Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, từ nay đến năm 2025, có thể khoảng 5-7 trường đạt điều kiện lên Đại học. (Nguồn: Moet) |
Ngay sau khi Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chuyển thành ĐH, đã có nhiều ý kiến cho rằng sẽ có tình trạng trường ĐH "ồ ạt" chuyển thành ĐH. Thông tin một số trường ĐH khác như Cần Thơ, Công nghiệp Hà Nội, Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Kinh tế Quốc dân... cũng đang trong lộ trình phê duyệt để lên ĐH càng khiến dư luận lo ngại về một "cuộc đua" lên ĐH sắp thành hiện thực.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn có trao đổi về những băn khoăn này.
Thưa Thứ trưởng, liệu sẽ có một cuộc chạy đua “lên ĐH” không, bởi không loại trừ khả năng một số trường muốn chuyển thành ĐH chỉ vì cái tên?
Dù luật khuyến khích các trường mở rộng quy mô nhưng không phải trường nào cũng có khả năng trở thành ĐH. Các trường mong muốn phát triển thành ĐH đều phải đáp ứng điều kiện căn bản là có quy mô lớn và đạt các điều kiện theo luật. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải xem xét và thẩm định đề án của các trường…
Ví dụ, cần xem xét trường đó đã thực sự phân cấp, phân quyền hay chưa; điều kiện đào tạo tiến sĩ có thực chất không.
Cụ thể, trường đó phải có năng lực, có đội ngũ GS, PGS, TS đạt số lượng theo yêu cầu. Khi mở ngành, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thẩm duyệt kỹ càng dựa vào nhu cầu, năng lực chứ không thể mở ồ ạt 2-3 chương trình mỗi năm. Một ngành không tuyển sinh được một vài năm theo quy định cũng sẽ phải đóng cửa.
Do vậy, các trường phải tự xác định mô hình, cấu trúc tổ chức để phù hợp nhất với mình thay vì chạy theo quan niệm “phải trở thành ĐH”. Đó không phải là cách thức phát triển bền vững.
Thực tế là vẫn sẽ có một số trường theo đuổi đơn ngành và thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Ví dụ như các trường nghệ thuật, thể thao – vốn là trường đặc thù và chắc chắn họ sẽ không có ý định phát triển thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
Có ý kiến cho rằng, nhiều trường mong muốn chuyển thành ĐH để có vị thế cao hơn, tuyển sinh tốt hơn?
Cần khẳng định, sự thay đổi từ trường thành ĐH không phải chỉ ở tên gọi. Thực chất, đây là sự thay đổi về mô hình tổ chức, xuất phát từ nhu cầu phát triển bên trong của từng cơ sở đào tạo.
Một trường khi lên ĐH không có nghĩa vị thế sẽ lên cao hơn. Ví dụ, hiện tại chúng ta có 3 ĐH vùng, nhưng không ai nói ĐH vùng có vị thế, đẳng cấp cao hơn cả. Mặt khác, cũng không có gì ưu ái hơn giữa trường ĐH và ĐH ngoài quyền tự chủ học thuật cao hơn - vốn do năng lực tự chủ của cơ sở đã cao sẵn rồi.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều cơ sở không phải ĐH nhưng quy mô tuyển sinh còn lớn hơn ĐH, các em cũng không lựa chọn vào trường vì đó là ĐH hay không. Do đó, đẳng cấp của một trường không thể hiện ở cái tên mà phải do chính trường đó khẳng định. Và, đẳng cấp này phải thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…
Có thể khoảng 5-7 trường đạt điều kiện
Sẽ có khoảng bao nhiêu trường đạt điều kiện trở thành ĐH trong 2-3 năm tới và phương thức hình thành ĐH sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trước hết cần khẳng định, nhu cầu chuyển từ trường lên ĐH của một số cơ sở đào tạo là có thật và thời gian tới sẽ có 2 phương thức hình thành ĐH.
Phương thức thứ nhất là phát huy năng lực nội tại. Theo đó, các trường ĐH mạnh, quy mô lớn, đã có sự chuẩn bị sẽ thành lập các trường thành viên để thiết lập hệ thống trường trực thuộc.
Phương thức còn lại là các trường đơn ngành, quy mô nhỏ sẽ tự liên kết sáp nhập với nhau thành 1 trường lớn, xuất phát từ mục tiêu sứ mệnh chung. Hoặc các tập đoàn giáo dục lớn sẽ "thâu tóm" những trường nhỏ lẻ để gom thành một "tổ hợp" trường để lên ĐH.
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục ĐH vẫn phổ biến các trường đào tạo đơn ngành, quy mô nhỏ, cần khuyến khích các trường liên kết thành ĐH. Việc liên kết sẽ giúp giảm đầu mối, tập trung tìm được đội ngũ lãnh đạo quản lý phù hợp; tránh trường hợp một số trường cùng mục tiêu, sứ mệnh nhưng cạnh tranh với nhau không cần thiết.
Tuy nhiên, việc liên kết này phải dựa trên sự tự nguyện thay vì cơ học. Và việc liên kết như thế nào, liên kết có thực sự mang lại hiệu quả không cũng phải được Bộ thẩm định rất kỹ.
Thời gian tới, tôi cho rằng sẽ không nhiều trường ĐH có khả năng và mong muốn trở thành ĐH. Từ nay đến năm 2025, có thể khoảng 5-7 trường đạt điều kiện. Và Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định rất kỹ càng.
| Trường Bách khoa Hà Nội thành Đại học Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội. |
| World Cup 2022: Ứng xử văn minh nơi công cộng đã trở thành một giá trị của người Nhật Bản Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật đã trở thành một giá trị, ... |
| Đại học Bách khoa Hà Nội không lập các trường thành viên Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có bộ máy tinh gọn, phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các ... |
| Vừa qua, người hâm mộ thế giới “nghiêng mình” thán phục trước hành động thu gom rác của CĐV Nhật Bản tại World Cup 2022. ... |
| Điểm danh những đơn vị giáo dục được gọi là Đại học tại Việt Nam Ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam có bao nhiêu đơn vị giáo dục khác được gọi là Đại học? |