Theo công bố của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Hà Lan đã 2 lần liên tiếp vượt qua 29 nước phát triển để dẫn đầu trong bảng xếp hạng đất nước có trẻ em hạnh phúc nhất thế giới.
Khảo sát của UNICEF tại 29 nước phát triển cho thấy, trẻ em Hà Lan dành được số điểm cao nhất theo 3 trong 5 tiêu chí đánh giá, bao gồm: chỉ số hạnh phúc, sức khỏe và an toàn, giáo dục, hành vi, nhà ở và môi trường. Khi được hỏi, 95 % trẻ em Hà Lan tự tin khẳng định mình luôn rất vui.
Có nhiều yếu tố tạo nên điều đó, bao gồm: bố mẹ của các em là những người hạnh phúc nhất thế giới; 68% phụ nữ Hà Lan làm việc trung bình 25 giờ/tuần để có thời gian giúp con cái; các ông bố cũng có vai trò lớn hơn trong việc nuôi dưỡng con cái bằng cách làm việc bán thời gian, giúp giảm áp lực cho các bà mẹ.
Rất nhiều ông bà ở Hà Lan giúp con cái trông cháu và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của những đứa trẻ, đặc biệt là đối với những trẻ bị tự kỷ. Thông thường, họ dành một ngày trong tuần cho các cháu và nhờ thế, cha mẹ có cơ hội tốt hơn để cân bằng giữa gia đình và công việc.
Ở Hà Lan, bố mẹ không quát nạt la mắng, biết kiểm soát và giữ được bình tĩnh khi con phạm lỗi, biết nghe ý kiến và tôn trọng con trẻ; không đề cao giá trị vật chất, không quan trọng hóa thành tích của con.
Trẻ con rất thích đến trường, coi trường là ngôi nhà thứ hai của chúng. Giờ học tập, ăn uống nghỉ ngơi của con trẻ ở trường được các cô sắp xếp rất khoa học, hợp lý… khiến các bố mẹ rất yên tâm. Các cô không bao giờ đánh mắng mà luôn dạy trẻ biết yêu thương…
Các em nhỏ Hà Lan được hưởng nền giáo dục trong mơ để phát triển toàn diện với ba không: không thi cử, không điểm số và không cạnh tranh. Ở trường học, chương trình giáo dục rất trọng đến việc vui chơi của trẻ nhỏ, trẻ em luôn được khuyến khích học tùy theo năng lực của mình.
Ở cấp tiểu học kéo dài tới 7 năm, trẻ em không có bài tập về nhà đến năm 10 tuổi, việc học sẽ chỉ gói gọn trên lớp và trong các hoạt động ngoại khóa. Các em không phải trải qua bất cứ một kỳ thi sát hạch đánh giá chấm điểm nào.
Một kỳ thi duy nhất là kỳ thi chuyển từ cấp Tiểu học (7 năm) lên Trung học. Mặc dù gọi là thi nhưng thực tế không ai bị đánh trượt trong kỳ thi này, đây chỉ là một kỳ thi nhiều môn để phân loại học sinh.
Mỗi lớp học ở Hà Lan có trung bình khoảng 16 học sinh, nên giáo viên có thể theo dõi sát sao, nắm bắt được trình độ, năng lực, năng khiếu của từng học sinh mà không cần phải thông qua điểm số. Trong một lớp, có thể có nhiều trình độ và bài tập giao cho các em tùy thuộc trình độ của từng em.
Ở Hà Lan, trẻ 4 tuổi bắt đầu được giáo dục giới tính nhằm phát triển kỹ năng chống áp bức, đe dọa và lạm dụng tình dục. Nhờ áp dụng chính sách đó mà Hà Lan là một trong những nước có tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất thế giới (khoảng 0,5%).
Các bậc cha mẹ ở Hà Lan có cách tiếp cận và nuôi dạy con cái khác biệt so với các bậc phụ huynh ở nhiều quốc gia khác: họ bảo ban con trẻ cần phải làm gì chứ không ra lệnh hay yêu cầu, bắt buộc phải làm, giúp giảm thiểu những trận tranh luận gay gắt cũng như các cuộc đấu trí trong gia đình.
Ngoài ra, ý kiến của trẻ luôn được lắng nghe, nhân cách trẻ được tôn trọng… Dù bố mẹ không áp đặt điều gì lên con cái, nhưng trẻ em lại luôn biết trên biết dưới.
Cha mẹ thường khích lệ các em tự đi chơi, thường là tự đi xe đạp; hoạt động thể thao gần như không bị hủy bỏ vì “yếu tố thời tiết”, giúp các em dần thích nghi với mưa, nắng. Các em ra ngoài chơi mà không phải chịu sự giám sát của bố mẹ, bởi các bậc phụ huynh tin rằng, điều này giúp phát triển khả năng tự lập của các con.
Ngày 15/12, khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học cho sinh viên về Luật quốc tế lần thứ ba với chủ đề 'Trí tuệ nhân tạo (AI) ...
Ngày 15/12, chung kết chương trình 'Tìm kiếm thủ lĩnh sinh viên Học viện Ngoại giao' - DAV's Leaders 2024 khép lại trong không khí sôi động và đầy cảm xúc.