Thủ tướng Austraulia Kevin Rubb đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại cầu thang máy bay ngày 6/9/2009 |
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất của Nhà nước Australia dành cho nguyên thủ quốc gia vào chiều 6/9 tại thủ đô Canberra. Thủ tướng Australia Kevin Rudd khẳng định Việt Nam là một đối tác rất quý báu của Australia trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Còn tờ Thời báo Canberra đưa tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với nhận định đây là “cột mốc ngoại giao quan trọng”… Không chỉ có vậy, Tuyên bố chung đưa ra sau chuyến thăm còn xác lập bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, với việc nhất trí tiến tới Quan hệ Đối tác Toàn diện - tạo khuôn khổ hợp tác sâu rộng hơn nữa cho tương lai. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp đại diện Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Australia và Quỹ Học mãi; gặp gỡ và trao đổi thân mật với các cán bộ Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, cùng kiều bào đang làm ăn, sinh sống và học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Australia.
Mở rộng quan hệ chính trị, trao đổi chính sách công
Australia và Việt Nam quyết tâm tăng cường và mở rộng hợp tác trong việc xây dựng và phát triển chính sách công thông qua một loạt hoạt động như chia sẻ thông tin, trao đổi nhân sự, đào tạo và phát triển nhân lực.
Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý khu vực công, chính sách xã hội, và các quy trình điều hành sẽ góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Những trao đổi về tài chính công, quản lý ngân sách, cải cách kinh tế và thuế, chính sách đầu tư, chính sách cạnh tranh và hạ tầng, cũng như đối thoại chính sách trong các lĩnh vực HIV/AIDS, giáo dục, quản lý khoa học và công nghệ, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội và dịch vụ, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em, sẽ đem lại sự hợp tác chặt chẽ hơn và giúp thúc đẩy tăng trưởng ở những lĩnh vực then chốt. Australia cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam hoạch định chính sách thích hợp về quản lý người lao động nước ngoài. Lãnh đạo hai nước nhất trí tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Chính phủ, Nghị viện, thiết chế của Australia với các cơ quan Đảng, Quốc hội của Việt Nam.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại
Sự năng động của mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Australia và Việt Nam - mối quan hệ thương mại có mức tăng trưởng nhanh nhất của Australia trong ASEAN - đã được khẳng định rõ trong Tuyên bố chung của hai nước. Hai nước thống nhất sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại thông qua thiết lập khuôn khổ thương mại toàn cầu, đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ và tái khởi động Vòng đàm phán Doha, đẩy mạnh hợp tác thương mại trong khu vực thông qua việc triển khai sớm và hiệu quả Hiệp định thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Australia-New Zealand.
Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Kinh tế-Thương mại Việt Nam-Australia sẽ tiếp tục là một diễn đàn song phương tập trung vào thúc đẩy thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực then chốt như phát triển hạ tầng, phát triển nông thông, khai khoáng và năng lượng, chế tạo, nông nghiệp, tài chính, giáo dục và dịch vụ. Australia cam kết hỗ trợ chương trình trợ giúp kỹ thuật hậu WTO, nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của mình, củng cố các thiết chế thị trường tài chính và hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế quốc tế.
...Hai nước sẽ tận dụng các cơ hội tăng cường và đa dạng hóa hoạt động thương mại thông qua các cơ chế hợp tác hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước, bảo đảm tính minh bạch và tính cạnh tranh của thị trường.
Tiếp tục hỗ trợ phát triển, hợp tác kỹ thuật
Ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ, Australia khẳng định tiếp tục dành hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam bằng cách thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, mở rộng các dịch vụ cơ bản như nước sạch và vệ sinh, quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.
Australia cũng sẽ tiếp tục dành ưu tiên trong việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam để giúp Việt Nam tạo dựng nguồn nhân lực cần thiết cho tương lai. Australia hiện là điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam, với trên 20.000 sinh viên đăng ký vào các khóa học tại Australia. Các cơ sở giáo dục của Australia cũng đã đạt những thành công lớn ở Việt Nam với trên 14.000 sinh viên đang theo học các chứng chỉ của Australia tại Việt Nam.
Thông qua các sáng kiến hạ tầng hiện tại và tương lai, trong đó có hợp tác về dự án cầu Cao Lãnh, một hợp phần trong Dự án Kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Australia sẽ hỗ trợ các dự án giao thông chính và xây dựng đường giao thông trong khu vực để nối các vùng nông thôn chậm phát triển với các hành lang kinh tế.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, cả Australia và Việt Nam đều khẳng định ủng hộ Quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương về phát triển sạch và khí hậu, đồng thời cam kết tận dụng các cơ hội hợp tác nhằm sử dụng các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo. Hai nước dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận song phương vào năm 2010 nhằm tạo cơ sở cho việc hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Phía Australia cam kết tạo cơ hội tăng cường đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực an toàn phóng xạ và hạt nhân giữa Cơ quan An toàn Phóng xạ và Hạt nhân Việt Nam với các tổ chức tương ứng của Australia. Hai nước cũng cam kết đóng góp cho việc bảo đảm an ninh lương thực thế giới và tăng cường hợp tác trong nghiên cứu nông, lâm, ngư nghiệp và nâng cao năng suất cùng an toàn thực phẩm.
Phối hợp xây dựng cấu trúc an ninh tin cậy ở khu vực
Với nhận thức rằng an ninh và thịnh vượng của cả hai quốc gia có liên hệ với tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Australia và Việt Nam sẽ phối hợp trên các diễn đàn khu vực nhằm xây dựng một cấu trúc an ninh tin cậy và thúc đẩy các biện pháp tạo dựng lòng tin để giảm thiểu nguy cơ xung đột trong vùng.
Australia và Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua việc tiếp tục trao đổi đoàn và đào tạo nhân lực, đẩy mạnh chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Hai nước cam kết hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, buôn bán người, ma túy, rửa tiền thông qua sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng cảnh sát, hải quan, biên phòng và an ninh. Hai nước đã kết thúc đàm phán Hiệp định Chuyển giao người bị kết án và cam kết xây dựng cơ chế hợp tác thiết thực thông qua các hoạt động điều phối và ủng hộ Lộ trình Bali cùng Hiệp định Hợp tác khu vực về chống hải tặc và cướp có vũ trang ở châu Á.
Ủng hộ các mối liên hệ nhân dân
Giữa Australia và Việt Nam từ lâu đã có các mối liên hệ nhân dân ở mọi giai tầng xã hội và trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh, học thuật, báo chí, văn hóa đến các tổ chức phi chính phủ. Do đó, hai nước cam kết tiếp tục củng cố những mối liên hệ này, nhất là thông qua hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch.
Australia và Việt Nam sẽ sớm đạt được một thỏa ước nhằm tạo cơ hội cho thanh niên hai nước có thể sang làm việc ngắn hạn tại nước kia. Hai nước cũng sẽ đẩy mạnh các dịch vụ lãnh sự khi Việt Nam mở lãnh sự quán tại Perth và Melbourne, đồng thời tạo điều kiện cho phía Australia mở rộng Tổng lãnh sự đặt tại TP. Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực
Australia và Việt Nam khẳng định cần phối hợp hành động nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời phát huy các khuôn khổ xử lý thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo và an ninh lương thực.
Hai nước cam kết hợp tác chặt trẽ trong khuôn khổ Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm và tăng cường hiệu quả của thiết chế Liên hợp quốc. Đồng thời, hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với nhau và với các quốc gia khác thông qua các diễn đàn liên khu vực như ASEM và khu vực như APEC, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và ASEAN nhằm xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng.
Xuân Hồng
Trong thời gian ở thăm Australia, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã hội đàm với Thủ tướng Kevin Rudd, hội kiến với Toàn quyền Quentin Bryce, Chủ tịch Thượng viện John Hogg, Chủ tịch Hạ viện Harry Jenkins, Lãnh tụ đối lập Malcolm Turnbull, Thủ hiến bang New South Wales Nathan Rees và Thống đốc bang New South Wales Marie Bashir.
Kể từ khi Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 6/1975), quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác như: Hiệp định Hợp tác Kinh tế Thương mại, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định Hàng không và nhiều thỏa thuận khác, tạo khung pháp lý cho quan hệ 2 nước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 300 triệu USD vào năm 2008. Hai nước cũng đã trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, trong đó nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 5/2005, Thủ tướng hai nước đã ký “Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand”, khẳng định quyết tâm trong thập kỷ tới sẽ đẩy mạnh hợp tác để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước. Trong chuyến thăm New Zealand của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 9/2007, hai nước tiếp tục khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trên nhiều mặt. Hiện nay, New Zealand là đối tác thương mại thứ 33 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 31 trong các đối tác lớn của New Zealand. |