📞

Việt Nam chủ động giám sát chặt dịch Covid-19 tại cửa khẩu

14:18 | 08/01/2023
Kể từ ngày hôm nay (8/1), Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch. Trước tình hình này, Bộ Y tế Việt Nam đã có những biện pháp dự phòng, trong đó chú trọng đến các biện pháp giám sát tại cửa khẩu.
Tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Giám sát chặt các cửa khẩu, cơ sở khám, chữa bệnh

Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch, các chuyên gia y tế đánh giá, động thái trên có thể dẫn đến số ca mắc Covid-19 tăng, nhưng Việt Nam khó có nguy cơ bùng phát dịch do đã có miễn dịch. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã bãi bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ rất lâu và hiện kiểm soát dịch vẫn tốt.

Hiện ngành y tế đang phối hợp với các địa phương có cửa khẩu xây dựng những phương án phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn. Việc mở cửa trở lại sẽ khiến số người nhập cảnh vào Việt Nam tăng. Vì vậy, cần có sự giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện sớm biến thể mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, trước sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng, chống dịch Covid-19, chính sách đối với người nhập cảnh cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, không bị động trong tình hình mới.

Bên cạnh tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay, cần tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về viện, bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gen để đánh giá nguy cơ. Đối với các tỉnh, thành có cửa khẩu tăng cường lấy mẫu giám sát tại cộng đồng, tăng cường rà soát lại hệ thống điều trị, rà soát lại hệ thống lưu trú trên địa bàn để phục vụ hành khách nhập cảnh.

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua cửa khẩu, Sở Y tế các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm hoạt động kiểm dịch y tế quy định tại Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

“Biện pháp phòng, chống hiện nay phải tập trung trên 3 nội dung chính. Đó là nguồn lây bệnh, chúng ta phải nhìn nhận ở những nơi nào thông tin ít, chưa đầy đủ, số ca mắc cao. Đặc biệt, việc giám sát các biến thể chưa đầy đủ, hoặc nghe ngóng thông tin các biến thể mới ở nơi nào đó thì lập tức chúng ta phải ứng xử một cách kịp thời” - GS.TS Phan Trọng Lân khuyến cáo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị cần tăng cường công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, đồng thời tăng cường tuyên truyền để hành khách nhập cảnh chủ động thông báo tình hình sức khỏe, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp. Đồng thời cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung, quy mô lớn để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gen.

Tiêm vaccine Covid-19, chủ động biện pháp phòng bệnh

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lưu ý, chúng ta phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt. Trong đó, việc tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch. Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát những biến chủng mới bằng cách phối hợp WHO, các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó. Cần thực hiện chiến lược “nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó”, chuyển từ “cấm đoán sang kiểm soát rủi ro" để vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo việc làm ăn kinh tế, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Việc đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn là biện pháp tránh lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp khác. Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Đặc biệt lưu ý việc bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền để giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, biến thể XBB và các biến thể phụ được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 tại 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB 1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ. Đây sẽ là chủng chiếm dần ưu thế so với các chủng phụ khác của Omicron.

Theo TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, sự xuất hiện của biến thể XBB cho thấy rằng đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Bất cứ nơi nào có Covid-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của những biến thể mới nguy hiểm.

Do đó, TS Angela Pratt khuyến cáo: “Trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị, áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như chúng ta đã thực hiện đối với những biến thể phụ khác. Đó là đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người, không gian kín, rửa tay thường xuyên. Cả người lớn lẫn trẻ em hãy đảm bảo rằng, mình đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị”.

Hiện nay, tiêm phòng vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả với các biến thể của Omicron. Vì vậy, đối với những địa phương có nhiều giao lưu, thông thương cần khẩn trương bao phủ những mũi tiêm còn thiếu. Để đảm bảo nền miễn dịch tốt, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở có năng lực giải trình tự gen, sẵn sàng xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện sớm nhất biến thể mới và có biện pháp ứng phó kịp thời.

(theo Kinh tế & Đô thị)