Ông đánh giá thế nào về vai trò điều phối của Việt Nam và chủ đề Năm APEC 2017?
Chúng tôi rất cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam. Chúc mừng chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt cho Hội nghị APEC năm nay. Chắc chắn các Bộ trưởng và Lãnh đạo cấp cao của chúng tôi cũng sẽ có cảm nhận như vậy.
Trưởng đoàn đại biểu APEC 2017 Papua New Guinea, đồng thời là Trưởng SOM APEC 2018 Papua New Guinea, ông Ivan Pomaleu. (Nguồn: looppng.com) |
Về nội dung, Việt Nam cũng đã thành công khi đưa ra chủ đề sát với nhu cầu và xu hướng phát triển của khu vực và thế giới hiện nay. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại, những ưu tiên của APEC Việt Nam 2017 cũng là những mục tiêu của chúng tôi. Việt Nam đã làm rất tốt khi đưa các vấn đề cụ thể về tài chính, kinh tế, xã hội ra thảo luận.
Chúng tôi cho rằng, APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và những sáng kiến tích cực của Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp cho tương lai chung của APEC.
Những năm gần đây, phát triển bền vững và bao trùm đã trở thành mục tiêu của cả châu Á - Thái Bình Dương. Xin ông chia sẻ nhận định về quá trình hiện thực hoá mục tiêu này?
Trong thời gian qua, rất nhiều hoạt động đã được các nền kinh tế thành viên APEC triển khai như kết nối người dân, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế. Nhưng chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy sự kết nối giữa các nền kinh tế trong khu vực và đẩy mạnh sự phát triển chung trong tất cả các ngành.
Nếu nhìn về khía cạnh cải cách cơ cấu, chúng ta cần đảm bảo tính hiệu quả trong các ngành dịch vụ, kinh doanh, môi trường... vì đây là những lĩnh vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức cải cách. Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, chúng ta phải chú trọng tới việc tiếp thu công nghệ mới, sáng kiến mới và khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại xuyên biên giới, nêu bật tầm quan trọng của hợp tác APEC trong thúc đẩy phát triển thương mại.
Papua New Guinea là nền kinh tế nằm ở phía Tây Nam Thái Bình Dương, chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và thủy sản và phần lớn lực lượng lao động làm việc trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu của Papua New Guinea từ khoáng sản, trong đó có dầu mỏ và khí đốt. Dù sở hữu nguồn tài nguyên phong phú nhưng các hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn bởi địa hình hiểm trở. Papua New Guinea là nền kinh tế số 111 thế giới, GDP (2016): 20 tỷ USD; GDP đầu người (2015): 2.800 USD; Dân số (2011): 7.059.653 người; Lực lượng lao động: 3,9 triệu người; Xuất khẩu: 6,75 tỷ USD; Nhập khẩu: 6,1 tỷ USD. Papua New Guinea gia nhập APEC tháng 11/1993 cùng với Mexico. Papua New Guinea lần đầu tiên là chủ nhà của Năm APEC 2018. |
Papua New Guinea sẽ chính thức tiếp nhận vai trò chủ nhà của Năm APEC 2018 từ Việt Nam. Ông có thể cho biết, định hướng chính của Papua New Guinea trong quá trình chuẩn bị chủ đề và xác định ưu tiên cho APEC tiếp theo?
Chủ đề của APEC 2018 sẽ là “Harnessing inclusive opportunities, Embracing the Digital Future” (tạm dịch: “Tận dụng cơ hội bao trùm, Đón chào tương lai số”). Tiếp nhận vai trò chủ nhà APEC, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hợp tác trong khuôn khổ APEC, đảm bảo nắm cơ hội phát triển theo xu hướng số hoá.
Chúng tôi rất quan tâm đến sự chủ động xây dựng lộ trình phát triển công nghệ thông tin và thương mại điện tử, chủ đề này chắc chắn sẽ được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Từ APEC các năm 2010, 2015, các nền kinh tế như Nhật Bản và Philippines đã có những sáng kiến thúc đẩy phát triển bao trùm. Một trong bốn ưu tiên của Việt Nam năm nay là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, chúng tôi cũng mong muốn mục tiêu này được tiếp tục duy trì.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn thảo luận sâu về vấn đề cải cách cơ cấu, chúng tôi coi đây là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự trong năm sau. Tầm nhìn sau năm 2020 và các Mục tiêu Bogor sẽ đến hạn sau APEC 2018 hai năm, công tác thực thi và đánh giá đã được bắt đầu từ năm 2016, chúng tôi sẽ nỗ lực để đóng góp vào hai dấu mốc quan trọng này của APEC.
Để chuẩn bị cho Năm APEC 2018, những thách thức và cơ hội mà Papua New Guinea đang phải đối mặt là gì?
Việt Nam đã đề ra những tiêu chuẩn cơ bản mà chúng tôi thấy nên tiếp tục tiếp quản. Chủ đề về tăng trưởng bền vững sẽ tiếp tục được đưa vào chương trình nghị sự, bởi vì chúng tôi cũng mong muốn duy trì phát triển bền vững cho nền kinh tế của chúng tôi.
Papua New Guinea là nền kinh tế nhỏ hơn so với Việt Nam, chính vì vậy, chúng tôi cũng phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Mặc dù đa số các cuộc họp sẽ được diễn ra tại thủ đô Port Moresby, nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng đưa các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC tới thăm các thành phố khác trong thời gian này. Chúng tôi sẽ cố gắng để chứng tỏ các cơ hội và tiềm năng của một nền kinh tế khi vinh dự tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế như APEC.
Xin cảm ơn ông!
Ông Alan Bollard - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế: Papua New Guinea đã có sự chuẩn bị cho APEC 2018 từ hai năm trước. Nền kinh tế thành viên này cũng đã làm việc rất chặt chẽ với chủ nhà APEC 2017 để tiếp tục những gì Việt Nam đã làm trong năm và theo những quy tắc của Ban Thư ký APEC. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa cũng như chính trị, cách tổ chức của Papua New Guinea sẽ có phần khác biệt so với Việt Nam. Tiến sỹ Allan Zeman - Chủ tịch các tập đoàn GBM, GBS, JB Hong Kong - Trung Quốc: Thế giới đang phát triển nhanh chóng, không thể giữ mãi kiểu kinh doanh cũ. Nếu các nền kinh tế trong khu vực không chịu đổi mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các nền kinh tế APEC cần cởi mở hơn, hướng tới tương lai. Nền kinh tế nào đón trước được xu hướng này sẽ có nhiều cơ hội phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn. Bà Tracey Fellows - Giám đốc điều hành Tập đoàn RAE (Australia): APEC đang có nhiều cơ hội phát triển thương mại trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế trong khu vực. Việt Nam đã rất nỗ lực trong phát triển và đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam cần ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các kĩ năng về công nghệ, trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phát triển hơn nữa các chương trình kết nối người dân và doanh nghiệp. Ông Rod Eddington - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn J.P. Morgan: Điều quan trọng hiện nay là cần bảo đảm môi trường kinh doanh tự do ở APEC và thúc đẩy phát triển bao trùm. Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, các nền kinh tế thành viên cần thảo luận về việc đảm bảo tự do thương mại nhằm mang lại lợi ích cho người dân. |