📞

Vì nghề cá có trách nhiệm của Việt Nam

PGS.TS. NGUYỄN CHU HỒI* 21:39 | 16/09/2021
Khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU), gọi tắt là “đánh cá bất hợp pháp” - là một vấn đề bức xúc toàn cầu, có những tác động xấu ở cả trong lẫn ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia.

IUU đề cập các hoạt động khai thác không tuân thủ các biện pháp bảo tồn hoặc quản lý nghề cá của quốc gia, khu vực hay quốc tế. IUU diễn ra ở hầu khắp các vùng biển và đại dương trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp và thu nhập của chính ngư dân, gây thiệt hại cho môi trường và phá hủy các quần đàn hải sản, làm mất nguồn thu của quốc gia.

Với Việt Nam, nếu không gỡ “thẻ vàng” của Hội đồng châu Âu (EC) vì IUU thì ngành thủy sản Việt Nam sẽ không tận dụng được những lợi thế Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại.

Triển khai các giải pháp hiệu quả chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác là mấu chốt trong tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

3 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng”

Dự tính có khoảng 30% tổng lượng cá đánh bắt toàn cầu (khoảng trên 30 triệu tấn) có nguồn truy xuất từ IUU và tạo ra khoản thu nhập hàng năm khoảng 24 tỷ USD.

Lợi nhuận cao như vậy, nên đánh bắt cá bất hợp pháp của tàu thuyền đánh cá nước ngoài có chiều hướng gia tăng nhanh chóng trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở các vùng biển Đông Nam Á, Biển Đông và biển Việt Nam.

Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã có nhiều cố gắng thực hiện ngăn ngừa, loại bỏ IUU, nhưng đến nay vẫn còn thiếu các giải pháp khả thi để giải quyết hiệu quả và triệt để IUU.

Từ năm 2010, quy định của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu tất cả sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU phải có chứng nhận khai thác, có thông tin về các loài, vị trí khai thác, loại tàu cá, ngày khai thác và bất kỳ hoạt động trung chuyển nào.

Trong trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu. Và ngày 23/10/2017, EC đã chính thức cảnh báo “thẻ vàng” đối với mặt hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU vì chưa đáp ứng được yêu cầu nói trên.

Đây là một thách thức lớn đối với ngành thuỷ sản Việt Nam, ảnh hưởng đến hơn 16% thị phần xuất khẩu hải sản hàng năm của nước ta vào EU. Thậm chí có nguy cơ xảy ra “hiệu ứng Domino” đối với các nước nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh tổn thất kinh phí, hình ảnh, uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam đối với khách hàng dễ dàng bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung xử lý bằng các nhóm giải pháp chính, như:

Hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EU. Rà soát bố sung các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường các chế tài trong Luật Thủy sản sửa đổi (2017), các chính sách, kế hoạch hành động của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài…

Nâng cao năng lực thực thi của các chủ tàu, ngư dân, doanh nghiệp, cảng cá và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như: cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư… và có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm.

Tuyên truyền, truyền thông, thông tin, đào tạo tập huấn làm cho hệ thống quản lý nhà nước về thuỷ sản, các doanh nghiệp và đặc biệt là các chủ tàu, ngư dân hiểu được những nội dung về IUU, bao gồm cả tuyên truyền đối ngoại.

Có thể nói, Luật Thủy sản (2017) đã được Quốc hội thông qua kịp thời, trong đó khai thác IUU lần đầu tiên được đưa vào trong một luật chính thức và được cụ hóa trong 14 hành vi IUU. Về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá (Chương IV và V), luật 2017 này đã tập trung vào 9 khuyến nghị của EC.

Trước hết là về cấp phép khai thác thủy sản (Điều 49) quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác và đánh giá nguồn lợi thủy sản cho các địa phương. Đặc biệt ngày 16/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về ngăn ngừa, giảm thiểu và loại bỏ IUU đến năm 2025.

Đánh cá trên biển là một nghề truyền thống lâu đời của bao thế hệ ngư dân Việt Nam. Tranh chấp đánh cá trên biển đòi hỏi phải vận dụng một cách linh hoạt các giải pháp hòa bình, dựa vào các quy định của luật pháp quốc gia, khu vực (DOC...) và quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã kiên trì đàm phán hòa bình với các quốc gia láng giềng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân nước ta, đồng thời đối xử nhân đạo với ngư dân của tàu nước ngoài đánh bắt cá IUU trong vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vì một vùng biển “hòa bình và thịnh vượng”.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản đã đẩy mạnh hơn công tác giáo dục, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật... đối với ngư dân để phấn đấu xây dựng một nghề cá bền vững và có trách nhiệm trong khu vực Biển Đông.

Hơn 3 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” theo cảnh báo của EU đối với các hoạt động IUU cùng với không ít giải pháp đã được Việt Nam áp dụng, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc. Nhưng xem ra, khả năng đáp ứng các yêu cầu của EU vẫn còn là một bài toán nan giải, cần thêm thời gian và trách nhiệm từ nhiều phía.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam. (Nguồn: Vietq)

Trách nhiệm không chỉ của ngư dân

Gần đây, các hoạt động ngăn chặn IUU đang xoay quanh ngư dân Việt Nam, chủ yếu đánh cá xa bờ ở nước ngoài (ở EEZ của nước khác và vùng biển quốc tế).

Các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật trên biển ở trung ương và các địa phương ven biển đang cố gắng bằng mọi cách kiểm soát, ngăn chặn ngư dân không ra nước ngoài khai thác IUU.

Tuy nhiên, đánh cá bất hợp pháp ở nước ngoài mới chỉ là một loại hình IUU và ngư dân, nếu tuân thủ, họ phải khai thác ở “ao nhà” không còn cá, hiểu theo nghĩa cá thương mại có quy mô hàng hóa lớn.

Vậy, ngư dân ta chỉ có hai cách lựa chọn, hoặc gác tàu lên bờ hoặc “liều lĩnh” đánh cá IUU trong nước, tức đánh bắt bằng các công cụ hủy diệt ngay trong vùng lõi các khu bảo tồn biển, các khu vực cấm đánh bắt đã được pháp luật thừa nhận, từ Bắc vào Nam.

Thực tế điều này đã và đang xảy ra, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý, chưa có giải pháp ngăn cấm hữu hiệu.

Hậu quả của cả hai lựa chọn nói trên đều rất tai hại. Vì, bản chất của ngư dân là bám biển và họ ra biển không chỉ để mưu sinh, mà còn thực hiện “chủ quyền dân sự” trên những vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982.

Trường hợp không bỏ được nghề, vẫn phải đánh bắt IUU trong nước, vô tình họ đã lấy đi “nồi cơm Thạch Sanh” của chính gia đình mình và hàng xóm, sẵn sàng “thế chấp tương lai”.

Bên cạnh nguồn lợi hải sản “ao nhà” đang suy giảm, cơ sở nguồn lợi hải sản ngoài khơi - các rạn san hô ở vùng biển quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, cũng bị “đào tận gốc” do các hành vi ứng xử thiếu thân thiện của con người, làm mất khả năng phục hồi, tái tạo tự nhiên của nguồn lợi hải sản.

Cho nên, cùng với việc “ngăn cấm ngư dân”, hơn lúc nào hết công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng đặc biệt và có kết quả thực chất.

Và điều này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan cùng với ngư dân tăng cường khai thác hải sản có trách nhiệm, góp phần khắc phục IUU.

Vừa qua, vấn đề chuyển đổi nghề cho ngư dân cũng là một giải pháp được đặt ra, nhưng triển khai thực tế còn lúng túng. Cần có thời gian chuẩn bị để tạo chuyển biến về nhận thức, thay đổi thói quen; về bảo đảm trình độ nghiệp vụ tương thích, khả năng đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của nghề mới... cho ngư dân. Không thể nói chuyển nghề là được ngay.

Đến nay, đã có không ít đề tài nghiên cứu ở trong và ngoài ngành thủy sản về chuyển nghề cho ngư dân làm nghề cá nhỏ (small-scale), nhưng khả năng áp dụng còn rất hạn chế.

Vì thế, câu chuyện chuyển nghề cho ngư dân IUU phải được đưa thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phải đánh giá đúng nhu cầu và năng lực ngư dân, phải có giám sát và định kỳ tổng kết của cơ quan quản lý. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cộng đồng ngư dân đã được làm khá thường xuyên với hy vọng làm cho họ thay đổi hành vi cá nhân, tự giác thực hiện và tuân thủ các quy định IUU.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có sự kiểm soát khá chặt chẽ của cơ quan nhà nước, thông qua bộ đội biên phòng và các lực lượng thực thi pháp luật khác như cảnh sát biển, kiểm ngư...

Trên thực tế, đang thiếu sự “kiểm tra chéo” của chính các cộng đồng và tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngư dân các địa phương. Cho nên, cần sớm xây dựng các nhóm cộng đồng ngư dân đánh cá xa bờ thành các “cộng đồng tự quản, tự điều chỉnh, tự kiểm soát”... để không chỉ giải quyết tốt IUU mà còn ứng phó kịp thời với thiên tai và nhân tai trên Biển Đông.

Đây là cách làm lâu dài, lôi cuốn ngư dân vào cuộc để thực thi nghiêm túc quy định của pháp luật. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ pháp lý và không nên “tước bỏ” quyền sở hữu của họ bằng các biện pháp hành chính cực đoan, để lại hậu quả xã hội và rủi ro nhân đạo. Đối với nông dân đất đai là sở hữu quan trọng, còn người ngư dân chỉ có con tàu là tài sản và phương tiện mưu sinh duy nhất cho cả gia đình. Ngư dân cũng cần sự hỗ trợ và trợ lực của nhà nước và chính EU - người “cầm còi” và “thổi còi”.

Ngoài việc ban hành 14 quy định giúp nhận diện hành vi IUU trong Luật Thủy sản 2017, có lẽ quan trọng hơn là các văn bản pháp luật chi tiết với các chế tài cụ thể để đưa các quy định này vào cuộc sống. Trong đó, cụ thể hóa cả quyền và nghĩa vụ của ngư dân, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan khác để giải quyết đồng bộ, mọi khía cạnh của IUU.

Có thể nói, ngư dân đang gặp cảnh khốn khó, “một cổ nhiều tròng” như tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, nhân tai trên Biển Đông với những rủi ro nhân đạo khó lường và IUU.

Thế nên, ngư dân sống trên biển bạc mà vẫn nghèo khó. Cần phải cộng đồng trách nhiệm để đồng hành với ngư dân, cùng ngư dân thoát nghèo, thoát “thẻ vàng” IUU, trụ vững lâu dài trên đôi chân của mình, cùng cả nước tiến ra biển lớn với tâm thức dân tộc. Về phía EU, không chỉ là người “thổi còi”, rồi đưa ra yêu cầu và chờ câu trả lời từ phía Việt Nam.

Bởi, EU có không ít kinh nghiệm giải quyết vấn đề IUU trên phạm vi quốc tế, vậy những bài học và kinh nghiệm gì EU có thể chuyển giao cho Việt Nam và bà con ngư dân. EU nên làm, nên hỗ trợ Việt Nam, trợ giúp nghề cá và ngư dân Việt Nam sớm thoát “thẻ vàng” thay vì chỉ “thổi còi”. Ngư dân Việt Nam rất cần sự giúp đỡ như vậy, nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.

Ngư dân Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng bám biển để phát triển kinh tế đất nước và cải thiện sinh kế cho gia đình, đã đến lúc cả dân tộc phải đồng hành cùng ngư dân tháo gỡ khó khăn thẻ vàng IUU.

Đây không chỉ là những thách thức mà có lẽ cũng là cơ hội để ngành thủy sản và cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân nước ta có thêm động lực mới. Nếu làm tốt sẽ tạo bước ngoặt trong xây dựng và phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững”. Thực hiện tốt công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá để sớm chuyển từ “nông dân đánh cá” sang “công nhân đánh cá” ở nước ta, loại bỏ hiện tượng đánh cá IUU vào năm 2025.

Luật Thủy sản (2017) đã được Quốc hội thông qua, trong đó, khai thác IUU lần đầu tiên được đưa vào trong một luật chính thức và được cụ hóa trong 14 hành vi IUU. Về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá (Chương IV và V), luật 2017 đã tập trung vào 9 khuyến nghị của EC.

Trước hết là về cấp phép khai thác thủy sản (Điều 49) quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác và đánh giá nguồn lợi thủy sản cho các địa phương.

Đặc biệt ngày 16/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về ngăn ngừa, giảm thiểu và loại bỏ IUU đến năm 2025.


* Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS).