Một trong những định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm được chính quyền mới ở Mỹ duy trì là chiến lược đối với khu vực lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cũng trong thời gian qua, nhiều đối tác bên ngoài khác cũng đã thể hiện cách tiếp cận mới về khu vực lớn này bằng việc đưa ra chiến lược hay chính sách riêng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tăng cường hoạt động trên nhiều phương diện liên quan đến khu vực.
Khu vực thu hút sự quan tâm và can dự trực tiếp của ngày càng thêm nhiều bên khác nữa ngoài cái gọi là Bộ tứ kim cương bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vốn lâu nay hiện thân cho khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cơ chế Bộ tứnày vì thế sớm muộn rồi đây cũng sẽ không thể như trước mãi được nữa. Nhưng nó sẽ thay đổi như thế nào là câu hỏi hiện chưa được trả lời cụ thể.
Chắc chắn sẽ không hình thành Bộ ngũ hay Bộ lục bởi Bộ tứ hiện tại sẽ tìm cách duy trì vai trò cốt lõi hiện có chứ không sẵn sàng chia sẻ cho thêm ai.
Những đối tác mới muốn tham gia đều ở ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc có ở trong khu vực này thì cũng đều "không vai vế" ngang bằng với Bộ tứ hiện tại về chính trị và quân sự, kinh tế và công nghệ.
Bởi vậy, nhiều khả năng Bộ tứ sẽ dần thiết lập cơ chế hợp tác với từng đối tác hoặc đồng thời với nhiều đối tác trên những lĩnh vực khác nhau thành một dạng Bộ tứ +.
Những đối tác này đều muốn tham gia cuộc chơi mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sớm như có thể được để cùng xác lập luật chơi chứ không phải bị áp đặt luật chơi, bởi nhìn nhận ở cuộc chơi mới tiền đề thuận lợi cho việc đối phó những thách thức từ phía Trung Quốc cũng như gây dựng vai trò và ảnh hưởng lớn hơn về chính trị thế giới và khu vực cho chính họ.