Pháo tự hành Gepard của quân đội Đức. (Nguồn: Die Welt) |
Những lời giải thích?
Đầu tháng 6, Thủ tướng Scholz đã cam kết tăng cường chuyển giao các loại vũ khí hạng nặng quan trọng cho Ukraine. Từ đó, trong các cuộc họp thường kỳ, các nhà ngoại giao Ukraine cố gắng thúc giục Đức thực hiện cam kết, nhưng họ chỉ nhận được những lời biện minh.
Trong các cuộc họp cấp cao ở Bộ Quốc phòng Đức từ đầu tháng 6 tới nay, các đại diện từ Ukraine luôn yêu cầu cung cấp thêm các loại vũ khí mà Đức đã cam kết, trong đó có pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (tới nay 10 pháo đã được giao cho Ukraine) và hệ thống pháo phản lực phóng loạt Mars II (3 hệ thống đã được chuyển giao).
Ngoài ra, Kiev cũng đề nghị Berlin phê duyệt việc xuất khẩu xe tăng và xe chiến đấu bộ binh theo đề xuất của các doanh nghiệp quốc phòng Đức.
Tháng 4 vừa qua, tập đoàn vũ khí Rheinmetall của Đức đã đề xuất bán cho Ukraine 100 xe chiến đấu bộ binh Marder và 88 xe tăng chủ lực Leopard 1, bao gồm cả huấn luyện và đạn dược.
Theo nhà sản xuất, các thiết bị này sẽ có mặt một cách nhanh chóng. Một đơn xin xuất khẩu đã được gửi tới chính phủ Đức, nhưng trong 4 tháng qua, Thủ tướng Scholz đã không có ý kiến về vấn đề này.
Tuần trước, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Resnikov cũng đã nhắc lại những yêu cầu trên.
Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cũng thúc giục ông Jens Plötner - cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Scholz - trong cuộc điện đàm ngày 4/8. Các cơ quan báo chí đã yêu cầu cung cấp thông tin về điều này, nhưng Văn phòng Thủ tướng Đức cho biết không thể cung cấp chi tiết các cuộc thảo luận bí mật.
Trả lời phỏng vấn báo Die Welt, đại diện chính phủ Ukraine cho biết, tất cả các đề nghị của Kiev luôn được nêu ra cụ thể trong các cuộc họp với Bộ Quốc phòng Đức.
Nhưng cho đến nay, "điều đó không có bất kỳ tác dụng nào". Trong các cuộc đàm phán, Bộ Quốc phòng Đức thanh minh rằng, chính quân đội nước này cũng đang cần nhiều loại vũ khí để thực hiện các nghĩa vụ ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cũng với lập luận này, thời gian đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Thủ tướng Scholz đã bác bỏ việc giao vũ khí hạng nặng cho Kiev. Quốc vụ khanh Lực lượng vũ trang Anh James Heappey không đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng, việc Đức chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine không làm ảnh hưởng tới an ninh của NATO.
Phía Ukraine cho rằng, các loại xe tăng và xe chiến đấu bộ binh là do ngành vũ khí quốc phòng cung cấp, nhưng không được chính phủ Đức phản hồi.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội Đức ngày 1/6, Thủ tướng Scholz đã đưa ra cam về việc chuyển giao vũ khí cho Kiev. Tại thời điểm đó, người đứng đầu chính phủ Đức cam kết sẽ chuyển giao 3 hệ thống hệ thống pháo phản lực phóng loạt Mars II, một hệ thống phòng không Iris-T và một hệ thống rađa. Từ đó, ông cũng nhiều lần nhắc lại lời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Đức lưỡng lự trong việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
"Đức không nên đi một mình"
Tuần trước, nhà lãnh đạo Đức nhắc lại rằng Đức đã phá vỡ truyền thống và đang chuyển giao vũ khí tới vùng chiến sự. Và Đức "sẽ tiếp tục làm như vậy trong thời gian tới".
Trước đó, hồi cuối tháng 4, Thủ tướng Scholz đã kiên quyết bác bỏ việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev. Một trong những nguyên nhân ông đưa ra là "Đức không nên đi một mình" trong vấn đề này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đã có hàng chục quốc gia đồng minh chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Tại một cuộc thảo luận về việc ủng hộ Ukraine do Mỹ tổ chức, áp lực từ các đồng minh đã buộc chính phủ Đức phải lùi bước: Đức thông báo sẽ chuyển giao 30 xe tăng Gepard và các xe pháo tự hành cho Kiev.
Tuy nhiên, đạn dược của loại xe tăng Gepard này lại bị thiếu, khiến các đồng minh ngày càng nghi ngờ về khả năng cung cấp vũ khí hạng nặng của chính phủ Đức.
Cuối tháng 5, khi lần đầu tiên Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa phóng loạt cho Ukraine, Thủ tướng Scholz đã phải thực hiện theo. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz đã để ngỏ thông báo cung cấp các hệ thống tên lửa hồi tháng 6 của ông.
Cuối tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann đã gửi thư cho Thủ tướng Scholz kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc gia để huy động thêm viện trợ cho Ukraine, nhưng phủ thủ tướng đã từ chối.
Thời điểm đó, một phát ngôn viên của phủ thủ tướng cho biết, họ sẽ không trả lời ngay bức thư của Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức.
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz vẫn giữ quan điểm cũ: không giao vũ khí của Đức và không để các đối tác khác giao chúng cho Kiev; do Washington không cung cấp xe tăng chiến đấu của phương Tây cho Kiev nên Berlin cũng không thể làm điều này.
Tuy nhiên, chính phủ Đức đã không chú ý tới việc Washington đã tăng số lượng chuyển giao hệ thống tên lửa HIMARS lên 16 và pháo phản lực lên 126 cho Kiev.
Thay vào đó, phủ thủ tướng Đức nêu rõ mức độ hỗ trợ cho Ukraine bằng cách cập nhật danh sách vũ khí được chuyển giao hàng tuần.
Trong tuần qua, số lượng này đã tăng thêm 10 loại thiết bị, trong đó chủ yếu bao gồm những thứ như tủ lạnh, thiết bị gây nhiễu và thiết bị chụp ảnh nhiệt.