Trương Châu Hữu Danh (giữa) và các đồng phạm trong nhóm 'Báo Sạch' tại phiên tòa. (Nguồn: Thanh Niên) |
Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về thực hiện các quyền tự do dân chủ, trong đó có quyền tự do ngôn luận, là rất rõ ràng, minh bạch, khoa học và nhân văn.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp, “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền tự do của người khác.
Không thể được coi là những nhà báo
Lợi dụng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, các đối tượng trong nhóm "Báo Sạch" đã tạo trang fanpage “Báo Sạch”, group “Làm báo sạch” và kênh YouTube “BS Channel” để viết, đăng tải nhiều tin, bài viết có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của một số cá nhân ở các bộ, ngành Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước.
Dưới cái mác hoạt động báo chí điều tra chống tham nhũng, tiêu cực của xã hội, nhóm "Báo Sạch" đã xuyên tạc sự thật, đưa thông tin một chiều, thiếu sự kiểm chứng, xác thực; suy diễn sự việc theo ý chí chủ quan mà không có bằng chứng, từ đó tạo tâm lý hoang mang, tiêu cực, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân về vai trò quản lý nhà nước tại các địa phương, gây mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
Các bài viết đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, của chính quyền địa phương, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ngày 17/12/2020, Cơ quan An ninh điều tra công an thành phố Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, trú tại Ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Quá trình mở rộng điều tra vụ án xác định ngoài việc sử dụng Facebook cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội, bị can Danh còn câu kết với 4 đối tượng khác gồm Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982, trú tại 172, đường Hà Huy Giáp, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980, trú tại 145/2B Đỗ Xuân Hợp, Phước Long, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985, trú tại 59/10 Nguyễn Du, Bến Nghé, TP. Hồ Chí Minh) và Lê Thế Thắng (sinh năm 1982, trú tại Phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội).
Trong nhóm "Báo Sạch", Bảo, Danh giữ vai trò quản trị viên, còn Nhã, Giang và Thắng làm vị trí biên tập viên. Cả 5 thành viên đều có sự thống nhất khi đăng các bài viết. Nhóm này còn thành lập 5 nhóm chat nội bộ trao đổi, thống nhất nội dung các bài viết trước khi đăng.
Quá trình điều tra, và khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Danh, Bảo, Giang, Nhã và Thắng đều thừa nhận hành vi vi phạm đã thực hiện. Thông qua việc viết bài và đăng trên các tài khoản này, các bị can nhận hợp đồng làm truyền thông, quảng cáo cho 8 doanh nghiệp, đối tác ở nhiều địa phương, thu lợi ích về kinh tế hơn 2,8 tỷ đồng.
"Ngoài hành vi bị xét xử theo vụ án này, các bị cáo nhóm 'Báo Sạch' đã bị tước thẻ nhà báo từ nhiều năm trước vì có hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng tới cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Họ không thể được coi là những nhà báo!". (Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng) |
Các bị cáo trong vụ án đều là người có trình độ học vấn, đã từng công tác hoặc đang là phóng viên của nhiều tờ báo trong nước.
Tuy nhiên, các bị cáo lại vi phạm những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, lợi dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin như một tờ báo điện tử mà không chịu sự quản lý, kiểm chứng thông tin của một cơ quan báo chí với tư cách pháp nhân hoạt động theo Luật Báo chí.
Các bị cáo đều thừa nhận việc sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, thông tin một chiều như đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh qua mạng xã hội, cung cấp thông tin của các cá nhân… để viết bài, đánh vào tâm lý, thị hiếu của người đọc đối với các vấn đề tiêu cực của xã hội.
Việc làm của các bị cáo nhằm thu hút sự chú ý của người đọc, đưa ra nhận định chủ quan, suy luận cá nhân thiếu căn cứ nhằm hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử cơ hội lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động một số người có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các nội dung, thông tin tổng hợp, được các chủ tài khoản “Làm báo sạch” hay “Báo Sạch” viết, đăng tải, phát tán trên trang thông tin điện tử đều vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông. Mang danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, nhưng thực chất nội dung các bài viết lại mang ý tiêu cực khi sử dụng thông tin một chiều, thông tin sai sự thật, thiếu sự kiểm chứng.
Các nội dung, thông tin tổng hợp, được các chủ tài khoản 'Làm báo sạch' hay 'Báo Sạch' viết, đăng tải, phát tán đều sai sự thật, thiếu sự kiểm chứng, xác thực, tạo tâm lý hoang mang, tiêu cực, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân về vai trò quản lý nhà nước tại các địa phương, gây mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. (Nguồn: Facebook) |
Bài học thích đáng
Với bằng chứng và tội danh rõ ràng, ngày 26/10, Toà án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ mở phiên toà xét xử sơ thẩm Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm “Báo Sạch”.
Ngày 28/10, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Phước Trung Bảo 2 năm tù; Đoàn Kiên Giang 3 năm tù; Nguyễn Thanh Nhã 2 năm tù và Lê Thế Thắng 3 năm tù; cùng tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tổng cộng 5 bị cáo nhận mức án hơn 14 năm tù. Ngoài ra, tòa còn tuyên phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí thời hạn 3 năm.
Đây là hình phạt thích đáng cho những tội danh mà nhóm này gây ra, là bài học cho bất cứ kẻ nào đang lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, của chính quyền địa phương.
Với tinh thần đề cao quyền con người, Nhà nước Việt Nam không hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đấu tranh chống các vấn nạn tiêu cực của xã hội, thậm chí tạo điều kiện, khuyến khích việc các cơ quan báo chí đăng tải các bài viết đấu tranh chống tham nhũng, phát hiện các tiêu cực trong hệ thống các cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quyền tự do dân chủ khác, việc thực hiện quyền tự do báo chí cần tuân thủ các quy định của pháp luật và những hạn chế đặt ra đối với quyền này. Việc thực hiện quyền tự do báo chí cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, khách quan, đưa tin trung thực được kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thông tin đăng tải.
Thực tế, rất nhiều các vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng lớn tại các cấp từ Trung ương đến địa phương được phát hiện, đưa ra trước công chúng và pháp luật có sự góp sức to lớn và đi đầu của lực lượng báo chí. Đây có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất đối với chủ trương của Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy hoạt động tự do báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong các cơ quan công quyền.
| Lao động trẻ em: Sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ Tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hành động hiệu quả và ... |
| Lắng nghe tiếng nói của người dân trong các cơ chế báo cáo về nhân quyền Tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức nhân dân có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong các cơ chế ... |