Theo Chủ tịch Hiệp hội Vaccine Trung Quốc Feng Duojia, trước mắt Bắc Kinh sẽ sản xuất vaccine Covid-19 cho 70% dân số, tương đương 980 triệu người và số lượng tương tự để xuất khẩu.
Hiện Tập đoàn Công nghệ sinh học Trung Quốc (Biotec) và Sinovac đã sản xuất được 250 triệu liều vaccine; đến tháng 3, 100 triệu liều đã được xuất khẩu, bằng cả Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.
Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất vaccine Covid-19 để xuất khẩu. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Cuối năm 2022, Trung Quốc kỳ vọng sản lượng vaccine Covid-19 “made in China” sẽ đạt 5 tỷ liều.
Hiện nước này đang xây dựng 18 dây chuyền sản xuất, hướng tới cung cấp lượng lớn vaccine dễ tiếp cận theo lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi năm ngoái.
Khi ấy, Trung Quốc, cùng Nga và Ấn Độ chạy đua tận dụng cơ hội này để mở rộng tầm ảnh hưởng tại các quốc gia đang phát triển, thu hẹp khoảng cách về phân phối vaccine trên toàn cầu.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, với trình độ và quy mô sản xuất, Trung Quốc có thể nhanh chóng vượt qua hai ông lớn trên.
Dù là quốc gia đầu tiên công bố vaccine Covid-19, song năng lực sản xuất vaccine của Nga chưa cao và phải phối hợp với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc để mở rộng quy mô.
Trong khi đó, Ấn Độ đang vật lộn với đại dịch Covid-19 và có khả năng phải hạn chế xuất khẩu để ưu tiên sử dụng vaccine kiểm soát tình hình trong nước.
Ngay cả khi hiệu quả của vaccine Covid-19 “made in China” chưa được kiểm chứng, số lượng lớn, dễ tiếp cận với giá thành phải chăng vẫn khiến giải pháp đến từ Trung Quốc hấp dẫn hơn bao giờ hết. |
Theo ông Daniel Aldrich, Giáo sư Chính trị học tại Đại học Northeastern (Mỹ), các nước có thu nhập thấp rất khó có thể tiếp cận vaccine được phân phối tại Mỹ hay các nước thành viên của EU.
Ngay cả khi hiệu quả của vaccine Covid-19 “made in China” chưa được kiểm chứng, số lượng lớn, dễ tiếp cận với giá thành phải chăng vẫn khiến giải pháp đến từ Trung Quốc hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Thông qua việc cung cấp vaccine, Trung Quốc có thể mở rộng tầm ảnh hưởng, củng cố quyền lực mềm, thu hút và củng cố quan hệ đồng minh.
Tuy nhiên, Trung Quốc cần đảm bảo rằng các vaccine này đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và được các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận để trở thành nhà cung cấp vaccine toàn cầu.
Theo ông Feng, trong bối cảnh khung thời gian chỉ 1-2 năm, sản xuất vaccine quy mô lớn, song vẫn đảm bảo, thậm chí cải thiện chất lượng sẽ là “thách thức lớn với Trung Quốc”.
Tương tự, ông Yuan Yuan, đại diện Trung Quốc tại PATH, tổ chức phi chính phủ về y tế toàn cầu, nhận định các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chủ yếu tiếp nhận vaccine dựa trên quá trình đánh giá sơ bộ của WHO – đây là điều vaccine Trung Quốc thiếu.
Theo ông Yuan, việc đưa vaccine vào sử dụng với lý do khẩn cấp không dễ dàng, khi các sản phẩm vẫn phải trải qua quy trình xét duyệt nghiêm ngặt, với đoàn chuyên gia từ WHO trực tiếp kiểm tra kết quả tại phòng thí nghiệm.
Với các tập đoàn chưa từng có vaccine vượt vòng đánh giá sơ bộ trong quá khứ như Sinopharm hay Biotec, câu chuyện này còn khó khăn hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 19 loại vaccine đang trong quá trình đánh giá sơ bộ, 5 loại trong số đó do Trung Quốc sản xuất. Kết quả hai loại vaccine Covid-19 của Sinopharm và Sinovac dự kiến được công bố vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.
Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định thành bại chiến lược phổ cập vaccine “made in China” của Bắc Kinh ra toàn thế giới thời gian tới.