Quốc vương của Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (phải) gặp Cố vấn An ninh Quốc gia UAE Sheikh Tahnoun bin Zayed al-Nayhan, tại Doha, Qatar, ngày 26/8. (Nguồn: Qatar News Agency) |
Ván bài địa chính trị ở Trung Đông một lần nữa bị xáo trộn. Lần này, Cố vấn An ninh Quốc gia quyền lực của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Tahnoun bin Zayed Al Nahyan là người thực hiện các động thái hòa giải.
Sau chuyến thăm đột phá đến Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/8, ông Sheikh Tahnoun đã có mặt ở Qatar vào ngày 26/8 để làm trung gian hòa giải.
Hai chuyến đi này có thể được coi là một phần trong cách tiếp cận mới của UAE nhằm giảm thiểu các xung đột trong khu vực và tập trung vào phát triển kinh tế, như tuyên bố chính thức từ Abu Dhabi.
Hoặc có thể UAE đang cố gắng thừa nhận một cách muộn màng rằng, trò chơi “tổng bằng 0” giữa Ankara với Doha đã kết thúc và thời điểm để thiết lập lại đã quá muộn.
Gốc rễ phức tạp
Trước tiên, chuyến thăm của ông Sheikh Tahnoun tới Ankara là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa UAE và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 4/2016, khi Ngoại trưởng Çavuşoğlu đến thăm Abu Dhabi trong một nỗ lực nhằm bắc cầu quan hệ nhưng không thành công.
Hai quốc gia đã đứng ở hai phía đối lập của “Mùa Xuân Arab”, với một bên gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thể hiện sự ủng hộ rõ đối với sự trỗi dậy của các phong trào Hồi giáo như Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ở Ai Cập. Mohammed Morsi, ứng cử viên đứng đầu MB, đã được bầu làm Tổng thống Ai Cập vào năm 2012.
Qatar sau đó đã cung cấp gần 8 tỷ USD để hỗ trợ chính phủ non trẻ của ông Morsi, còn Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp tích cực về ngoại giao và chính trị.
Trong khi đó, UAE và Saudi Arabia coi cách tiếp cận của MB là một mối đe dọa đang nổi lên cần phải được xử lý “từ trong trứng nước”, vì vậy đã hỗ trợ tích cực cho cơ quan quốc phòng và an ninh của đất nước kim tự tháp.
Tuần đầu tiên của tháng 7/2013 đã chứng kiến sự kiện kịch tính khi quân đội Ai Cập “đáp trả” các cuộc biểu tình “tự phát” rầm rộ ở thủ đô Cairo và lật đổ ông Morsi.
Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cay đắng đổ lỗi cho UAE về cuộc đảo chính đưa Tướng Abdel Fattah al Sisi lên nắm quyền ở Ai Cập. Ông này đã trở thành đồng minh thân cận của UAE và Saudi Arabia trong khi Istanbul và Doha trở thành nơi ẩn náu cho các thủ lĩnh của MB.
Ván đầu tiên của cuộc chiến tranh ủy nhiệm lần thứ nhất rõ ràng đã thuộc về Abu Dhabi và Riyadh, và UAE có thể tuyên bố một cách khá hài lòng rằng, họ đã đảo ngược làn sóng chính trị Hồi giáo mới chớm nở.
Tuy nhiên, Qatar có những con bài khác và đã tìm thấy một đối tác luôn sẵn sàng, thể hiện qua tham vọng của Tổng thống Erdoğan về việc khôi phục một số vị thế đã mất của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế giới Hồi giáo.
Mâu thuẫn đằng sau bức màn thống nhất
Chiến trường chuyển từ Iraq sang Syria và từ Ai Cập sang Libya, khi Ankara và Doha thường phối hợp hành động để ngăn chặn tham vọng của Riyadh và Abu Dhabi.
Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar là lực lượng đặc biệt quan trọng trong các trận chiến này. Lượng khán giả theo dõi đông ở các nước Arab khiến kênh truyền thông này trở thành một nền tảng mạnh mẽ cho những tiếng nói bất mãn như Youssef al Qaradawi, giáo sĩ Ai Cập có trụ sở tại Doha, và tư tưởng của nhóm MB - tổ chức vẫn tiếp tục đưa ra những bài thuyết giảng trên kênh tiếng Arab của Al Jazeera.
Những mâu thuẫn cuối cùng đã trở nên quá lớn để có thể giải quyết đằng sau bức màn ảo tưởng về sự thống nhất ở Vùng Vịnh.
Ngày 5/6/2017, các nhà ngoại giao đã được mời đến trụ sở Bộ Ngoại giao ở Abu Dhabi để tham dự một cuộc họp đặc biệt do Quốc vụ khanh lúc bấy giờ là Tiến sĩ Anwar Gargash chủ trì.
Các nhà ngoại giao đã nhận được tin về việc UAE (cùng với Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập) quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt liên quan đến kinh tế và du lịch.
Mục tiêu là trừng phạt một chế độ ngoan cố, hay can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng.
Song kế hoạch cô lập Qatar đã không phát huy tác dụng khi Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hỗ trợ quân sự cho Doha, các đường tiếp tế thay thế được đưa ra đi vòng qua thị trấn cảng Jebel Ali ở Dubai.
Thông điệp từ hai chuyến thăm
Hội nghị thượng đỉnh Al Ula ở Saudi Arabia vào ngày 5/1/2021 đã chính thức chấm dứt “chiến tranh lạnh” giữa Bộ tứ Vùng Vịnh và Doha.
Saudi Arabia và Ai Cập là hai nước có những động thái đầu tiên, nhanh chóng khôi phục quan hệ ngoại giao và dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt. Còn rạn nứt với UAE sẽ mất nhiều thời gian hơn để hàn gắn.
Các chuyến thăm của ông Sheikh Tahnoun tới Ankara và Doha chính là nhằm giải quyết vấn đề này.
Trong phần lớn thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thích sử dụng tầm ảnh hưởng để hậu thuẫn các lực lượng “Hồi giáo” trong khi Abu Dhabi đứng sau những nhân vật được ủy nhiệm như Tướng Khalifa Haftar ở Libya.
Không có bên nào giành chiến thắng. Giá dầu sụt giảm và tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế khu vực đã trở thành chất xúc tác để xem xét lại hiện trạng.
Với việc UAE chuẩn bị đăng cai tổ chức Dubai Expo 2020 bị trì hoãn do dịch bệnh và Qatar chuẩn bị cho Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới của FIFA 2022, lý do chính đáng để chấm dứt tranh cãi và trở nên thân thiện hơn ngày càng rõ ràng.
Chiến trường chuyển từ Iraq sang Syria và từ Ai Cập sang Libya khi Ankara và Doha thường phối hợp hành động để ngăn cản tham vọng của Riyadh và Abu Dhabi.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thông điệp được đưa ra từ 2 chuyến thăm là tập trung vào đầu tư, phát triển kinh tế và thịnh vượng.
Ông Anwar Gargash, hiện đang là Cố vấn về ngoại giao của Tổng thống UAE, đã gọi cuộc gặp của ông Sheikh Tahnoun với Tổng thống Erdoğan là “lịch sử và tích cực”, trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói với báo chí rằng, ông đã thảo luận về các lĩnh vực cụ thể mà UAE có thể đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Về cuộc gặp với ông Sheikh Tamim ở Doha, ông cho rằng chuyến thăm nhằm “xây dựng những nhịp cầu hợp tác và thịnh vượng với các nước anh em và bạn bè”.
Đồng thời khẳng định, cuộc gặp là một ví dụ về “trụ cột chính trong chính sách của UAE” và họ đã “lật ngược tình thế bất đồng và hướng tới một tương lai tích cực”.
Do đó, việc bình thường hóa quan hệ giữa UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có thể sẽ tạo ra một động lực mới ở khu vực.
*Navdeep Suri là Giám đốc Trung tâm Ngoại giao Kinh tế Mới (CNED) của Ấn Độ. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm chính sách ngoại giao công chúng và quyền lực mềm, chính sách châu Phi và ngành công nghiệp gia công phần mềm công nghệ thông tin của Ấn Độ.