📞

Vẻ đáng yêu khó cưỡng của gấu koala

15:44 | 28/03/2016
Ngoại giao gấu túi (koala) của Australia không đơn giản chỉ là một biến thể từ ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott và Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm hai chú koala bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brisbane năm 2014. (Nguồn: Telegraph)

Cộng đồng quốc tế từng hết sức thán phục thành công của cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott trong việc sử dụng những chú koala làm “giảm nhiệt” căng thẳng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Brisbane năm 2014. Cặp koala Jimbelung và Nala có thể coi là “công thần” trong việc giúp ông Abbott và Tổng thống Nga V. Putin xích lại gần nhau khi trước đó họ đã tỏ ra “lạnh nhạt” tại Diễn đàn APEC 2014 và thậm chí còn “đấu khẩu” quyết liệt trong vụ máy bay MH17 gặp nạn ở Ukraine.

Tuy nhiên, danh sách fan của koala không dừng lại ở đó. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, người mà tạp chí Japan Times (Nhật Bản) đánh giá là miễn nhiễm với những chiêu trò ngoại giao kiểu này, cũng không giấu được sự thích thú khi bế Jimbelung trên tay.

Báo giới Australia cho biết, cái giá để mang lại niềm vui cho các chính khách tham dự với cặp koala chỉ có 24.000 USD, “tương đối ngon, bổ, rẻ” so với kết quả mà nó mang lại. Ông Al Mucci, Giám đốc trung tâm Dreamworld, nơi cặp gấu túi “ngoại giao” được bảo tồn, bày tỏ: “Là người Australia nhưng dường như chúng tôi đã đánh giá thấp giá trị của những chú koala”.

Chiến lược này dường như có phần giống với ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc trong những năm 1950 khi họ tặng con vật đáng yêu này cho nhiều nước để duy trì và thúc đẩy các mối quan hệ bang giao. Đặc biệt phải kể đến sự kiện Bắc Kinh tặng cặp gấu trúc cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến thăm lịch sử của ông vào năm 1972.

Có lẽ cũng xuất phát từ ý tưởng đó mà Ngoại trưởng Australia Julie Bishop không ngần ngại chi 133.000 USD phí vận chuyển và cung cấp thực phẩm hai lần một tuần cho bốn chú koala được mang sang sở thú Singapore trong năm 2015 để thúc đẩy mối quan hệ của Australia với quốc đảo này nhân dịp Singapore kỷ niệm 50 năm độc lập. Ngoài ra, cặp gấu túi Jimbelung cũng được chuyển tới Nhật Bản như một động thái hữu nghị từ phía Australia.

Gấu koala được dùng làm quà tặng ngoại giao đầu những năm 1980 sau khi chính phủ Australia gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu loài vật này. Cho dù việc sử dụng gấu koala bị Đảng Lao động Australia lên án trong báo cáo “Wastepedia” như một biểu hiện lãng phí thì Pat Conry, một thành viên của Đảng này cũng phải thốt lên rằng: “Ông Tony Abbott và bà Julie Bishop thật sự là những chuyên gia trong ngoại giao koala”.

Ngoại trưởng Julie Bishop, một người rất tin tưởng vào ngoại giao koala cho rằng những chú koala đã phác họa lên hình ảnh một Australia “mềm mại và thúc đẩy các giá trị của đất nước Australia như cởi mở, tự do, khoan dung và dân chủ”. Cũng bởi vậy mà Bộ Ngoại giao Australia đang ngày càng thể hiện quyết tâm xây dựng “con bài ngoại giao” – koala bằng cách chính thức coi các chú gấu túi như một “quyền lực mềm”, được đề cập đến trong một cuốn cẩm nang dày 600 trang chuyên giải thích về chiến lược ngoại giao koala.