TIN LIÊN QUAN | |
Tọa đàm đầu tiên với các Đại sứ nước ngoài về nghề cho tân cán bộ ngoại giao | |
Chiếc “gối đầu giường” mới của người làm ngoại giao |
Gần 40 năm gắn bó với Ngành, trải qua nhiều nhiệm vụ và địa bàn công tác, ông có suy nghĩ gì về nghề ngoại giao?
Nghề ngoại giao đến với tôi rất tình cờ, cũng có thể nói rằng nghề đã chọn tôi. Ngày đó, vào năm 1975, trường Đại học Ngoại giao mới được mở lại ngay sau nhiều năm không chiêu sinh vì chiến tranh. Năm đó, trường cũng không tổ chức thi tuyển và được phép tuyển chọn một số thí sinh đạt điểm cao từ các trường đại học khác và tôi đã lọt vào danh sách 51 sinh viên được lựa chọn của khóa đầu tiên sau chiến tranh - K10 Đại học ngoại giao (1975 - 1980).
Đại sứ Dương Triều Dương nhận Huân chương Sikatuna hạng Vàng từ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. |
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm, từ một thanh niên trẻ chập chững bước vào Ngành, tôi thấy mình thật may mắn vì được tham dự và chứng kiến hầu hết những mốc son đánh dấu bước chuyển mình lớn của đất nước, từ lúc phá thế bao vây cấm vận tới khi gia nhập ASEAN, APEC, ASEM, WTO… Tới lúc này, tôi có thể khẳng định Ngoại giao Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong tiến trình phát triển này, Ngành Ngoại giao luôn luôn giữ vai trò tiên phong, khai phá và đồng hành cùng các ngành khác đưa đất nước từ thế bị bao vây cấm vận trở thành một đất nước đang hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng về chính trị, kinh tế, văn hóa và ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.
Nghề ngoại giao - nếu người ngoài nhìn vào tưởng chỉ là “nâng cốc chúc tụng”, “quần áo là lượt”..., nhưng thực chất đây là công việc rất vất vả và phải “lao tâm khổ tứ”. Ngoại giao chính là cánh tay nối dài cho việc thực thi chính sách của một quốc gia và đất nước sẽ không thể phát triển nếu thiếu đi cánh tay đắc lực này.
Ông Trương Triều Dương từng làm tùy viên tại Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc ở New York (1983-1986); Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva (2001-2004); Quyền Vụ trưởng Vụ Kinh tế đa phương (2005-2007); Vụ trưởng, Trưởng Ban ASEM Bộ Ngoại giao kiêm Thống đốc Việt Nam tại Quỹ Á-Âu, Trưởng SOM Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á - Âu ASEM (2007 - 2009); Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Tây Ban Nha (2010 -2013) và sau đó tại Cộng hòa Philippines (2013-2017). |
Bên cạnh sự “lao tâm khổ tứ” ấy, niềm vui lớn nhất mà nghề đã mang lại cho ông là gì?
Với tôi, niềm vui lớn nhất là mỗi khi đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ giao phó và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của Ngành và đất nước. Tôi đã trực tiếp tham gia đấu tranh và đàm phán trên nhiều mặt trận và không có gì xúc động hơn khi được chứng kiến những giây phút lịch sử khi Việt Nam đàm phán và ký kết thành công Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), tham gia ASEM, APEC và gia nhập WTO sau hàng chục năm kiên trì đàm phán.
Niềm vui với tôi còn là việc được trở thành một trong những thành tố thúc đẩy hiện thực hóa tiến trình Việt Nam là đối tác chiến lược của Tây Ban Nha (nước đầu tiên ở Liên minh châu Âu có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam) và Philippines (một trong ba đối tác duy nhất hiện tại cùng với Nhật và Mỹ). Tôi rất tự hào vì những tháng năm được sống cùng với sự đi lên, chia sẻ từng hơi thở với Ngành và có đóng góp công sức vào sự nghiệp chung đó.
Nghề ngoại giao chắc hẳn cũng đã rèn luyện cho ông những tính cách nổi bật nào đó?
Đúng vậy! Nghề ngoại giao đã khiến cho tôi biết sống trầm tính hơn, chịu khó suy nghĩ hơn, đồng thời cũng giúp tôi trở thành một con người cởi mở và dễ giao tiếp. Những tính cách đó, tôi đã học ở cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhà ngoại giao mà tôi có vinh dự được phục vụ và luôn coi là người thầy lớn, một tài năng ngoại giao thiên bẩm và là một tấm gương thực sự đáng khâm phục cho các thế hệ ngoại giao kế cận noi theo.
Có một ấn tượng tôi nhớ mãi là trên diễn đàn của phiên thảo luận chung tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1985, khi quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN còn rất căng thẳng xung quanh vấn đề Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Suppiah Dhanabalan (lúc đó đang là Chủ tịch ASEAN) đã có những phát biểu không tốt về Việt Nam. Tuy nhiên, ngay khi bài phát biểu kết thúc, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn chủ động đến bắt tay ông Suppiah Dhanabalan và nói: “Ông yên tâm, cho dù hôm nay, các ông có thể nặng lời với chúng tôi, tôi cam đoan với ông rằng, chỉ 10 năm sau, Việt Nam sẽ trở thành thành viên của ASEAN”. Khi ấy, chúng tôi rất ngạc nhiên và thậm chí còn nghĩ rằng Bộ trưởng hơi quá lạc quan. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi lời tiên đoán ấy đã trở thành sự thật. Sau đó đúng 10 năm, vào ngày 28/7/1995, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của ASEAN.
Ông Trương Triều Dương được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hàm Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam. Ông cũng được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đích thân trao tặng Huân chương Sikatuna hạng Vàng (Order of Sikatuna, Grand Cross-Gold Distinction). Đây là Huân chương dành cho các nhà ngoại giao có đóng góp lớn trong việc tăng cường phát triển quan hệ giữa Philippines và các nước. Ông Trương Triều Dương được phong danh hiệu Datu - có thể gọi là “Huân tước” để thể hiện sự trân trọng của Philippines đối với những đóng góp của ông cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Philippines. |
Từ những thành công của bản thân, theo ông, đâu là tố chất giúp cán bộ ngoại giao trưởng thành trong nghề?
Đầu tiên là phải yêu nghề và thứ hai là ý thức trách nhiệm đi cùng với lòng tự tôn dân tộc. Nếu không yêu nghề thì mãi mãi bạn sẽ chỉ là một anh công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và khó có thể có đóng góp gì cho Ngành và cho đất nước. Một cán bộ ngoại giao khi ra ngoài làm công tác đối ngoại thì từ nhân viên đến đại sứ luôn phải nghĩ mình là đại diện cho quốc gia và mang trong trong mình lòng tự hào dân tộc. Ngoài ra, người cán bộ ngoại giao cần phải chịu khó học hỏi, nâng cao kiến thức và trình độ ngoại ngữ.
Theo tôi, là cán bộ ngoại giao nếu không có kho kiến thức và ngoại ngữ thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng giống như người lính cần phải có súng và vũ khí vậy. Đây là những tố chất quan trọng giúp tạo nên phẩm chất đầy đủ của một cán bộ ngoại giao.
Trước những thử thách của người làm ngoại giao trong tình hình mới, ông hy vọng gì ở thế hệ các cán bộ trẻ?
Thế hệ cán bộ trẻ của chúng ta ngày càng được đào tạo chuyên môn bài bản hơn. Đặc biệt trong thời kỳ phát triển công nghệ hiện nay, các bạn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các thế hệ trước rất nhiều khi mới vào nghề. Hiện tại, việc tiếp cận với kho tri thức của thế giới - điều mà chúng tôi từng mơ ước khi còn trẻ đã trở nên quá dễ dàng. Vì vậy, các bạn nên cần tận dụng thành quả tuyệt vời của kỷ nguyên này để trau dồi cả về kiến thức chung đến chuyên môn, nghiệp vụ.
Với những cán bộ trẻ thì càng cần có hoài bão và chí tiến thủ để đạt được những thành công nhất định trong nghề. Đồng thời, đã làm nghề ngoại giao thì lợi ích đất nước phải được đặt lên trên hết và không thể làm việc chỉ theo cảm tính chủ quan. Bên cạnh những thử thách, hãy nhớ rằng chúng ta đang có rất nhiều cơ hội và hãy nắm bắt lấy nó.
Xin cảm ơn ông!
Phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Trung Thành (kỳ 2): Nghệ thuật lồng “cái riêng” trong “cái chung” Hơn 30 năm trong nghề ngoại giao với xấp xỉ 80% khoảng thời gian làm đối ngoại đa phương, Đại sứ Nguyễn Trung Thành thấu ... |
Chuyện nghề thuở ban đầu Mồng Hai tháng Chín - ngày lập quốc tới gần, lại gợi nhớ nhiều bài học vô giá về "nghề ngoại giao"... |
Nghề ngoại giao, Nghiệp và Vinh Làm nghề ngoại giao đòi hỏi năng lực độc lập “tác chiến” cao, đôi khi không có đồng nghiệp. Do vậy, nhà ngoại giao phải ... |