TS. Trịnh Lê Anh nêu quan điểm, muốn chữa lành những "vết thương" của ngành du lịch thì cần nhìn nhận thực tế vết thương ấy nặng ở mức nào để không quá bi quan cũng không xem nhẹ. (Ảnh: NVCC) |
Ngành du lịch Việt Nam đã thiệt hại như thế nào trong gần 2 năm đại dịch Covid-19, góc nhìn của anh?
Tôi chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng du lịch Việt Nam phải gánh chịu từ Covid-19, dường như những con số vẫn chưa nói hết được sự khốc liệt của thiệt hại.
Du lịch là một trong những ngành gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19. Từ một ngành "công nghiệp không khói" tăng trưởng đạt trên 2 con số, đóng góp hiệu quả, quan trọng với 9,2% vào GDP cả nước, đại dịch bùng phát đã khiến cho ngành du lịch tê liệt.
Du lịch Việt Nam trải qua 2 năm ảm đạm với thiệt hại gần như "chạm đáy". Nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh đã khiến du lịch Việt quay trở lại mốc 30 năm trước đây.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên với 3,7 triệu lượt khách, giảm 80% so với năm 2019.
Sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã hết sức cạn kiệt. Khách nội địa năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Chưa bao giờ, số doanh nghiệp, đại lý lữ hành phải đóng cửa, phá sản, người lao động trong ngành du lịch mất việc… nhiều như giai đoạn này. Có thời điểm, gần như toàn bộ ngành du lịch ngừng hoạt động, hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc.
Tính đến nay, hơn 90% lao động trực tiếp không còn làm việc trong ngành nữa. Trong tổng số khoảng 40.000 doanh nghiệp du lịch nói chung, chỉ còn 5-10% hoạt động cầm chừng, hơn 30% đã đóng cửa, hơn 30% chuyển đổi hướng hoạt động, kinh doanh (theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam).
Ngành du lịch Việt Nam đã mang rất nhiều “vết thương” do dịch Covid-19 gây ra. Vậy theo anh, làm sao để chữa lành những vết thương ấy?
Muốn chữa lành, theo tôi phải nhìn nhận một cách thực tế những “vết thương” nặng ở mức độ nào, để không bị thái quá, bi quan trong đánh giá, cũng không coi nhẹ vấn đề.
Bản thân ngành du lịch có đặc thù là ngành kinh tế - xã hội tổng hợp, chịu ảnh hưởng và ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế - xã hội khác. Nó được coi là “hàn thử biểu” đo “nhiệt độ”, tức là sức khỏe của nền kinh tế, nên rất nhạy cảm nhưng cũng rất linh hoạt.
Du lịch suốt 2 năm qua luôn ở tình trạng “đóng”, “mở” liên tục. Mọi chính sách hay áp dụng thực tiễn trong phòng, chống dịch đều ảnh hưởng ngay lập tức đến du lịch, khi bản chất của ngành là sự dịch chuyển của "cầu" đến với "cung" bị giới hạn, gây khó và thậm chí ngăn chặn, cấm cản một cách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Khái niệm “du lịch qua màn ảnh nhỏ” vốn chỉ là tên của một chương trình giới thiệu điểm đến đơn giản trên sóng truyền hình, chưa bao giờ là một phương thức làm nghề du lịch thực sự cả. Nói đúng hơn, ngành du lịch bị “sốc” nặng.
Dẫu bị “sốc” vì bản chất dịch chuyển bị xâm phạm, nhưng ngành du lịch rất kiên cường theo đúng nghĩa: nỗ lực hỗ trợ Chính phủ phòng, chống dịch, nhận về mọi thiệt thòi khi khách hủy tour, đòi hoàn tiền, vé máy bay đã xuất, không thể nhận lại tiền, tài chính nợ đọng ngân hàng, điểm đến thay đổi quy định an toàn phòng dịch ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp dịch vụ…
Đồng thời, ngành du lịch vẫn chờ cơ hội nới lỏng giãn cách là thiết kế tour, quảng bá và triển khai, thực hiện đủ mọi chiêu “kích cầu” để tự cứu mình và cứu ngành.
"Du lịch có phẩm chất linh hoạt và hãy sử dụng tính cách này để phục hồi trên nền tảng một hệ thống chính sách yểm trợ đủ tốt từ Chính phủ. Cập nhật những bài học của thế giới, những thử nghiệm mới, cách làm hay của cộng đồng du lịch quốc tế và sáng tạo ra những cách thức phù hợp cho bối cảnh và điều kiện Việt Nam là tâm thế và cũng là kim chỉ nam cho du lịch được... chữa lành”. |
Sự thích ứng là phẩm chất và cũng là yêu cầu của ngành du lịch trong nhu cầu phục hồi và phát triển bất chấp những diễn biến còn khó lường của đại dịch Covid-19.
Quan sát diễn biến của ngành thời gian gần 2 năm qua, tôi thấy rõ các chủ thể từ những người làm chính sách, nhà quản lý, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và kể cả khách du lịch đều luôn thể hiện khát vọng được gây dựng lại các hoạt động du lịch trong mọi thời điểm có thể, rất nhanh nhạy với nỗ lực thích nghi, thử nghiệm hết cách này đến cách khác.
Tựu chung, chủ đề bàn thảo lớn nhất vẫn là chữ S quyền lực nhất của du lịch thế giới bây giờ: SAFE (an toàn). Làm sao để đi du lịch một cách an toàn là câu hỏi tưởng đơn giản nhưng không dễ trả lời ở các điểm đến khác nhau, quy mô, cấp độ và loại hình, sản phẩm du lịch khác nhau và là yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động của ngành.
Vấn đề được đặt ra lúc này là, du lịch thay đổi ra sao sau giãn cách và chúng ta cần có những kế hoạch, phương án, chính sách hỗ trợ như thế nào để du lịch có thể mở cửa an toàn trong điều kiện mới?
Trở lại với câu hỏi: Làm sao để chữa lành “vết thương” của ngành du lịch do Covid-19 gây ra? Tôi cho rằng, từ trong chính những dữ liệu nêu trên và tính cách của ngành kinh tế đặc biệt, mang tính xã hội sâu sắc này đã nêu lên câu trả lời: sự thích ứng.
Du lịch có phẩm chất linh hoạt và hãy sử dụng tính cách này để phục hồi trên nền tảng một hệ thống chính sách yểm trợ đủ tốt từ Chính phủ. Cập nhật những bài học của thế giới, những thử nghiệm mới, cách làm hay của cộng đồng du lịch quốc tế và sáng tạo ra những cách thức phù hợp cho bối cảnh và điều kiện Việt Nam là tâm thế và cũng là kim chỉ nam cho du lịch được “chữa lành”.
TS. Trịnh Lê Anh chụp ảnh cùng các bạn nhỏ châu Phi trong một chuyến du lịch trước đây. (Ảnh: NVCC) |
Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch cần thận trọng, an toàn và cũng cần lộ trình cụ thể thế nào?
Thận trọng, an toàn thì không còn phải bàn thêm về sự cần thiết nhưng cách làm thì còn nhiều bối rối. Hiện nay, toàn ngành đang tiếp tục thảo luận về dự thảo những quy định chi tiết về “du lịch an toàn” trong điều kiện của Việt Nam nhằm đáp ứng trước mắt cho thị trường khách du lịch nội địa trở lại.
Về lộ trình, cũng như thế giới, không đâu xa, từ bài học của Trung Quốc, chúng ta có thể và cần bắt đầu từ việc phục hồi du lịch nội địa một cách vững vàng, “kích cầu” mà không nhằm “giảm giá” để vừa gia tăng chất lượng, sự an toàn cho chuyến đi của khách du lịch, vừa “cứu” doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang đà kiệt quệ.
Đồng thời, từng bước mở cửa du lịch quốc tế với nguyên tắc chung toàn cầu hiện nay: áp dụng “hộ chiếu vaccine” hay "giấy thông hành vaccine" một cách thận trọng. Trên thế giới, châu Âu là khu vực đầu tiên áp dụng "hộ chiếu vaccine" nhưng cũng rất thận trọng trong việc mở cửa. Họ chỉ mở cửa biên giới từ ngày 1/7/2021 với những nước trong cộng đồng châu Âu.
Rõ ràng, "hộ chiếu vaccine" có những ưu điểm như tạo điều kiện đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhiều ngành khác phục hồi, phát triển trở lại trong điều kiện dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” cũng có những hạn chế đang được thảo luận ở các diễn đàn quốc tế liên quan đến sự bất bình đẳng trong quyền đi du lịch khi mà cơ hội tiếp cận tiêm vaccine của phần lớn cư dân toàn cầu là chưa đồng đều.
Các quốc gia trên thế giới không phải nơi nào cũng đảm bảo tiêm chủng đạt mức 70% để người dân đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, do những tranh luận liên quan đến quyền cá nhân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ đại chúng… cũng phải xác định rằng việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện tại, đây vẫn là giải pháp cơ bản nhất bên cạnh khái niệm “bong bóng du lịch” đang được cho là những cơ hội của du lịch quốc tế.
Anh nhận định thế nào về cơ hội, tính khả thi để du lịch Việt Nam mở cửa, thích ứng an toàn với Covid-19?
Khi bàn về cơ hội để du lịch Việt Nam mở cửa, cần phân biệt rõ cơ hội để mở cửa du lịch quốc tế hay du lịch nội địa.
Đối với du lịch quốc tế đón khách và kể cả gửi khách, cơ hội của chúng ta cũng là cơ hội của bạn, tức là các nước bạn có nguồn gửi khách đến Việt Nam hay có điểm đến mà khách du lịch từ Việt Nam muốn đến.
Do vậy, cần cập nhật và đánh giá tình hình liên tục để tìm ra những “hành lang xanh” nơi sự lưu thông du lịch sẽ được triển khai trước tiên giữa những “vùng xanh” và cũng để cân nhắc các chính sách và cách làm phù hợp với thông lệ và đòi hỏi quốc tế có liên quan đến sự dịch chuyển trong hành lang ấy, cũng nhằm để mở ra nhiều hành lang xanh với các điểm đến và đi từ Việt Nam.
Trên thế giới hiện đang phổ biến một số mô hình đã qua thử nghiệm, điều chỉnh và bước đầu có hiệu quả như chương trình "Sandbox Phuket" của Thái Lan, áp dụng nguyên tắc “bong bóng du lịch”. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan luôn thể hiện vị thế dẫn đầu trong các chính sách về hoạt động du lịch.
Tôi thấy chúng ta có thể học được từ mô hình mô hình "Sandbox" của Thái Lan. Đó là, cho phép du khách ở các quốc gia "vùng xanh" có thể vào Phuket. Sau 14 ngày ở Phuket, du khách có thể đến các vùng khác của Thái Lan. Từ 1/11 tới đây, Thái Lan còn cho phép 15 tỉnh, bao gồm cả thành phố Bangkok mở cửa đón khách du lịch.
Việt Nam đang có dự kiến áp dụng mô hình này với Phú Quốc (Kiên Giang) vào tháng 11/2021. Mô hình Phú Quốc sẽ là cơ hội cho các tỉnh, thành, địa phương, điểm đến du lịch khác trong nước tham khảo trong thời gian tiếp theo, thực hiện chủ trương của Chính phủ là mở cửa để phát triển kinh tế, đồng thời vẫn phải phòng chống dịch, do vậy ưu tiên thúc đẩy việc phát triển thị trường khách quốc tế.
Còn với thị trường khách nội địa, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rất rõ những vùng được phép mở cửa đón khách du lịch. Cơ hội mở cửa du lịch nội địa là dễ thấy nhất và khả thi hơn cả trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, giữa các địa phương trong nước đang tồn tại một số cách hiểu khác nhau về yêu cầu phòng chống dịch. Đây sẽ là lực cản lớn nhất để sự dịch chuyển “cầu - cung” trong du lịch nội địa được tái lập. Sự nhất quán từ Trung ương xuống dưới các địa phương là yêu cầu cấp bách để du lịch nội địa ở Việt Nam phục hồi nhanh như kỳ vọng.
Theo anh, thời điểm này đã chín muồi để mở cửa du lịch cũng như phục hồi du lịch hay chưa?
Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm chống dịch của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành, làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát tốt. Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới.
Tôi cho rằng đây là cơ hội, tín hiệu tốt để du lịch có thể phục hồi, từng bước trở lại quỹ đạo, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Điều đáng mừng là chủ trương của Đảng, Chính phủ rất ủng hộ việc vừa phòng chống dịch an toàn vừa sản xuất kinh doanh. Cụ thể, kết luận số 07 tháng 6/2021 của Bộ Chính trị cho phép khôi phục hoạt động kinh tế, trong đó có việc thí điểm đón khách quốc tế đến một số điểm theo hình thức hộ chiếu vaccine.
Ngoài ra, công văn số 6345 ngày 10/9/2021 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Kiên Giang quay trở lại đón khách quốc tế. Trên cơ sở đánh giá kết quả sẽ mở lại một số trung tâm du lịch khác.
Đặc biệt, ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 128 rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để khôi phục lại hoạt động kinh doanh.
Thời gian qua, tỉ lệ bao phủ vaccine tại nhiều tỉnh thành trong nước rất cao, số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế. Điều này chứng tỏ năng lực y tế của chúng ta đã có những cải thiện.
Các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Các doanh nghiệp du lịch mong muốn trở lại kinh doanh đều đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy, cách làm du lịch thích ứng với bình thường mới, có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ phục vụ khách.
Bản thân người dân cũng gia tăng hiểu biết, không quá lo lắng đến mức kỳ thị bệnh nhận Covid-19, sợ hãi những hoạt động di chuyển an toàn, nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua.
Trên đây là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin ngành du lịch có thể khôi phục lại trong thời điểm này, trước mắt là du lịch nội địa và thí điểm du lịch quốc tế ở một vài địa phương.
Xin cảm ơn anh!
| Chuyên gia Hoàng Nam Tiến: ‘Ứng dụng công nghệ để trở thành doanh nghiệp xanh’ Theo ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Telecom), trong mùa dịch và sau dịch, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để có thể ... |
| Ngày 20/10: Khi phụ nữ hạnh phúc… Khi một người đàn ông có người phụ nữ tốt, người phụ nữ hạnh phúc bên cạnh, họ sẽ thành công hơn. Nhưng đừng quên, ... |