Thưa Đại sứ, đối ngoại đa phương của Việt Nam đã có những thay đổi thế nào trong công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng?
Có thể nói, đối ngoại đa phương của Việt Nam bắt đầu ngay từ những ngày đầu lập nước, với mối quan hệ với các nước lớn, các tổ chức quốc tế nhằm mục đích chính là tranh thủ rộng rãi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Như vậy, có thể nói rằng chúng ta đã trải qua bốn mốc lớn.
Giai đoạn thứ nhất có thể tính đến năm 1977, năm chúng ta chính thức gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu là Liên hợp quốc. Trong giai đoạn này, ta đã sớm tham gia phong trào Không liên kết từ năm 1955 và có nhiều đóng góp quan trọng vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Giai đoạn thứ hai, đánh dấu bước chuyển căn bản trong hợp tác đa phương của ta với hội nhập khu vực ngày càng sâu rộng. Mốc son là việc nước ta trở thành thành viên ASEAN năm 1995, từ đó tham gia sáng lập ASEM (1996) - cơ chế liên khu vực mà ASEAN là một thành viên chủ chốt, tham gia APEC (1998)… Với việc tham gia thực sự vào các cơ chế đa phương then chốt đó, mặt trận đối ngoại đa phương của ta đã hình thành một cách đầy đủ, thể hiện quan điểm, lập trường của ta trên các quan tâm chung và các vấn đề lớn của khu vực.
Giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2011, đối ngoại đa phương Việt Nam được nâng lên tầm toàn cầu với việc gia nhập WTO năm 2007, đảm nhận thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và vai trò Chủ tịch ASEAN 2010… Một dấu mốc quan trọng là việc nước ta bắt đầu đẩy mạnh tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương mang tầm của thế kỷ XXI.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI (2011), đối ngoại đa phương Việt Nam bước sang thời kỳ mới - hội nhập quốc tế toàn diện. Các mũi đối ngoại đa phương định hình rõ tư duy, chủ trương chủ động đóng góp, tích cực tham gia định hình các cơ chế, luật chơi chung.
Đại sứ có thể cho biết rõ hơn về các yếu tố mới trong đối ngoại đa phương giai đoạn hiện nay?
Bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, trước những thay đổi sâu sắc của kinh tế thế giới, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hóa, tất cả các quốc gia đều coi trọng đối ngoại đa phương nhằm thúc đẩy lợi ích, mở rộng thị trường, có thêm nguồn lực để phát triển, ứng phó với tác động của các thách thức toàn cầu đang ngày càng gay gắt.
Trong giai đoạn mới này, chúng ta đẩy mạnh cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, gắn với các nội dung hợp tác về phát triển bền vững và ứng phó thách thức toàn cầu. Một đặc điểm nổi bật của đối ngoại đa phương nước ta hiện nay là tính chủ động cao. Trước đây chúng ta mới chủ yếu tham gia, ký kết và gia nhập. Hiện nay những trọng tâm lớn của nước ta là đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN đến 2025, đảm nhận vai trò và triển khai các cam kết quốc tế như đăng cai tổ chức APEC 2017, các Mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc…, chủ động có nhiều đóng góp thiết thực, đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong các cơ chế đa phương.
Một mũi nhọn thể hiện rất rõ đặc điểm đối ngoại đa phương nước ta hiện nay là chủ động tham gia các thỏa thuận FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU và với Liên minh kinh tế Á - Âu. Việc này không chỉ có giá trị kinh tế quan trọng, mà còn có ý nghĩa chiến lược, chính trị rất lớn, thể hiện chính sách chung về đối ngoại của Việt Nam. Có thể nói, các FTA thế hệ mới đã nâng ngoại giao đa phương của Việt Nam lên tầm liên kết rất rộng lớn.
Như vậy, đối ngoại đa phương sẽ có vai trò ngày càng quan trọng?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, nền tảng kinh tế thế giới thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh giữa các nước lớn phức tạp hơn trước, bàn cờ đa phương quốc tế đa dạng hơn và có vai trò ngày càng quan trọng. Đối ngoại đa phương trở thành xu thế tất yếu. Tất cả các nước lớn hay nhỏ đều đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đa phương để bảo vệ lợi ích, tranh thủ nguồn lực để phát triển, gia tăng sức mạnh mềm và nâng cao vị thế quốc gia.
Trong xu thế đó, nâng tầm đối ngoại đa phương trở thành một nội hàm quan trọng của chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của ta, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. Do đó, hơn bao giờ hết, các hoạt động đối ngoại đa phương sẽ cần triển khai toàn diện trên tất cả các mặt trận, các kênh Đảng, Nhà nước, nhân dân, gắn bó chặt chẽ với các hoạt động song phương.
Đại sứ có nói đến mũi nhọn FTA trong đối ngoại đa phương thời kỳ mới, vậy Đại sứ có thể cho biết về vai trò của Bộ Ngoại giao trong đàm phán và triển khai các thỏa thuận FTA?
Việc tham gia các thỏa thuận FTA là một chủ trương mang tầm chiến lược của hội nhập quốc tế sâu rộng nói chung và là một nhiệm vụ hàng đầu của trụ cột ngoại giao kinh tế trong giai đoạn hiện nay nói riêng. Là một trong những thành viên quan trọng của Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế và là thành viên của các cơ chế phối hợp liên ngành về hợp tác đa phương, Bộ Ngoại giao cùng mạng lưới các cơ quan đại diện có nhiệm vụ tìm hiểu, đánh giá và cân nhắc việc tham gia các thỏa thuận FTA trong tổng thể quan hệ với các đối tác trên toàn cầu.
Các cán bộ ngoại giao có nhiệm vụ tham gia đàm phán, đồng thời gắn kết quá trình đàm phán với việc thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác trên các lĩnh vực khác. Đây là một quá trình không chỉ có đàm phán, mà có lúc phải đấu tranh, lựa chọn đúng đối tác, đúng thời điểm, đòi hỏi người cán bộ ngoại giao không chỉ có bản lĩnh mà còn phải khéo léo, nhạy bén, lựa chọn thời điểm, thời cơ.
Trên thực tế, các hoạt động ngoại giao cũng đã góp phần thúc đẩy nhiều lợi ích, quan tâm của ta và tháo gỡ những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai các thỏa thuận FTA, nhất là với các đối tác có tình hình chính trị phức tạp như ở châu Âu, châu Mỹ…
Năm 2017, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức các hoạt động của diễn đàn đa phương lớn ở châu Á - Thái Bình Dương là APEC. Thưa Đại sứ, chúng ta gửi gắm kỳ vọng gì ở sự kiện này?
Năm APEC 2017 là một hoạt động trọng tâm của đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020 và cũng là đóng góp quan trọng của nước ta đối với diễn đàn hợp tác kinh tế xuyên châu lục lớn nhất thế giới là APEC. Việc triển khai nhiều hoạt động ngoại giao đa phương sẽ góp phần nâng cao vị thế đất nước và tăng thêm nguồn lực cho phát triển.
Cùng với APEC 2017, chúng ta sẽ thực hiện nhiều cam kết quốc tế và hoàn tất các trọng trách, đặc biệt là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Chúng ta cũng sẽ phải hoàn tất các cam kết đa phương, nhất là cam kết gia nhập WTO sẽ phải hoàn tất vào năm 2018. Tất cả những điều đó hội tụ với APEC 2017 sẽ tạo ra một sức mạnh mềm mới, một tâm thế mới cho ngoại giao đa phương và hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Với APEC 2017, Việt Nam đã đặt nhiều kỳ vọng, nhiều mục tiêu lớn, chúng ta cũng đã sớm nhận thức được các khó khăn và nhiều vấn đề lớn đặt ra, nên đã sớm chủ động lập kế hoạch với lộ trình cụ thể, rõ ràng và đang triển khai mạnh mẽ. Với thế và lực sau 30 năm đổi mới và kinh nghiệm của đăng cai thành công năm APEC 2006, Việt Nam mong muốn đóng góp thiết thực hơn vào việc thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và phát triển của khu vực.