiều lần sẽ kích thích khả năng ham học hỏi của học sinh hơn.
Tiêu biểu, một nước đứng đầu về giáo dục như Phần Lan thường ưu tiên phát triển năng lực học sinh và tránh việc đánh giá theo kiểu đỗ - trượt, thấp - cao. Vì vậy, tại sao chúng ta không đặt chuẩn để học sinh nỗ lực, phấn đấu?
Bộ GD&ĐT kỳ vọng, đây là bước đi tiếp theo trong lộ trình dài hơi đổi mới thi cử theo hướng tiệm cận với xu hướng kiểm tra, đánh giá của thế giới. Còn quan điểm của ông?
Thứ nhất, phải có giai đoạn thử nghiệm để đảm bảo kỹ thuật của chúng ta không trục trặc. Đồng thời, phải đánh giá lại bộ đề thi, ngân hàng câu hỏi, làm sao để phát triển năng lực của học sinh.
Tôi nghĩ, mục tiêu của đổi mới thi cử là để học sinh và thầy cô giáo học tốt hơn, dạy tốt hơn, chứ không phải đổi mới chỉ để đổi mới, không thay cái cũ bằng một cái mới.
Trong câu chuyện này, ông có đề xuất gì?
Với mục tiêu như vậy, tôi băn khoăn liệu thi trắc nghiệm có phát triển được năng lực và đánh giá đúng phẩm chất của học sinh hay không? Làm sao để ngân hàng đề giúp học sinh thi trắc nghiệm vẫn gắn với đời sống, thể hiện năng lực cá nhân?
Do đó, cần cải tiến bộ câu hỏi để đánh giá năng lực học sinh. Bộ GD&ĐT nên có nghiên cứu về khía cạnh này và đánh giá nghiêm túc, cách làm câu hỏi đã phù hợp, khoa học và đảm bảo tính giá trị cao chưa. Quan trọng là sau mỗi kỳ thi, thầy và trò cùng tiến bộ, chứ không phải dạy “mẹo”, thủ thuật để trả lời câu hỏi.
Như vậy, việc chúng ta đổi mới thi cử rất quan trọng, cần thiết nhưng không chỉ đổi mới các phương tiện, công cụ đánh giá mà phải đổi mới chất lượng, tiêu chuẩn và cách đánh giá thế nào để phát triển năng lực. Phương án nên giao cho các nhà trường đánh giá học sinh để công nhận tốt nghiệp. Tức là, nhà trường phải đánh giá đúng được phẩm chất, kỹ năng của các em. Từ đó, kết quả thi THPT mới có chất lượng, nếu không chúng ta vẫn mãi loanh quanh, luẩn quẩn với bài toán chưa giải được, đó là học sinh không phát triển được phẩm chất và năng lực của mình.
Người ta nói, trong giáo dục không phải cho học sinh biết được cái gì mà phải làm được cái gì, phải trở thành con người như thế nào? Đó là câu hỏi chung cho các nhà giáo dục chứ không phải thực trạng nhồi nhét kiến thức. Bởi theo UNESCO, chuẩn quốc tế về chất lượng giáo dục là sự thay đổi của mỗi con người chứ không phải nặng về “đếm” kiến thức như chúng ta hiện nay.
Xin cảm ơn TS!
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Thi trên giấy hay trên máy tính cũng chỉ là hình thức thi. Không máy móc nào thay thế được con người, đội ngũ khảo thí không được chuẩn bị tâm thế tốt, công nghệ tốt mà không quản lý tốt cũng khó thành công. Tới đây, Bộ sẽ rà soát, tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí trên cả nước”. |
| Nền giáo dục toàn học sinh giỏi: Mài ngọc chớ mài quá tay… Nền giáo dục Việt Nam hiện nay tìm được học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, ... |
| Giáo dục 2018 qua góc nhìn của một Nhà giáo Nhìn lại giáo dục trong năm 2018, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, điều ông trăn trở nhất chính là kỷ luật học đường ... |
| Gian lận điểm số rung động đến đạo đức Chia sẻ với báo TG&VN, PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, Đánh giá giáo dục - Viện Khoa học giáo dục ... |