Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, tháng 7/2015. (Nguồn: Reuters) |
Phải tới năm 2006, trên ngưỡng cửa Cấp cao APEC - Hà Nội, ta và Mỹ mới đạt được thỏa thuận, mở đường cho nước ta trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức thương mại toàn cầu này và Mỹ dành cho nước ta cơ chế “thương mại bình thường thường xuyên” (PNTR), tức Quy chế tối huệ quốc.
Sau mốc lịch sử ấy, kim ngạch xuất khẩu của nước ta gia tăng nhanh chóng, năm 2019 lên tới 264,5 tỷ USD.
Thay cho việc Mỹ “leo thang chiến tranh” ở Việt Nam trước đây là sự “leo thang” hợp tác giữa hai nước mà đỉnh cao là việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước vào năm 2013.
Ngoại giao cấp cao đã trở thành nòng cốt của mối quan hệ song phương. 4 đời Tổng thống Mỹ đã sang thăm Việt Nam 6 lần; ở chiều ngược lại, các Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng từng sang thăm Mỹ; đặc biệt năm 2015 lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đã thăm chính thức nước Mỹ, hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Đồng thời, quan hệ hai nước mở rộng sang cả những lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng, an ninh.
Lợi ích song trùng
Có bạn hỏi: Lợi ích của ta thì rõ rồi nhưng động cơ gì đã thúc đẩy Mỹ hòa giải với “cựu thù” từng làm “mất mặt” họ bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975?
Thật lòng tôi không thể lý giải điều này thay người Mỹ mà chỉ có thể chia sẻ đôi ba điều quan sát được. Vào thời điểm đầu những năm 90 thế kỷ trước, “thế giới hai cực” do Mỹ và Liên Xô đứng đầu không còn, Mỹ muốn “trở lại” châu Á - Thái Bình Dương là khu vực ngày càng phát triển năng động. Vì lợi ích ấy, Mỹ đã chuyển sang chiến lược “can dự”, trong đó Việt Nam vốn nằm ở một khu vực quan trọng về địa - chính trị và địa - kinh tế đang đổi mới thành công là một nhân tố không thể bỏ qua.
Qua nhiều lần sang thăm Mỹ cả trước và sau khi hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao, “ngao du” nhiều bang và tiếp xúc với đủ tầng lớp xã hội ở Mỹ tôi cảm nhận thấy rất rõ mối quan tâm của họ đối với nước ta.
Có một hiện tượng lạ là một số nhân vật nổi tiếng ở Mỹ như các ông McCain, John Kerry, Chuck Hagel, Peter Peterson… từng tham chiến ở Việt Nam, thậm chí có vị từng trú ngụ trong “Khách sạn Hilton Hà Nội” (tức Nhà tù Hỏa Lò) lại rất nhiệt tình ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Có lẽ bên cạnh tầm nhìn chiến lược của họ, phải chăng hành xử đầy tính nhân văn của con người Việt Nam đã tạo nên hiện tượng này.
Ông Vũ Khoan trong các dịp gặp chính khách Mỹ. |
Lần tới thăm bang Texas, cựu Tổng thống G. Bush (cha) đã mời tôi tới thăm Câu lạc bộ golf, sau đó mời tôi cùng ngồi xe về thăm Văn phòng của ông. Ông kể với tôi rằng, năm 1995 nhiều người khuyên ông không nên du lịch Việt Nam, ngại rằng có thể xảy ra những việc không hay vì cuộc chiến tranh của Mỹ đã gây nhiều đau thương cho người Việt Nam. Tuy nhiên, khi sang thăm Việt Nam, ông rất ngạc nhiên thấy không ai nhắc gì tới chuyện đó, thậm chí nhiều người, trong đó có các cựu chiến binh Việt Nam còn bá vai bá cổ chuyện trò rất thân mật với ông.
Đáp lại, tôi chia sẻ với ông về truyền thống nhân văn của con người Việt Nam mà biểu hiện cao đẹp nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông thích thú hỏi han rất kỹ về Bác Hồ, nhất là khi được biết tôi từng được làm phiên dịch tiếng Nga cho Người.
Nói vậy chứ không phải mọi chuyện trong quan hệ Việt - Mỹ lúc nào cũng xuôi chèo mát mái đâu vì giữa hai nước có sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội, về những lợi ích cụ thể, về truyền thống văn hóa… Bản thân tôi không chỉ cảm nhận thấy mà nhiều khi còn phải căng óc tìm cách tháo gỡ những sự khác biệt giữa hai bên với phương châm “làm mọi việc có thể đem lại lợi ích cho nước mình, dân mình”.
Nhìn chung lại, quan hệ Việt - Mỹ chỉ có thể tiến bước khi lợi ích hai bên song trùng; muốn vậy không có cách nào khác là thông qua đối thoại để tìm tiếng nói chung trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Hy vọng rằng, trên nền tảng cơ bản ấy, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ sẽ có những bước tiến mới.