TIN LIÊN QUAN | |
Trung - Mỹ đạt đồng thuận trong một số vấn đề tranh chấp thương mại | |
Truyền thông Trung Quốc “nắn gân” Mỹ trước đàm phán thương mại |
Dẫu Mỹ và Trung Quốc đạt đồng thuận trong một số vấn đề thương mại và kinh tế, song vẫn còn những bất đồng đòi hỏi hai bên cần có nhiều nỗ lực hơn nữa.
Vẫn còn những bất đồng
Trong cuộc tham vấn thương mại kéo dài 2 ngày 3 - 4/5 tại Trung Quốc giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, hai bên đã tập trung thảo luận về một loạt những cáo buộc từ Mỹ về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, từ việc Bắc Kinh ép buộc các công ty chuyển giao công nghệ, đến những khoản trợ cấp chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Tại cuộc đàm phán, phái đoàn thương mại Mỹ mong muốn Trung Quốc lập tức cắt giảm sự mất cân bằng thương mại song phương và chấm dứt trợ giá cho mặt hàng công nghệ tiên tiến. Đồng thời yêu cầu Trung Quốc giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ trước năm 2020, đồng thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng xuống các mức không cao hơn biểu thuế của Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc tiến hành đàm phàn thương mại. (Nguồn: ThinkStock) |
Về phía Trung Quốc, phái đoàn nước này đã đưa ra một gói các biện pháp ngắn hạn, như việc loại bỏ yêu cầu về tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong các liên doanh đối với một số ngành, cắt giảm thuế áp lên mặt hàng ô tô và gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, nhằm trì hoãn quyết định của Mỹ về áp đặt thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD.
Kết thúc đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề về tranh chấp thương mại như cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung, nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung khác.
Chẳng ai có lợi
Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đã leo thang khi ngày 22/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn để đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Mỹ cho rằng Washington đang chịu thua thiệt do Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.
Về phía Trung Quốc, mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ô tô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi ngày 5/4, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung. Trong khi đó, ngày 17/4, Bắc Kinh đã quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước.
Những diễn biến căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại mà những tổn thất hai bên sẽ phải gánh chịu không hề nhỏ.
Đối với Mỹ, không ít chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Mỹ nói chung và ngành nông nghiệp của nước này nói riêng sẽ phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng do tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể giải quyết tất cả những bất đồng thương mại với Trung Quốc trong "cuộc chiến" thuế quan, Mỹ sẽ để mất gần 455.000 việc làm và khiến GDP hàng năm giảm tới 49,2 tỷ USD trong hai năm tới đây. Trong đó, nông nghiệp được cho là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo Trade Partnership Worldwide, LLC, người nông dân Mỹ sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi Trung Quốc không có hành động đáp trả, riêng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD sẽ khiến Washington để mất 76.000 việc làm và khiến GDP tổn thất 1,6 tỷ USD. Theo Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghệ khách hàng Gary Shapiro, khi đó, mọi chi phí gia tăng đổ lên đầu người nông dân, nhà máy sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ. Như vậy, "chủ nghĩa bảo hộ rõ ràng sẽ làm suy yếu nước Mỹ".
Còn đối với Trung Quốc, theo báo cáo của tổ chức The Conference Board (Mỹ), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ gây bất lợi trực tiếp hơn cho Trung Quốc. Báo cáo này được xây dựng dựa trên những số liệu về xuất khẩu. Cơ quan xuất khẩu của Mỹ và các nước phát triển chủ yếu khác sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn từ sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo báo cáo này, giá trị gia tăng xuất khẩu của Mỹ và EU đối với Trung Quốc lần lượt tương đương với 0,7% và 1,6% GDP. Trong khi đó, giá trị gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc đối với Mỹ tương đương 3% GDP. Điều này cho thấy nếu nổ ra xung đột thương mại với Mỹ, tổn thất của Trung Quốc sẽ lớn hơn.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nếu cuộc chiến thương mại toàn cầu xảy ra, sẽ ảnh hướng tới tăng trưởng kinh tế thế giới, ước tính tương đương 1 - 3% trong vài năm tới.
Riêng đối với các quốc gia Đông Nam Á, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là một những mối quan ngại lớn nhất. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đặc biệt quan ngại về sự nổi lên của xu hướng bảo hộ và quan điểm chống toàn cầu hóa, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc hiện là hai đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước thành viên ASEAN.
Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại thực sự.
EU tham gia cuộc chiến pháp lý Mỹ - Trung Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia cuộc chiến pháp lý với Mỹ do Trung Quốc khởi xướng tại Tổ chức Thương mại thế ... |
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt sau Hội nghị mùa Xuân Theo Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế (WB) giới khởi ... |
WTO: Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kìm hãm kinh tế toàn cầu Ngày 20/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo đã lên tiếng cảnh báo sự leo thang tranh chấp thương ... |