TIN LIÊN QUAN | |
Một số hình ảnh bên lề HNNG 29 “Nâng cao hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển” (tiếp) | |
Nơi tiền đồn của đối ngoại đa phương (phần 1) |
Trao đổi với phóng viên TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 29, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi và Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn đã có cùng những nhìn nhận về đối ngoại Việt Nam trong thời gian qua. Theo các Đại sứ, Đối ngoại Việt Nam đang đi đúng hướng, khéo léo và uyển chuyển trong một thế giới diễn biến khó lường.
Đại sứ Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị. (Ảnh: Minh Châu) |
Đồng quan điểm hòa bình
Theo Đại sứ Minh Khôi, trong quá trình phát triển, nền đối ngoại của Việt Nam chưa bao giờ hết khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, trước mỗi khó khăn, thách thức ấy, đất nước ta lại càng vươn lên và giành được nhiều thành tựu hết sức quan trọng.
Đại sứ nhận định, tình hình thế giới có những diễn biến rất phức tạp, nhiều yếu tố chưa định hình rõ ràng, các cặp quan hệ nước lớn đang chuyển động nhanh chóng. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi cộm lên vấn đề Biển Đông cùng các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc tại vùng biển này. Mỹ đẩy mạnh can thiệp vào khu vực nhằm bảo vệ tự do hàng hải. Châu Âu cũng rất “nóng” với chiến sự ở Trung Đông, đem lại cho thế giới nhiều phiền phức.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, có thể khẳng định, bức tranh quốc tế có xáo trộn không bình thường và các chủ thể lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn đang chi phối bức tranh này. Đồng thời, các cường quốc cũng tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lợi của mình tại nhiều khu vực của thế giới.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Minh Khôi nhấn mạnh, quan trọng hơn bao giờ hết, Việt Nam phải kiên trì đường lối đối ngoại mà Đại hội XII đã đặt ra. Đó là đối ngoại hòa bình, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa nhưng phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết. Chúng ta xử lý quan hệ của mình với các nước lớn trên từng lĩnh vực, trên cơ sở xem xét cách xử lý đó có phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hay không.
Hiện nay, Trung Quốc đang trỗi dậy rất mạnh mẽ, tập hợp lực lượng trên thế giới đang diễn ra đa tầng nấc, nhưng tất cả các nước trên thế giới đều mong muốn duy trì khuôn khổ quan hệ tương đối hòa bình. “Tôi chưa thấy nước lớn nào có phát biểu đề cập đến chiến tranh. Như vậy, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và các nước lớn đều có đồng quan điểm là mong muốn hòa bình và một môi trường quốc tế ổn định”, Đại sứ Minh Khôi khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Minh Khôi, ngoại giao Việt Nam phải dựa trên thực lực của đất nước. Nếu đất nước chúng ta lớn mạnh hơn, nền kinh tế phát triển tốt hơn thì chắc chắn tiếng nói, vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên thế giới. Chúng ta cũng cần đánh giá rõ lợi ích rất lớn đối với đất nước khi Cộng đồng ASEAN đã chính thức vận hành vào cuối năm ngoái. Hơn bao giờ hết, vị thế đối ngoại của Việt Nam được nâng lên trong quan hệ với các nước lớn và trong các tổ chức quốc tế.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam rất "uyển chuyển"
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, trong mối quan hệ với các nước lớn, Việt Nam cần phải khéo léo để làm sao vừa giữ vững được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông, đồng thời giữ được quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và cải thiện, nâng cao được quan hệ với Mỹ.
Đại sứ Thanh Sơn khẳng định, chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay đang đi rất đúng hướng. Một mặt, chúng ta vẫn giữ vững được ổn định ở Biển Đông, một mặt chúng ta vẫn cố gắng tạo ra những mối quan hệ tốt để tranh thủ phát triển kinh tế, hội nhập với một số tổ chức kinh tế thế giới và các hiệp ước liên minh kinh tế thế giới.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị. (Ảnh: Minh Châu) |
Theo Đại sứ Thanh Sơn, Việt Nam đã xác định được các đối tác cũng như đối tượng, trong đó có cả những nước vừa là đối tác vừa là đối tượng. Việt Nam đang có những bước thâm nhập mạnh mẽ vào khu vực châu Âu, một khu vực truyền thống của chúng ta.
Mặc dù Nga - Đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam - đang phải chịu sự bao vây cấm vận kéo dài và nặng nề của của Mỹ cũng như phương Tây, nhưng quan hệ giữa Việt Nam với Nga và EU đều tốt. Điều đó thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam rất uyển chuyển, phù hợp, chọn đường đi đúng đắn từ “thêm bạn bớt thù” tới “làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”.
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga cũng đánh giá việc ký kết hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tới đây là ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) là những bước đi nâng tầm vị thế của Việt Nam trong con mắt các đối tác châu Âu.
Thủ tướng: Những yêu cầu mới với ngành Ngoại giao “Tôi lắng nghe ý kiến các đồng chí, việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình ... |
Một số hình ảnh bên lề HNNG 29 “Nâng cao hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển” Sáng 23/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị ... |