📞

Ứng dụng kỹ thuật số thúc đẩy quyền của người lao động di cư

19:23 | 10/09/2018
Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (Australian Aid) tổ chức Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 11.

Đây là hoạt động thường niên được tổ chức tại nước chủ nhà ASEAN trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN về lao động di cư (ACMW).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Diễn đàn AFML năm nay sẽ diễn ra tại Singapore từ 29-30/10 với chủ đề chính là “Số hóa nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho người lao động di cư trong ASEAN”, tập trung vào 2 nội dung chính là “Số hóa trong việc quản lý lao động di cư” và “Các dịch vụ số hóa cho người lao động di cư”. Chủ đề năm nay cũng đi đôi với chủ đề của Singapore trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2018 là “Tự cường và Sáng tạo”.

Toàn cảnh Hội thảo ngày 10/9. (Ảnh: Ly Ly)

Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, trong lĩnh vực việc làm, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền của người lao động di cư. Sử dụng công nghệ số có thể giúp người lao động di cư đưa ra các quyết định nhanh chóng, hiệu quả, giúp hiểu rõ hơn về quyền của họ.

Công nghệ số mang lại một nền tảng trực tuyến giúp người lao động di cư đánh giá, xếp hạng các cơ quan tuyển dụng và người sử dụng lao động; giúp họ so sánh các mức phí chuyển đổi ngoại tệ khi có mong muốn gửi tiền về gia đình; kết nối người lao động di cư nhằm chia sẻ thông tin hoặc tham vấn ý kiến, tăng cường thông tin, tiếp cận các dịch vụ tư pháp, thúc đẩy tính minh bạch về dữ liệu của người lao động di cư, người sử dụng lao động và các bên liên quan.

Nhiều chính phủ trong khu vực ASEAN đã xây dựng các nền tảng số hóa nhằm quản lý lao động di cư; cung cấp các dịch vụ liên quan đến áp dụng số hóa. Các dịch vụ bao gồm đào tạo trước khi xuất cảnh cho người lao động, cấp thẻ thông minh cho người lao động di cư trước khi đi, tại nơi đến, sau khi về nước nhằm giúp người lao động tiếp cận bảo hiểm xã hội và các dịch vụ khác... 

Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng mang lại, công nghệ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế. Công nghệ số đặt ra thách thức đối với tính bảo mật, quyền riêng tư và vấn đề bảo vệ dữ liệu. Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ internet cũng bị hạn chế tại một số khu vực khi đường truyền kết nối internet yếu, ảnh hưởng đến công việc.

Do đó, tận dụng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các quyền của người lao động di cư, thúc đẩy việc làm bền vững đáp ứng yêu cầu nâng cao sự hiểu biết về số hóa cũng như sự hiểu biết về thay đổi nhanh chóng đối với tương lai việc làm.

Chia sẻ về những tác động của công nghệ số đến cơ hội việc làm của người lao động trong khu vực ASEAN, đặc biệt là người lao động Việt Nam, bà Anna Olsen, Chuyên gia cao cấp Dự án Triangle (ILO) cho biết, quá trình số hóa đang ngày càng phát triển và tác động đến mọi mặt của đời sống con người.

Trên thực tế, người lao động di cư đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận kỹ thuật số thông qua smartphone, mạng xã hội…, từ đó mà kết nối nhiều hơn với thế giới. Dù vậy, đối với một số lao động làm việc trong môi trường biệt lập và đặc thù như lao động nữ hay giúp việc gia đình…, chuyên gia ILO khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần quan tâm hơn và có những biện pháp để người lao động có thể tiếp cận được với phương tiện kỹ thuật số.

Lao động kỹ thuật thấp sẽ chịu tác động không nhỏ từ quá trình số hóa, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đến gần. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

Theo bà Anna Olsen, lao động Việt Nam được đánh giá là có kỹ năng và tay nghề tương đương với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực ASEAN. Với những lao động kỹ thuật cao, cơ hội mở ra là rất lớn còn với lao động kỹ thuật thấp sẽ chịu tác động không nhỏ từ quá trình số hóa, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đến gần.

“Điều mà Việt Nam cần tập trung lúc này là làm sao trang bị kiến thức, kỹ năng, từ đó tăng cường hiệu quả, trình độ tay nghề của các lao động kỹ thuật thấp”, bà Anna Olsen khuyến nghị.

Với 7 phiên làm việc, các đại biểu đã tập trung rà soát các hoạt động cấp quốc gia trong việc triển khai khuyến nghị của các Diễn đàn AFML trước đây; thảo luận chủ đề, đề xuất các khuyến nghị của Việt Nam làm cơ sở cùng các quốc gia thành viên đưa ra các khuyến nghị tại Diễn đàn AFML lần thứ 11 sắp tới.

Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư là một diễn đàn khu vực được triệu tập hàng năm từ năm 2008 nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đạt sự nhất trí trong các vấn đề về bảo vệ lao động di cư. Diễn đàn được tổ chức mang tính đa phương với sự tham gia của cá tổ chức xã hội (CSO).

Diễn đàn AFML thông qua các khuyến nghị để hướng tới thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư năm 2007 (Tuyên bố Cebu). Từ năm 2009, Diễn đàn đã được thể chế hóa thành một hoạt động thường xuyên thuộc Kế hoạch hành động của Ủy ban ASEAN về lao động di cư (ACMW).