Đại diện Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO trao bằng chứng nhận ghi danh cho hai di tích. |
Từ ngày 24-26/11, Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) họp Hội nghị toàn thể lần thứ 9 tại Andong, Hàn Quốc.
Tham dự cuộc họp có đại biểu tham dự từ 20/28 quốc gia thành viên và đại diện Văn phòng UNESCO tại Bangkok, Văn phòng UNESCO tại Jarkarta, các chuyên gia tư vấn thuộc Tiểu ban đăng ký và các thành viên Ban Thư ký MOWCAP.
Hội nghị đã xem xét 13 hồ sơ của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Iran, Bangladesh và Việt Nam. Trong đó, hội đồng tư vấn của các chuyên gia (Tiểu ban đăng ký của Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương) đã thông qua 9 hồ sơ của 5 quốc gia thành viên và 4 hồ sơ của 3 quốc gia được khuyến nghị chỉnh sửa và nộp lại tại vòng để cử sau.
Tại vòng để cử lần này, Việt Nam trình 2 hồ sơ “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh (1689-1943) và Bia Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng”.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO tại Andong, Hàn Quốc ngày 26/11, đã nhất trí ghi danh 2 hồ sơ “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh (1689-1943) và Bia Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Hai hồ sơ của Việt Nam đã được các chuyên gia và các nước thành viên đánh giá cao, được ghi nhận là di sản tư liệu quan trọng và quý hiếm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với số phiếu 20/20 phiếu. |
“Bia Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến tận những thập niên 60 của thế kỷ XX. Đây là nguồn tư liệu quý được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm, bởi nó mang hệ giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học.
“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là bộ sưu tập gồm 26 sắc lệnh của Hoàng đế triều đình nhà Lê và nhà Nguyễn, nhằm tôn vinh, tặng, phong chức tước cho một số người dân làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; 19 văn bản giao dịch giữa các cơ quan của nhà Nguyễn với người dân làng Trường Lưu và 3 bức trướng. Toàn bộ bộ sưu tập được viết bằng chữ Hán và Nôm trên giấy dó đặc biệt và lụa, trong thời gian từ năm 1689 đến 1943.
Đây là những tài liệu quý hiếm, có giá trị và độc đáo do triều đình và tổ chức từ thiện/cộng đồng địa phương ban hành cho một số người dân ở làng Trường Lộc, ca ngợi họ vì những đóng góp của họ cho các hoạt động xã hội, văn hóa và giáo dục cũng như các tài liệu khác, được phổ biến ở vùng Đông Bắc của các chế độ quân chủ châu Á.
Những tài liệu này cung cấp bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học và lòng kính trọng đối với người cao tuổi. Mỗi tài liệu được xem như một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc và công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của các địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình của của các chuyên gia, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Di sản Văn hóa), hồ sơ “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh (1689-1943) và Bia Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” của Việt Nam đã được các chuyên gia và các nước thành viên đánh giá cao, được ghi nhận là di sản tư liệu quan trọng và quý hiếm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với số phiếu 20/20 phiếu.
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản tư liệu đã được công nhận và đảm bảo triển khai thực hiện khuyến nghị UNESCO năm 2015 về bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu, bao gồm cả di sản tư liệu ở dạng kỹ thuật số, các địa phương có di sản tư liệu cần xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động tập trung vào 5 lĩnh vực: xác định rõ các di sản tư liệu hiện có; xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo tồn di sản tư liệu; xây dựng các phương pháp tiếp cận di sản tư liệu rộng rãi, phục vụ các tầng lớp nhân dân, xã hội đều có thể tham khảo và nghiên cứu một cách thuận tiện; xây dựng các chính sách quản lý, bảo tồn và khai thác di sản tư liệu; và thúc đẩy hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
| Vòng chung kết Hoa hậu Du lịch thế giới 2022: Hành trình qua miền di sản Việt Nam Đi qua năm tỉnh, thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La và Vĩnh Phúc, vòng chung kết Hoa ... |
| Khẳng định sứ mệnh của doanh nhân trong bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội Unesco ... |
| Lý do các tàu ngầm của Hải quân Mỹ chiếm ưu thế ở Thái Bình Dương Báo Mỹ National Interest nhận định, trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, quân đội Mỹ sẽ dựa rất nhiều vào Hạm ... |
| Di sản văn hóa Mo Mường sẽ được trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa Mo Mường sẽ được xây dựng hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn ... |