Hệ thống tên lửa phòng không S-400. (Nguồn: News Track English) |
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã bị loại khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 (của NATO) do Mỹ dẫn đầu, sau khi Ankara quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Nhà Trắng nêu rõ quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã "khiến cho việc (Ankara) tiếp tục tham gia chương trình F-35 là bất khả thi". Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35 và cho biết họ sẽ bị loại bỏ tư cách đối tác trong chế tạo máy bay. Dưới đây là cái nhìn về sự rạn nứt giữa các đồng minh trong NATO liên quan đến thương vụ này.
S-400 là gì?
S-400 Triumph do Nga sản xuất là một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa tân tiến có khả năng tấn công máy bay và tên lửa hành trình của đối phương. Vũ khí này có tầm bắn 400km, có thể đồng thời chiến đấu với nhiều mục tiêu và có khả năng bắn hạ các đầu đạn tên lửa đạn đạo cùng với máy bay và tên lửa hành trình.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Nga hồi tháng 12/2017 về việc mua hai hệ thống tên lửa S-400 với chi phí được báo cáo là 2,5 tỷ USD. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, việc lắp đặt cả hai hệ thống sẽ được hoàn tất và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020. Các quan chức đã từ chối tiết lộ nơi các hệ thống sẽ được triển khai.
Mất lòng tin ở nhau
Nằm sát các quốc gia láng giềng gặp khủng hoảng như Syria, Iraq và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tìm cách giải quyết những thiếu sót liên quan đến phòng thủ trên không. Ankara tuyên bố họ đã buộc phải đàm phán với Nga để mua S-400 sau khi Mỹ từ chối cung cấp hệ thống Patriot do nước này sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ cũng lập luận rằng S-400 là một trong những hệ thống tốt nhất hiện có và cho biết thỏa thuận với Nga bao gồm cả việc hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng các mục tiêu dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ là độc lập quốc phòng.
Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận liên quan đến hệ thống Patriot đã thất bại do Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng đòi quyền chuyển giao công nghệ, mà Mỹ lo ngại sẽ cho phép Ankara tự chế tạo tên lửa. Điều này đi ngược lại các lợi ích chính đáng của nhà sản xuất Mỹ, bên cạnh những mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết lập quan hệ hữu nghị với Nga và quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga cũng xảy ra đồng thời với sự nghi ngờ ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chính sách của Mỹ ở Syria. Cụ thể hơn, Thổ Nhĩ Kỳ đã tức giận trước sự hỗ trợ của Mỹ cho một nhóm người Kurd ở Syria có liên kết với các phiến quân người Kurd đang chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tin tưởng Washington vì giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người mà Ankara tuyên bố đã sắp đặt một cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016, vẫn đang sống tự do tại Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua thiết bị quân sự của nước ngoài trừ trường hợp cực kỳ cần thiết. (Nguồn: AP) |
Mối đe dọa S-400?
Mỹ nói rằng S-400 không thể được tích hợp vào hệ thống NATO và là mối đe dọa đối với chương trình máy bay chiến đấu F-35. Washington lo ngại lá chắn tên lửa của Nga có thể sẽ được dùng để thu thập dữ liệu về năng lực của F-35 và thông tin nhạy cảm có thể đến tay người Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ không bị giảm giá trị vì S-400 và F-35 sẽ được triển khai ở các địa điểm riêng biệt và nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng đã đề xuất thành lập một nhóm làm việc chung để nghiên cứu cách hệ thống S-400 sẽ tương tác với các máy bay chiến đấu F-35.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ellen Lord cho biết, Mỹ đã đình chỉ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình F-35 và đang bắt đầu quy trình chính thức loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình. Quy trình loại vĩnh viễn Thổ Nhĩ Kỳ đang được tiến hành và sẽ hoàn tất trước ngày 31/3/2020, bà Lord nói.
Nhân vật số 2 của Lầu Năm Góc nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ, nước sản xuất hơn 900 linh kiện của máy bay tàng hình F-35, sẽ mất 9 tỷ USD thu nhập trong tương lai với tư cách là nhà cung cấp phụ tùng. Washington đã đình chỉ một chương trình huấn luyện bay F-35 cho các phi công thực tập và phi công huấn luyện viên của Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Luke ở bang Arizona (Mỹ) và đưa ra thời hạn là ngày 31/7 để các phi công này rời khỏi Mỹ.
Trong một động thái khác, Mỹ cũng đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế theo Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA). Các biện pháp trừng phạt trước đây của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ bắt giữ một mục sư người Mỹ đã khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trượt giá.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng có quan hệ thân thiết với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, đã thực hiện một cách tiếp cận hòa giải hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng hy vọng ở nước này rằng họ sẽ tránh được các hình phạt khắc nghiệt. Trong tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã im lặng về việc liệu các biện pháp trừng phạt đó sẽ được áp dụng hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ đã chuẩn bị để đương đầu với các lệnh trừng phạt của Mỹ và có thể áp đặt các biện pháp chống trả. Một số phương tiện truyền thông đưa tin, Ankara có thể phát động một chiến dịch vào khu vực Đông Bắc Syria để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Washington.
Với NATO, Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn S-400
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên chủ chốt trong NATO kể từ khi gia nhập liên minh quân sự này vào năm 1952. Quốc gia này có quân đội lớn thứ hai trong NATO, chỉ sau Mỹ, và đã bảo vệ sườn Đông Nam của liên minh trong nhiều năm.
Chưa từng có tiền lệ một đồng minh NATO mua lá chắn phòng thủ tân tiến như vậy của Nga, vốn được coi là đối thủ chính của NATO. Thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã đặt ra câu hỏi về việc liệu nước này có hành động dưới sự ảnh hưởng của Nga và về tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai hay không.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng những đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ cho NATO và sự hợp tác của liên minh với Ankara "lớn hơn nhiều" so với vấn đề F-35. Ông nói: "Tôi không đánh giá thấp trở ngại liên quan đến S-400, nhưng tôi đang nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là thành viên NATO, còn quan trọng hơn S-400".
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nêu rõ việc nước này mua S-400 "không phải là một lựa chọn mà là một điều cần thiết" vì những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng không có thay đổi trong "định hướng chiến lược" của Thổ Nhĩ Kỳ.