Rất có thể, Tổng thống Donald Trump ưu ái Nga vì những lợi ích riêng tư. (Nguồn: AP) |
Sự thiên vị từ lợi ích cá nhân?
Tại sao vị Tổng thống “Nước Mỹ trước tiên” lại thường xuyên đặt Nga lên trước tiên như vậy? Câu hỏi này đã một lần nữa nổi lên sau khi tờ New York Times lần đầu tiên tiết lộ thông tin, đơn vị tình báo quân sự Nga đã chi những khoản tiền hậu hĩnh cho Taliban để sát hại các binh lính Mỹ ở Afghanistan. Theo tờ báo trên, những khoản tiền thưởng chính là nguyên nhân gây ra cái chết của những người lính Mỹ.
Một vị tổng thống bình thường hẳn đã hủy chuyến đi đánh golf của mình và lên tiếng rằng sẽ có điều gay cấn xảy ra nếu như các thông tin này là sự thật. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của ông Trump. Thay vào đó, ông đã chỉ trích truyền thông, phủ nhận việc cộng đồng tình báo đã thông báo cho ông về những phát hiện của họ.
Chính phủ Mỹ được cho là đã nắm được thông tin này từ tháng 1/2020 và Hội đồng An ninh Quốc gia thậm chí đã thảo luận về cách xử lý vấn đề này. Trong khoảng thời gian đó, ông Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nói chuyện với nhau ít nhất 5 lần và ra một tuyên bố chung ca ngợi “Tinh thần Elbe” để thể hiện sự tôn kính đối với cuộc gặp giữa các binh lính Mỹ và Liên Xô vào ngày 25/4/1945.
Không những vậy, ông Trump còn mời ông Putin quay trở lại nhóm G7 và “thổ lộ tình cảm” rằng, “chúng ta có một tình bạn tuyệt vời”. Ông Trump không thừa nhận, Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, thay vào đó thường chuyển hướng dư luận sang Ukraine. Ông bày tỏ sự đồng tình với người đồng cấp Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki năm 2018.
Giới quan sát cho rằng, sự thiên vị của ông Trump dành cho Nga có lẽ được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, chứ không phải lợi ích quốc gia. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói rằng: “Tôi buộc phải xác nhận rằng, bất cứ quyết định quan trọng nào của ông Trump trong thời gian tôi làm việc tại Nhà Trắng đều không phải bị chi phối bởi các tính toán trong nỗ lực tái đắc cử”.
Khả năng là “các tính toán tài chính” cũng có liên quan trong đó. Ông Trump và các con trai của ông trong quá khứ từng nói về những khoản tiền họ kiếm được từ người Nga và theo đuổi một thỏa thuận xây dựng Tháp Trump tại Moscow trong giai đoạn chạy đua năm 2016. Tuy nhiên, ông Trump luôn giữ bí mật về các vấn đề tài chính của mình, vì vậy, việc có hay không các thỏa thuận tài chính giữa ông Trump với Nga?, thì chỉ có Tổng thống Mỹ mới biết.
Điều mà dư luận đồn đoán là ông Trump có thể đã không phải là tổng thống nếu không có sự can thiệp của Nga, chắc chắn cũng chỉ ông Trump biết rõ điều này và ông luôn bức xúc bác bỏ. Tổng thống Trump luôn nói rằng, những cáo buộc về sự thông đồng với Nga là một “trò xỏ lá”.
Khoảng trống địa chính trị
Hiện nay, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn tồn tại dai dẳng (có thể kéo dài hàng thập kỷ nữa), Nga có lẽ sẽ dễ dàng hành động hơn và đạt được ít nhất là một vài mục đích địa chính trị tại nước láng giềng sát sườn của mình.
Đối với Moscow, cạnh tranh giữa hai cường quốc kinh tế, quân sự Mỹ-Trung càng kéo dài càng tốt, vì nó sẽ giúp Nga nổi lên như một lực hấp dẫn địa chính trị khác. Chúng ta thường quên rằng, đối với người Nga, Trung Quốc và Mỹ lâu nay vẫn là những đối thủ địa chính trị đáng gờm ngang sức ngang tài. Điện Kremlin không tin tưởng Mỹ, cũng chẳng tin tưởng Trung Quốc và sự cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ mang lại lợi ích cho Nga.
Quy mô của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay khá lớn. Thế nhưng, thế giới quan địa chính trị cố hữu của người Nga vẫn nguyên vẹn: tránh can dự trực tiếp vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và tìm cách tận dụng sự cạnh tranh này để giành được lợi thế địa chính trị. Mục tiêu cuối cùng là khiến cho cả Mỹ và Trung Quốc phải tiếp cận Nga để thuyết phục Moscow ủng hộ họ về địa chính trị.
Washington muốn Moscow xích lại gần Mỹ hơn là ngả dần về phía Trung Quốc. Có lẽ, Mỹ đã có những nỗ lực nghiêm túc để cứu vãn mối quan hệ vốn đổ vỡ với Điện Kremlin. Vấn đề là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể nhượng bộ Nga đến đâu?
Nga có thể sẽ thử tham gia một trò chơi khó là cân bằng giữa phương Tây và Trung Quốc để giành được sự nhượng bộ từ cả hai. Tuy nhiên, những hy vọng lâu dài của Điện Kremlin có thể tiêu tan nếu Mỹ đi đến kết luận rằng Nga và Trung Quốc liên kết với nhau về mặt chiến lược để trở thành kẻ thù của Mỹ.